T2, 06/07/2020 10:33

Nghệ An: Nghề thừng, nghề lưới ở Diễn Bích

Chưa có đánh giá về bài viết

Bây giờ ở xã Diễn Bích (Diễn Châu, Nghệ An) còn ít người đan, bện thừng, hầu hết đã chuyển sang đan lưới. Nhưng câu chuyện một thời ngư dân ở miền chân sóng này vất vả với thừng thì vẫn được nhắc đến bên ấm chè xanh, bên thềm nhà, bên những mạn tàu chuẩn bị chuyến khơi xa…

Trên con đường đất mấp mô dẫn ra cánh đồng thôn Bắc Chiến Thắng, anh Nguyễn Ngọc Quyết mồ hôi nhễ nhại, hai cánh tay cuồn cuộn đường gân, dồn sức kéo chiếc dây thừng vừa to, vừa dài “để dây được chặt, bền hơn”, xởi lởi khi nghe chúng tôi hỏi chuyện: “Bây giờ người ta chuyển sang dùng cước đan thừng như thế này cả các chị ạ, cước nó bền hơn”. “Nhà anh làm thừng bán à?”. “Làm bán, phục vụ cho gia đình đi biển. Tàu thuyền mô cũng cần thừng cả mà”; “Vậy nhà anh có đan lưới không?”; “Vợ  tui đan lưới cho một cơ sở sản xuất lưới lớn trong xã” “Nghề thừng anh làm lâu chưa?”; “Mấy đời rồi, ngày trước ông nội tui đan thừng giỏi lắm…”.

Anh Quyết dẫn chúng tôi về gặp ông nội là Nguyễn Ngọc Tùng đã trên tuổi 80 mà sức vóc vẫn còn tráng kiện. Đã một thời, ông lặn lội khắp các cánh rừng Quỳ Châu, Quế Phong tìm giang- nguyên liệu để bện thừng. “Đường ngày xưa khó đi lắm- ông kể – Tầm 2, 3 giờ sáng, cơm nắm bọc lá chuối ăn trong ngày, gạo, mắm, muối, nồi mang theo để nấu những ngày ở trong rừng. Trăng sáng vằng vặc trên đầu, dăm bảy anh em đi bộ từ xã Diễn Bích ra cầu Bùng chờ xe ô tô, xe hồi đó hiếm lắm. Đi chặt giang, vai ai nấy sưng đỏ, tróc da bởi vác tre, còn bàn tay bị giang bào mỏng rồi trở lên chai sần. Lấy đủ giang rồi lại đợi đón xe xuôi về. Có nhiều khi bụng cồn cào, cổ họng khô khát, đi trong đêm tối, thấy vài cái quán le lói ánh đèn nhưng cũng cách xa cả vài cây số…

Chuyện đi tìm giang đã khó, làm ra thành phẩm sợi thừng lại càng khó hơn. Chẻ tre, bện, xiết, kết… phải tìm một khoảng đất trống mới căng dây thừng được, làm giữa nắng nóng. Nhớ nhất công đoạn chẻ giang, anh em trong đội bện thừng đưa mấy con cá luộc phơi một nắng ra ăn rồi say sưa làm đến 1, 2 giờ chiều mới ăn cơm trưa. Làm thừng vừa phục vụ nghề đi biển vừa bán cho ngư dân trong huyện và các xã Sơn Hải, Tiến Thuỷ, Quỳnh Thuận, Quỳnh Long (Quỳnh Lưu); bán cho cả ngư dân Cửa Lò, Nghi Lộc, thậm chí vươn sang cả Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Nghề thừng vất vả, nhưng cũng đủ sống. Anh em góp nhóp, vay mượn thêm cũng sắm được chiếc thuyền đi biển…”

Ông Tùng kể thêm, giờ người ta chuyển sang dùng cước nhiều, đan cước khoẻ hơn ở chỗ không phải lặn lội rừng sâu tìm giang, còn công đoạn cũng vất vả như nhau. Phải cầm dây chạy hàng trăm mét cho dây giãn ra, sau đó đưa vào chiếc máy se dây, se dây xong ngồi bện từng sợi cước lại với nhau, công việc se dây thừng đòi hỏi phải tỉ mỉ,  phải bện hàng chục sợi nhỏ, những sợi nhỏ lại tiếp tục bện gộp lại với nhau mới hoàn chỉnh được sợi thừng lớn được. Tàu thuyền phát triển, ở đây còn có một nghề nữa là nghề đan lưới. Những cơ sở đan lưới lớn họ thuê cả lao động đan tại nhà.

Chia tay ông Tùng, chúng tôi tìm về nhà bác Nguyễn Sáu nổi tiếng “tay lưới” của xã. Bác Sáu cũng là một trong những “cựu thủ lĩnh” ngược rừng tìm giang làm thừng xưa, giờ nhắc lại bác vẫn “thấy nể mình quá bởi luôn song hành với hiểm nguy, vất vả”. Xưa làm được một sợi thừng qua bao công đoạn: tìm giang, chặt chẻ, tút lạt, phơi lạt, chắp dây, đánh dây, rút dây, xông khói. Bao nhiêu năm, bác Sáu gắn bó với nghề biển thăng trầm của người dân Diễn Bích: Thời bao cấp bác là thuyền trưởng trong hợp tác xã đánh cá, “cầm quân” lên miền Tây tìm giang bện thừng thủ công. Khi hợp tác xã tan rã, người dân chuyển nghề đóng thuyền gắn máy 12 CV lên 24 CV để câu mực, tiếp đến phục hồi nghề kéo giã, rồi quay lại với nghề thừng- nghề lưới khi có sợi tổng hợp. Giờ bác là chủ một cơ sở đan lưới tương đối bề thế, có uy tín nhất nhì vùng này. “Cũng phải nhọc công lặn lội lắm mới có tấm lưới tốt cho bà con”- bác chia sẻ.

Vợ chồng bác Sáu đan lưới.

Quê mình có nghề đan lưới từ thời xa xưa, do trình độ tay nghề chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường nên lưới làm ra chỉ phục vụ cho bà con trên địa bàn đánh bắt gần bờ. Thời điểm ấy, sau mỗi vụ thu hoạch cá xong, nhiều ngư dân phải cất công ra tận Thái Bình, Nam Định để mua lưới mới về thay bởi lưới mình làm không hiệu quả nhiều. Vậy là bác quyết tâm học hỏi, tìm hiểu, quyết định bán 2 chỉ vàng để ra Hải Hậu (Nam Định) và Thái Bình mua mẫu lưới về nghiên cứu. Có mẫu rồi, bác bỏ ra 3 tháng trời ngồi nhà mày mò để “đọc” ra bản vẽ. Hạnh phúc nhất là giây phút đã “đọc” ra bí quyết của họ, để rồi bác cải tiến thêm  từng quãng vanh tròn, gọng, rồi sao cho từng mắt lưới, cái phao, chì… hợp lý, hài hòa, giúp ngư dân đánh được nhiều cá, mà đỡ nhọc công. Những chiếc lưới đầu tiên bác làm ra giúp nhiều con tàu nhỏ “thắng lớn”, tay nghề đan lưới của bác Sáu dần được nhiều người biết đến, đặt hàng.

Bác Sáu tâm sự: “Mặc dù trên thị trường có nhiều chủng loại, nhưng không chất lượng mấy. Có lúc ngư dân mua lưới về chỉ đánh bắt được vài ba chuyến là rách, hỏng làm ảnh hưởng đến năng suất mỗi chuyến ra khơi. Mình phải đào tạo các tay chuyên đan lưới để ngư dân  đỡ vất vả đi xa mua lưới nữa. Lưới của bà con tự làm bao giờ cũng tốt và bền hơn. Sản lượng đánh bắt của các chủ tàu cao và sẽ rất hiệu quả”. Trong nhà, bác “nuôi” 10 lao động thời vụ, 5-7 lao động thường xuyên bện thừng, đan lưới. Bác luôn sâu sát kiểm tra từng mũi đan để đảm bảo lưới mình làm ra đúng quy cách. “Làm nghề gì cũng cần phải có cái tâm, không vì đơn đặt hàng nhiều mà làm cho xong là được. Khâu nhận lao động cũng vậy, phải nhận người biết việc, thạo việc”- bác nói.

Sự phát triển của nghề đan lưới đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của nghề đánh bắt hải sản nghề biển ở Diễn Bích. Gặp các bà, các chị tỉ mỉ với từng mắt lưới, mới biết không chỉ để mưu sinh mà còn có cả tình yêu “nghề”. Để có một treo lưới hoàn chỉnh cần từ 2- 3 người cùng kết hợp làm. Người phụ trách phần đan, người phụ trách phần nối lưới vào với nhau, người thì gắn phao, chì… Thời gian để hoàn thành một treo lưới phụ thuộc vào nhiều yếu tố, thường được tính bằng kg và còn phụ thuộc vào độ sưa, nhặt của lưới. Thông thường một cái lưới nhỏ đan 1 tuần, cái lớn 10 ngày. 

Chị Nguyễn Thị Hồng, tay vừa thoăn thoắt đan lưới, mắt không rời khỏi mũi chỉ tâm sự: “Khi đan lưới phải hết sức chú ý đến từng chi tiết nếu không lưới rất dễ bị lỗi, gỡ ra rất khó. Quá trình gắn phao và chì cần có kỹ thuật khéo tay, khoảng cách phải đều nhau. Trung bình mỗi tháng tôi đan được 2- 3 treo lưới, thu nhập cũng được gần 2 triệu đồng/ tháng, công việc nhiều thu nhập cao hơn”.

Anh Nguyễn Viết Mãn – Bí thư Đảng uỷ xã Diễn Bích tự hào khi nói cùng chúng tôi: Người dân Diễn Bích nổi tiếng siêng năng, chịu khó từ thời đan thừng đến đan lưới, làm rất thành thục, khéo tay. Một số gia đình làm lớn như ông Nguyễn Sáu, ông Hoàng Ngọc… tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động. Vào các tháng cao điểm mùa đánh cá, các cơ sở phải huy động cả trăm tay đan mới đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài huyện. Bởi vậy, đây cũng được xem là hướng thoát nghèo, giải quyết việc làm, cho thu nhập ổn định cho nhiều người dân nông nhàn và giúp hàng trăm ngư dân an tâm bám biển.

Thùy Vinh - Thu Hương

Báo Nghệ An Điện tử

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!