T2, 06/07/2020 10:40

Nghệ An: Vượt qua bão để bám biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Bão này chưa qua, bão khác đã tới khiến cho hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An bị gián đoạn, ảnh hưởng đến thu nhập. Nhưng chính trong bão tố, bằng sức mạnh nội lực của mình, ngư dân đang vươn lên để bám biến, sống bằng biển đã được đền đáp bằng một năm thắng lợi với sản lượng khai thác tăng cao.

Chưa có năm nào mà tần suất các cơn bão đổ vào vùng biển nước ta nhiều như năm nay. Tính từ đầu năm đến nay đã có 14 cơn bão tiến vào vùng biển Đông. Đặc biệt, trong vòng chưa đầy 2 tháng qua, có 6 cơn bão mạnh liên tiếp dồn dập ập đến. Bão vào đồng nghĩa với việc hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân phải gác lại, tàu phải nằm bờ để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Nói về những khó khăn trong vụ đánh cá Nam năm nay, ngư dân Nguyễn Văn Toàn, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An tâm sự: “Nghề đi biển của những ngư dân như chúng tôi xác định là phải làm quen với sóng gió, bão tố. Chỉ cần một chút sơ sẩy hoặc không may mắn thì tàu thuyền, con người có thể bị vùi lấp dưới biển. Mỗi khi có bão, không ai bảo ai, cả thuyền đều cố gắng tìm kiếm một chỗ neo đậu an toàn gần nhất đợi bão tan”. 

Trung bình, một tháng tàu của gia đình anh Toàn đi biển được khoảng 4 chuyến, mỗi chuyến từ 5 – 7 ngày. Thế nhưng, do ảnh hưởng của bão nên trong tháng 9, tàu của anh chỉ đi được 2 chuyến. Sang tháng 10, tàu của anh cũng chỉ đi được 2 chuyến. Những ngày tàu phải nằm bờ tránh bão, anh Toàn hầu như không có việc làm. Vợ anh thì chạy chợ hàng ngày nhưng mưa bão nên cũng phải ở nhà. Gia đình anh có chiếc tàu công suất 240CV thường đánh cá ở vùng biển Vịnh Bắc bộ. Trên tàu anh có 11 lao động chủ yếu ở trong xóm với nhau nên mỗi khi tàu phải nằm bờ, anh và các  bạn tàu tiến hành sửa chữa, gia cố lại thiết bị. 

Ngư dân xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) chuẩn bị đá lạnh để tiếp tục ra khơi.  

Ngư dân xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) chuẩn bị đá lạnh để tiếp tục ra khơi.

Còn ngư dân Hồ Bá Chung, phường Quỳnh Phương, Thị xã Hoàng Mai cho biết: “Bám biển hơn 20 năm nay, chưa năm nào chúng tôi phải đối mặt với nhiều cơn bão như thế này, khiến tàu tôi phải liên tục nằm bờ để tránh trú bão. Trước tình hình thời tiết diễn biến thất thường, khiến mỗi chuyến ra khơi chúng tôi luôn thấp thỏm lo âu”. Ông Chung kể, khi bão số 10 tan, tàu của ông vươn khơi đánh bắt chưa được bao nhiêu thì đành phải chấp nhận lỗ cả trăm triệu đồng để quay vào bờ tránh trú bão số 11. Theo anh Chung, để bù vào những chuyến biển không thuận do thiên tai, ngư dân trông chờ vào phiên biển cuối mùa để có cái Tết sum vầy. 

Thế nhưng, trong những tháng mưa bão, sản lượng khai thác tuy giảm hơn so với những tháng biển lặng nhưng tính cả năm, hiệu quả kinh tế vẫn tương đối khá cao. Trong đó, nghề lưới chụp 4 sào cho năng suất vượt trội so với các nghề  như lưới vây, lưới rê, lưới kéo. Xã Quỳnh Lập (Thị xã Hoàng Mai) là địa phương có nghề lưới chụp 4 sào với những đội tàu công suất lớn trên 300CV. Toàn xã có 250 phương tiện khai thác thủy sản, trong đó có 126 tàu công suất lớn hơn 90CV khai thác thủy sản xa bờ với nghề chính là nghề chụp 4 sào. Trong hơn 2 tháng qua, tình hình trên biển có nhiều biến động phức tạp nhưng sản lượng khai thác của nhiều phương tiện vẫn đạt mức khá cao.

 

Do sản lượng khai thác tăng nên giá trị kinh tế tăng, thu nhập của nhiều chủ tàu và lao động không ngừng được nâng lên. Điển hình như tàu của ông Lê Hữu Thành, xóm Rồng, xã Quỳnh Lập, mỗi chuyến đi biển cho thu nhập hơn 300 triệu đồng. Vì thế, thu nhập của chủ tàu là 150 triệu đồng, mỗi lao động đạt trung bình 12 triệu đồng/tháng. Ông Thành cho biết: Trung bình, mỗi tháng tàu của tôi đi biển khoảng 3 chuyến nhưng do mưa bão nên có tháng, tàu chỉ ra khơi được 1 chuyến là phải nằm bờ. Có đợt, trên biển tuy không có bão nhưng đang đến mùa trăng nên nếu có ra khơi cũng không có cá nên đành ở nhà. Sau mỗi đợt bão thì nước biển dâng cao lúc đó cá, tôm cũng di chuyển vào gần bờ nên ra khơi vào thời điểm này dễ trúng đậm. Như chuyến vừa rồi, tàu tôi đi 7 ngày đánh được hơn 35 tấn cá các loại nên vớt vát được phần nào những ngày tàu nằm bờ tránh bão.

So với cùng kỳ năm 2012, sản lượng khai thác 11 tháng đầu năm tăng cao đột biến. Nếu như đến thời điểm này năm ngoái, tổng sản lượng khai thác thủy sản của cả tỉnh đạt gần 70.000 tấn thì đến nay, sản lượng toàn tỉnh đã đạt hơn 110.000 tấn, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Điển hình như huyện Quỳnh Lưu, năm 2012, sản lượng khai thác thủy hải sản toàn huyện chỉ đạt 29.000 tấn nhưng 11 tháng đầu năm, sản lượng đã đạt hơn 40.000 tấn và ước đạt cả năm là 42.000 tấn. Ông Nguyễn Xuân Dinh – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Dù từ đầu năm đến nay, thời tiết mưa bão nhiều khiến cho hoạt động khai thác thủy sản của người dân bị ảnh hưởng nhưng sản lượng khai thác vẫn tăng cao.

Chưa năm nào mà vụ cá Nam lại được mùa như năm nay nên phần nào đã an ủi và giảm bớt những thiệt hại, khó khăn cho ngư dân khi phải nằm bờ dài ngày do bão. Ngoài nguyên nhân khách quan như khai thác ngư trường mới, gặp luồng cá thì chính sự nội lực trong việc đầu tư thuyền to, máy lớn và vươn ra khơi xa của chính ngư dân là điều kiện quan trọng để nâng cao hiệu quả cho nghề khai thác thủy sản. Trên địa bàn huyện, mỗi năm có hàng chục tàu có công suất lớn được đóng mới, nhiều tàu cải hoán để chuyển ra khai thác ở vùng khơi nên năng suất khai thác ngày càng được nâng lên. 

Điều khiến người dân lo lắng là giá cả chi phí khai thác như xăng dầu, đá lạnh, công lao động ngày một tăng nhưng giá sản phẩm tăng không đáng kể nên lợi nhuận thu về chưa được cải thiện nhiều. Hiện nay, đầu ra cho sản phẩm chủ yếu là phục vụ nội địa cho các ngành chế biến hải sản như nước mắm, hấp sấy nên giá trị không cao. Chỉ một số ít sản phẩm có giá trị thì được thương lái thu mua để xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Khi ngư dân được mùa, nguồn cung dồi dào thì thương lái ép giá, nhưng khi phải nằm bờ thì không có cá để bán.

Để giúp đỡ ngư dân nâng cao thu nhập yên tâm vươn khơi bám biển, nhất là trong những tháng biển động thì Nhà nước cần tiếp tục có những chính sách đầu tư, hỗ trợ sâu rộng hơn nữa về bến cảng, chi phí đóng mới, xăng dầu cũng như hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch để nâng cao hiệu quả kinh tế của sản phẩm. Đầu tư cho ngư dân cũng chính là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước, góp phần giữ vững an ninh chủ quyền trên vùng biển đảo của Tổ quốc.

Bài, ảnh: Phạm Bằng

Báo Nghệ An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!