Nghi Yên, Nghi Lộc, Nghệ An: Khi Đề án 52 thực sự đi vào lòng dân

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Từ khi triển khai thực hiện đồng bộ Đề án 52 về kiểm soát sự gia tăng dân số ở khu vực vùng biển và ven biển, tỷ lệ gia tăng dân số, nhất là sinh con thứ 3 trở lên ở đây đã có nhiều thay đổi, nhờ đó chất lượng dân số được nâng lên, người dân có thêm điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, nâng cao mọi mặt đời sống.

Khi công tác truyền thông được chú trọng

Là một vùng quê ven biển, lại có đông đồng bào Công giáo, trước đây, ở xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên khá cao đã làm cho các cơ quan chức năng từ tỉnh đến xã đau đầu, trăn trở. Cũng giống như các vùng quê ven biển khác, trước đây tâm lý “trọng nam khinh nữ” vẫn còn rất phổ biến trong suy nghĩ và tâm thức của nhiều người dân nơi đây. Điều này đã làm cho tỷ lệ dân số tăng nhanh qua hàng năm.

Sớm xác định đúng “căn nguyên” của mọi căn nguyên, ngay sau khi triển khai thực hiện Đề án 52, Trung tâm DS – KHHGĐ huyện Nghi Lộc đã phối kết hợp với cấp uỷ, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể địa phương chú trọng công tác tuyên truyền, vận động làm cho mỗi người dân ở đây thấy được tác hại và hậu quả của việc tăng nhanh dân số. Đồng thời, ngay sau khi được Trung tâm DS – KHHGĐ huyện Nghi Lộc tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Đề án, Ban DS – KHHGĐ xã Nghi Yên đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ để tuyên truyền cho các hội viên hiểu rõ tầm quan trọng của Đề án 52.

Bộ đội Biên phòng khám bệnh cho nhân dân bị lũ lụt ở xã Nghi Yên, Nghi Lộc, Nghệ An       Ảnh: Truyền hình Nghệ An

Nhờ nắm rõ những nội dung, quy trình thực hiện Đề án, Hội LHPN xã đã kịp thời phối hợp với đội ngũ cộng tác viên dân số các thôn, làng, khu dân cư – cũng là các hội viên Hội LHPN kiêm nhiệm tổ chức nhiều đợt truyền thông. Ngoài công tác tuyên truyền bằng hệ thống pa – nô, áp phích, hệ thống tờ rơi và vận động, thuyết phục tại gia đình, Hội còn phối hợp với trưởng các thôn, bí thư các chi bộ, đoàn thể để đẩy mạnh việc tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh để làm cho chị em hiểu rõ hơn vai trò, tác dụng của Đề án 52.

 Đối với các vùng có đồng bào Công giáo, các cán bộ phụ nữ, cán bộ dân số đã kịp thời phối hợp với đại diện Ban hành giáo, các hộ gia đình giáo dân có uy tín tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, vận động chấp hành các chủ trương, chính sách về KHHGĐ, nhờ đó, cơ bản đồng bào giáo dân ở đây đã có nhiều thay đổi về nhận thức và hành động cụ thể.

 

Những kết quả khả quan

Song song với việc tuyên truyền, vận động, cán bộ y tế, cán bộ dân số, cán bộ Hội LHPN đã biết cách kết hợp lồng ghép việc cung cấp, hướng dẫn cho chị em phụ nữ những kiến thức về chăm sóc sức khoẻ sinh sản, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, kiến thức xây dựng gia đình cũng như thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khoẻ cho chị em, nhất là chị em trong độ tuổi sinh đẻ, nên công tác tuyên truyền, vận động ngày càng thu được nhiều kết quả.

Đánh giá về những kết quả đã đạt được sau một thời gian thực hiện Đề án ở xóm mình phụ trách, chị Đặng Thị Hoàng, cộng tác viên dân số xóm 4, cho biết: Là một xóm Công giáo toàn tòng, có hơn 140 hộ dân, 600 khẩu, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 15 – 49 có 200 người, nên trước đây, xóm 4 là một “điển hình” về việc sinh nhiều con. Do quan niệm lạc hậu “Giàu con hơn giàu của”, hầu hết các gia đình đều có 7 – 8 con, thậm chí 9 – 10 con và hơn thế. Trước thực tế đó, Ban DS – KHHGĐ xã, Hội Phụ nữ, các cộng tác viên dân số đã  vận động  gần 700 lượt trường hợp chị em khám và điều trị phụ khoa, 110 ca siêu âm, 35 ca đặt vòng tránh thai, nhờ đó đến nay, việc sinh nhiều con ở đây đã giảm rõ rệt.

Với sự quan tâm chỉ đạo của các ban ngành từ huyện đến xã và các thôn, xóm cũng như sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số, tin chắc rằng, Đề án 52 được triển khai trên địa bàn xã Nghi Yên sẽ tiếp tục mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần đưa cuộc sống người dân vùng biển nơi đây ngày càng ấm no, hạnh phúc và phát triển. 

 

Theo đánh giá bước đầu của cán bộ Ban DS – KHHGĐ xã Nghi Yên, thì hiệu quả rõ nét nhất của việc thực hiện Đề án 52 ở địa phương này, là tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm đáng kể. Cụ thể, nếu như từ quý I năm 2009, toàn xã có tỷ lệ sinh con thứ 3 gần 28%, thì trong năm 2010 đã giảm xuống còn 16,2%. Và trong thời gian tới, việc sinh con thứ 3 trở lên ở đây sẽ tiếp tục giảm.

Trịnh Văn Phác

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!