T2, 06/07/2020 11:15

Nghĩa địa “ngư long” dưới sông băng

Chưa có đánh giá về bài viết

Một nhóm các nhà cổ sinh vật học thuộc trường Đại học Heidelberg (Đức) do Tiến sĩ Patricio Zambrano Lobos chỉ đạo đã phát hiện hóa thạch của 46 con thằn lằn cá, trong các giai đoạn từ phôi thai tới trưởng thành, ở Nam Chilê.

Phát hiện quan trọng

Những hóa thạch này được các nhà cổ sinh vật học tìm thấy trong đá trầm tích ở khu vực gần sông băng Tyndall, một trong những sông băng lớn nhất thuộc Công viên Quốc gia Torres del Paine, vùng Patagonia, Chi Lê. Chúng được phát hiện sau khi sông băng tan chảy làm lộ các dấu vết trên mặt đá. Đây là những bộ xương gần như hoàn chỉnh của thằn lằn cá (theo tiếng Hy Lạp) – một loài bò sát biển có khả năng bơi rất nhanh, sống trong kỷ Đại Trung Sinh (khoảng 90 – 245 triệu năm trước). 46 mẫu vật thuộc 4 loài “ngư long” khác nhau thể hiện các giai đoạn sinh trưởng của thằn lằn cá, từ phôi thai tới các con đã trưởng thành. Chúng được cho là đã tuyệt chủng dưới tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu. Phát hiện này sẽ cung cấp các thông tin nghiên cứu quan trọng về đời sống của các loài sinh vật tiền sử ở Nam Mỹ, đồng thời khiến khu vực lân cận sông băng Tyndall trở thành một trong những phá biển quan trọng nhất trên thế giới có hóa thạch của loài bò sát sống ở biển.

Ông Wolgang Stinnesbeck, thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết loài sinh vật  này có hình dạng cơ thể giống cá đuối điện (Torpendiniformes), với đôi chân chèo thẳng đứng, mõm dài, nhiều răng.

Từ trước tới nay có rất ít nghiên cứu phát hiện được loài bò sát cổ xưa ở Nam Mỹ. Hầu hết các phát hiện chỉ là những dấu tích còn sót lại của khung xương sườn và xương sống. Bộ xương lớn nhất của loài “ngư long” này có chiều dài hơn 5 m, một số mô mềm vẫn còn nguyên vẹn. Ngoài ra, các nhà cổ sinh vật học còn tìm thấy phôi hóa thạch bên trong một mẫu vật giống cái và xếp nó vào họ Ophthalmosauridae (họ thằn lằn cá đã tuyệt chủng, xuất hiện trong giai đoạn từ kỷ Jura đến cuối kỷ Phấn Trắng).

 

Sự sống mong manh

Theo các nhà nghiên cứu, sự sống của loài thằn lằn cá khá mong manh. Chúng thường sống trong hẻm núi dưới nước, rất gần với bờ biển, dễ dàng trở thành mồi ngon cho các loài săn mồi. Hơn nữa, những trận lũ bùn cũng đủ “hủy diệt” số lượng lớn cá thằn lằn.

Từ 46 hóa thạch tìm thấy tại khu vực sông băng Tyndall, các nhà cổ sinh vật học cho rằng nhóm thằn lằn cá này sống và kiếm ăn dọc bờ biển phía đông bắc sau đó tách đàn tại Patagonia (phần cực nam của Nam Mỹ) tới lục địa Antarctic. Cá thằn lằn lớn và con trưởng thành kiếm ăn theo nhóm dưới biển sâu sát hẻm núi, nơi có nhiều bạch tuộc và các loài cá bé – thức ăn lý tưởng của “ngư long”. Khi lục địa bị nứt gãy theo thời gian, động đất và tuyết lở từ các dốc đứng đã tạo nên các trận lũ bùn kinh hoàng phá hủy mọi thứ nơi chúng đi qua, trong đó có loài cá thằn lằn. Chúng đã bị mất phương hướng trong không gian mờ đục, mịt mùng của trận lũ bùn. Chúng bị chìm sâu hàng trăm mét dưới đại dương. Các lớp trầm tích đã trở thành mồ chôn của những con vật xấu số.

Cũng theo ông Stinnesbeck, loài “ngư long” này đã bơi trên biển cùng thời điểm khủng long tung hoành trên trái đất và thằn lằn bay ngự trị trên bầu trời.

Khánh Vy

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!