T2, 06/07/2020 11:04

Nghĩa địa tàu biển ở Chittagong

Chưa có đánh giá về bài viết

Gần thành phố cảng Chittagong, Bangladesh là một trong những nghĩa địa tàu biển lớn nhất thế giới. Trải dài 18 km dọc theo bờ biển vịnh Bengal, hơn 200.000 người Bangladesh phải lao động quần quật để tháo rời hàng trăm xác tàu mỗi năm.

Nguồn lợi khổng lồ

Làm việc trong môi trường hóa chất độc hại, các công nhân phải “xé toạc” xác tàu và phân ra từng mảnh nhỏ từ chiếc bu lông đến đinh tán bằng tay trần và một chiếc đèn hàn hỗ trợ. Mỗi  mảnh nhỏ từ con tàu đều được tái chế, mua đi bán lại. Chẳng có gì bỏ phí. Trên bờ biển là các đoàn xe tải nằm chờ công đoạn “mổ xẻ” kết thúc để có hàng cho các lò luyện kim. Một nửa sắt thép tại thị trường Bangladesh đến từ các lò luyện kim này.

Những công nhân tham gia công việc này thuộc nhóm dân cư nghèo nhất Bangladesh.

Ngành công nghiệp phá xác tàu ở Bangladesh bắt đầu xuất hiện sau năm 1960, khi một tàu chở hàng của Ai Cập bị bão nhấn chìm và trôi dạt vào bờ biển Sitakunda ở Chittagong. Không có cách nào để trục vớt con tàu này, và nó vẫn nằm im một chỗ qua nhiều năm. Nhận thấy nguồn lợi bị bỏ phí, năm 1965, một công ty thép ở Chittagong đã mua lại xác tàu. Công ty này đã sử dụng nguồn lao động rẻ mạt nhưng dẻo dai tại địa phương để phá. Công việc này kéo dài vài năm và mở ra ngành công nghiệp mới ở Banhladesh.

Ngành công nghiệp phá xác tàu lớn mạnh dần suốt những năm 1980. Giữa năm 1990, Bangladesh trở thành quốc gia lớn thứ 2 trên thế giới trong lĩnh vực tái chế xác tàu biển. Năm 2008, có hơn 26 con tàu bị đắm trong vùng này, năm 2009 là 40 tàu. Từ năm 2004 tới 2008, khu vực này trở thành “nghĩa địa tàu biển” lớn nhất thế giới.

Môi trường làm việc nghèo nàn, không có thiết bị bảo hộ lao động

Quá trình phá sẽ bắt đầu sau khi các xưởng ở đây giành được xác tàu từ các tay môi giới quốc tế. Ngay sau đó, con tàu được đội quân lao động ở địa phương đưa tới các bãi mổ xẻ. Trong tuần đầu tiên, các hóa chất độc hại từ con tàu sẽ được bơm ra ngoài. Dầu diesel, dầu động cơ, hóa chất chữa cháy, dây điện, thép, phao cứu sinh, toilets, đinh, ốc, vít… tất cả mọi thứ từ con tàu đều được mua bán lại trên thị trường Bangladesh, và một phần của chúng được tái chế thành vật liệu xây dựng, thép tấm và đồ nội thất.

 

Nguy hiểm rình rập

Những công nhân tham gia công việc này thuộc nhóm dân cư nghèo nhất Bangladesh. Họ dùng đèn acetylene để phân nhỏ con tàu ra làm nhiều mảnh. Phá xác tàu mang lại giá trị hàng triệu USD cho các ông chủ ở Chittagong chỉ trong thời gian ngắn, trung bình từ 3 tới 4 tháng. Chi phí lao động rẻ mạt, dụng cụ làm việc thô sơ, nghèo nàn là một trong những nhân tố chính góp phần mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ này. Mỗi công nhân kiếm được khoảng 4 USD/ngày. Nhưng đổi lại, họ phải hít các khí thải độc hại và có thể bị thương vong trong các vụ nổ khí ga còn sót. Rất nhiều công nhân bị ngộ độc, bị thương, và thậm chí có người còn bị mù mắt trong các vụ tai nạn.

Lợi dụng sức lao động trẻ em

Chưa có thống kê chính thức, nhưng các tổ chức giám sát dân sự ở Chittagong cho biết, trong 10 năm qua, có đến hàng trăm người đã chết hoặc bị nhiễm độc khi phá tàu. Dù các giới chức Bangladesh cấm phóng viên tiếp cận ghi hình bên trong xưởng phá tàu, nhưng các phóng viên của BBC vẫn thuê thuyền để tiếp cận từ phía biển, và hình ảnh lạm dụng sức lao động trẻ em trong ngành nguy hiểm này đã bị lộ diện. Tuy vậy, người dân ở đây vẫn lao vào làm, bởi biết rằng một người bỏ việc thì sẽ có 10 người xếp hàng chờ sẵn. Hầu hết công nhân trong ngành này là lớp người cực nghèo.

>> Liên minh châu Âu đã ra quy định các tàu hết hạn sử dụng trước khi đưa ra bãi phá tàu cần phải được tháo hết tồn dư độc hại. Nhưng các vụ cháy nổ, ngộ độc, tai nạn do thép rơi trúng vẫn còn rất  nhiều ở Chittagong.

M.T

CBSNews

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!