(TSVN) – Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, nỗ lực gỡ “thẻ vàng” ba năm qua đã đạt được là một bước tiến dài, tuy nhiên kết quả cụ thể này tại nhiều địa phương vẫn còn “mong manh”.
Trong năm 2020, nước ta có 2 cuộc họp trực tuyến với EC, vào ngày 30/6 và ngày 22/10 để cập nhật kết quả, giải trình hoạt động chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC.
Một số kết quả cụ thể: Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá đạt trên 82%, đánh dấu tàu cá trên 90%; cơ sở dữ liệu giám sát được kết nối, chia sẻ từ Trung ương đến địa phương; tăng cường xử phạt hành vi khai thác IUU. Việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, sản lượng hải sản bốc dỡ tại cảng có nhiều tiến bộ. Cơ sở dữ liệu tàu cá (đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác) từng bước kết nối toàn quốc.
Nhiều địa phương đồng loạt triển khai khắc phục 4 khuyến nghị của EC. Đó là, khắc phục tình trạng đội tàu khai thác trên biển chưa phù hợp với các tiêu chuẩn, bảo đảm điều kiện tham gia khai thác trên biển, như sự không phù hợp giữa kích cỡ tàu với nguồn lợi thực tế trên biển khai thác; hệ thống kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác trên biển đối với các tàu cá còn thiếu và chưa hiệu quả; thiếu hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy, hải sản khai thác trên biển, dẫn tới đa số hải sản do ngư dân khai thác được là không rõ nguồn gốc; còn xảy ra tình trạng ngư dân Việt Nam khai thác và đánh bắt hải sản trên các vùng biển của quốc gia khác.
Ngày 31/10/2020, tại TP Hồ Chí Minh, VASEP tổ chức hội nghị đánh giá ba năm triển khai chương trình doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU. Thông tin cho thấy, doanh nghiệp hải sản tham gia đầy trách nhiệm, nổi bật là các doanh nghiệp kinh doanh cá ngừ.
Đánh giá của Bộ NN&PTNT, kết quả cụ thể về chống khai thác IUU tại nhiều địa phương vẫn còn “mong manh”. Chẳng hạn, chưa hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS, đánh dấu tàu cá, tình trạng tàu cá mất kết nối VMS khi đi đánh bắt hải sản diễn ra khá phổ biến. Đặc biệt, nhiều tàu cá vẫn tiếp tục vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Từ đầu năm 2020 đến nay, đã có 69 vụ với 13 tàu bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.
Trong lúc yêu cầu của EC về gỡ “thẻ vàng” đặt ra rất nghiêm khắc. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Còn một tàu vi phạm cũng khó gỡ được “thẻ vàng”, vì vậy, cần phải quản lý đội tàu chặt chẽ hơn nữa.
Đại diện Công ty TNHH Hải Nam, một đơn vị lớn trong chế biến xuất khẩu thủy, hải sản vào thị trường EU, thẳng thắn: “Đến nay, chúng ta vẫn ghi nhận một số tàu cá Việt Nam đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài như Thái Lan, Indonesia và bị chính quyền các nước đó bắt giữ. Theo quy định, tàu từ 15 m trở lên phải gắn thiết bị định vị hành trình nhưng có những tàu vẫn dối trá gỡ thiết bị neo vào một nơi nào đó để đi đánh bắt, tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Có tàu lại không lắp đặt thiết bị, dù số lượng này không còn nhiều nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc gỡ “thẻ vàng”, khiến xuất khẩu hải sản của chúng ta vào EU bị ảnh hưởng nhiều”.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Ủy ban Hải sản của VASEP, cho rằng: “Có khoản phạt lên đến 2 tỷ đồng. Tuy vậy, về pháp lý, tôi thấy vẫn chưa đủ sức để răn đe, khiến các doanh nghiệp, người làm ăn nghiêm túc và ngành thủy sản thiệt hại”. ThS Lê Khắc Đại ở Trường Đại học Luật (Đại học Huế) đề nghị cần có chế tài mạnh hơn với hành vi đánh bắt hải sản trái phép, thậm chí là áp dụng các biện pháp hình sự để bảo đảm chấm dứt tình trạng này.
Việc xử phạt như hiện nay, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp thống nhất cho rằng, chưa đủ sức chống khai thác IUU. Thậm chí, một số chủ tàu chưa “ngán” “thẻ vàng”. Cho nên cần nghiêm khắc hơn để hoạt động khai thác hải sản coi trọng lợi ích của đất nước, loại bỏ hoàn toàn tình trạng khai thác IUU.
Ngọc Duyên