T2, 06/07/2020 10:40

Ngư dân cần liên kết để chống ép giá

Chưa có đánh giá về bài viết

Sản phẩm khai thác cá bị tư thương ép giá, khiến ngư dân ở Cà Mau gặp khó khăn.

Lâu nay, khai thác biển gặp khó khăn, hiệu quả không cao, ngư dân cho rằng nguyên nhân do thiếu vốn, xăng dầu tăng cao, nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt, phương tiện không đủ khả năng ra khơi. Tuy nhiên, vấn đề sản phẩm khai thác bị tư thương ép giá, khiến ngư dân gặp khó khăn vẫn chưa được bà con đề cập.

Mấy năm qua, bà con ngư dân làm nghề khai thác thủy sản ở huyện ven biển Phú Tân, tỉnh Cà Mau gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do giá sản phẩm biển hết sức bấp bênh. Trong đó, một phần do chất lượng sản phẩm khai thác không cao, phần lớn lại phụ thuộc vào quyết định của các chủ vựa thu mua.

 

Mấy năm qua, bà con ngư dân làm nghề khai thác thủy sản ở huyện ven biển Phú Tân, tỉnh Cà Mau gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Huỳnh Văn Thắng, ở thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân nói: “Tôm cá mới đem về đã bị thương lái ép giá nên làm ăn không có lãi. Nhà nước cần có giải pháp cụ thể để giúp dân vùng biển phát triển”.

Trên thực tế, tư thương là người chi phối, còn ngư dân chịu thiệt thòi, mặc dù họ là người trực tiếp sản xuất. Bởi có một bộ phận ngư dân do thiếu vốn, nên hợp đồng ứng trước vốn của các chủ vựa để có điều kiện ra khơi. Do đó, buộc họ phải bán sản phẩm khai thác lại cho các chủ vựa. Đây là điều kiện để các chủ vựa tự do quyết định giá. Ngư dân khó khăn nhưng không thể bán được cho chủ khác. Vì thế, họ luôn nằm trong vòng lẫn quẫn ứng trước, trả sau một cách gối đầu.

Có những ngư dân không nợ các chủ vựa nhưng cũng gặp khó khăn về đầu ra. Sản phẩm sau khai thác được nếu không bán cho chủ vựa cũng không biết bán cho ai. Bởi bà con phần nhiều thiếu phương tiện vận chuyển đi nơi khác. Nếu vận chuyển thì phải tốn thêm một phần chi phí.

Để giải quyết sự lệ thuộc này, nhiều bà con cho rằng nếu được Nhà nước hỗ trợ vay vốn vài chục triệu đồng để ngư dân vừa có đủ vốn trả nợ các chủ vựa, vừa có vốn lưu động để ra khơi, ít nhất là một chuyến biển mới có quyền quyết định bán sản phẩm của mình cho ai mua giá cao hơn. Tuy nhiên, nếu chuyến biển gặp thất bát, bà con cũng hết vốn và lại ứng của các chủ vựa, đâu lại vào đấy.

Nếu chuyến biển thu được sản phẩm khá chưa chắc ngư dân đã bán được giá cao một khi phần lớn các chủ vựa đều có sự liên kết với nhau. Ông Phan Văn Phúc, ở thị trấn Cái Đôi Vàm, mong muốn: “Chúng tôi yêu cầu thương lái làm sao cho hợp lý chứ hỗ trợ cũng không có tác dụng gì. Nếu cứ để thương lái tham gia như vậy thì chúng tôi không buôn bán được…”.

Rõ ràng chưa có một hành lang pháp lý nào để đảm bảo vấn đề giá cả hay bao tiêu sản phẩm cho ngư dân sau từng chuyến biển. Chính vì thế, không ai khác mà chính bà con phải tự cứu lấy mình thông qua hình thức liên kết sản xuất trên biển. Đã qua việc hợp tác này đã phát huy hiệu quả tích cực, nhưng chưa được nhân rộng. Đó là năm, bảy phương tiện cùng cử một phương tiện luân phiên ra vào vận chuyển sản phẩm và tiếp nguyên, nhiên liệu cho các phương tiện khác để giảm chi phí ra vào.

Đã đến lúc, ngư dân không thể sản xuất đơn lẽ, phải liên kết lại với hình thức tổ hợp tác hoặc các hợp tác xã. Bởi một khi có tổ chức, sẽ có sự quản lý và kiểm soát lẫn nhau một cách chặt chẽ hơn trong nghề khai thác thủy sản truyền thống này.

Việt Đoàn

VOV Online

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!