Mùa gió chướng có ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, đời sống và sản xuất của bà con ngư dân miền biển Tây Nam bộ. Đối với nghề đánh bắt thủy sản, đây là mùa khiến bà con lao đao nhất trong năm.
Ngư dân thường thất thu trong mùa gió chướng. Ảnh: T.T
Do địa phương có thế mạnh về khai thác, đánh bắt thủy hải sản nên huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu có rất nhiều hộ chịu ảnh hưởng không nhỏ đối với đợt gió chướng này. Ông Nguyễn Văn Trong, ngư dân (ấp 1, thị trấn Gành Hào) cho biết: “Gia đình tôi có 1 cặp ghe cào đôi. Mỗi chuyến đi biển khoảng 20 ngày, chi phí bình quân từ 70 – 80 triệu đồng. Sau mỗi chuyến đi biển, tôi phải thu về từ 150 triệu đồng trở lên mới có lãi (vì còn phải tu bổ lại ghe tàu sau khi đánh bắt). Thế nhưng, đa phần những chuyến ra khơi đều lỗ vốn do những yếu tố bất lợi của thời tiết. Có những chuyến tôi lỗ hơn 50 triệu đồng”. Mặc dù vậy, nhưng cặp ghe cào đôi của ông Trong vẫn phải hoạt động, vì không hoạt động thì không biết lấy gì để ăn!
Nhiều ngư dân khi thấy biển lặng thì họ bắt đầu tập trung cho chuyến đi biển mới. Song, khi đã chuẩn bị các nguyên vật liệu đầu vào thì gặp phải biển động, hoặc có mưa gió lớn, nên họ đành phải bỏ, không đi biển để tránh lỗ nặng. Điều khó khăn nhất là vấn đề ngư phủ. Nếu đã hợp đồng với ngư phủ và đặt tiền cọc rồi, nhưng ghe cứ nằm bờ không đi thì ngư phủ cũng bỏ mà đi cho ghe khác. Muốn kiếm ngư phủ khác thì cũng gặp nhiều khó khăn và tốn kém.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Đông Hải, hoạt động khai thác hiệu quả trên biển đối với ngư dân Đông Hải chủ yếu tập trung ở 3 mô hình: dịch vụ hậu cần nghề biển, nghề đánh bắt bằng lưới rê xù và câu cá ngừ. Thế nhưng, với thời tiết năm 2013, chỉ có dịch vụ hậu cần nghề biển là phát huy được hiệu quả, các mô hình còn lại vẫn có lãi nhưng rất thấp.
Ông Liên Văn Lợi, chủ cơ sở thu mua thủy hải sản Đức Tín (Cảng cá Gành Hào) là người đầu tiên kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề biển. Theo ông Lợi, những năm trước, cơ sở ông Lợi thu mua sản phẩm chủ yếu là của ngư dân khai thác vùng biển trong tỉnh và các khu vực phụ cận. Nhưng năm 2013, phải đi thu mua rất xa, thậm chí đến cả khu vực miền Trung và các ngư trường giáp biên giới biển. Điều này cho thấy nguồn lợi thủy sản giảm, sản lượng đánh bắt thấp và giá trị kinh tế không cao.
Thiết nghĩ, từ những vấn đề trên, ngành chức năng cần tổ chức những lớp tập huấn để ngư dân chuyển đổi ngành nghề, khai thác theo hướng hiệu quả, thiết thực nhằm hạn chế rủi ro, bất cập trong quá trình khai thác thủy sản trên biển như hiện nay.