“Ngư dân phải trang bị cho mình kiến thức về chủ quyền”

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Tại Hội thảo “Khai thác tiềm năng biển đảo vì sự phát triển bền vững” do UBND tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Viện Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức, các đại biểu đều khẳng định “phát triển kinh tế biển phải gắn với an ninh quốc phòng”. Đại tá Bùi Hữu Thái, Trưởng phòng Biển Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng nói về cách ứng xử của ngư dân trên Biển Đông.

Thưa Đại tá, vấn đề mà đồng chí tham gia đề cập trong Hội thảo lần này?

Qua Hội thảo tôi tham gia một số vấn đề, trong đó góp ý làm rõ hơn chế độ pháp lý về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Quốc gia trên biển, phong tục tập quán và truyền thống bảo vệ chủ quyền của các thế hệ cha ông, từ đó tiếp tục khẳng định quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là một phần máu thịt không thể tách rời của Việt Nam.

 

Thưa Đại tá, khi đi hành nghề trên Biển Đông, ngư dân phải có cách ứng xử như thế nào?

Ngư dân miền Trung nói chung và Quảng Ngãi nói riêng khi đi hành nghề trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam thì phải “luôn trong tâm thế bình tĩnh”. Khi bị nước ngoài kiểm tra, kiểm soát trên vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam, nếu bất đồng về ngôn ngữ thì bằng cử chỉ, ngư dân phải thể hiện rằng: “Chúng tôi đang đánh bắt ở vùng biển Việt Nam”. Đồng thời, qua phương tiện thông tin, ngư dân phải tìm cách báo cáo ngay cho Bộ đội Biên phòng và các lực lượng chức năng trong đất liền để có biện pháp đấu tranh, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho ngư dân.

 

Theo quy định, ngư dân cần xử trí như thế nào trong trường hợp gặp tình huống thiên tai trên biển, thưa Đại tá?

Khi thông báo tình huống thiên tai trên biển, ngư dân cần chạy vào các đảo hoặc khu vực gần nhất, kể cả vùng biển nước ngoài để tránh bão. Ngư dân chú ý phải treo cờ tín hiệu chữ U hoặc chữ T (đối với ban ngày), ban đêm thì sử dụng đèn tín hiệu cấp cứu. Tôi đã nhiều lần đề cập vấn đề này trong các hội thảo và đã cấp “sổ tay Hiệp định phân định Vịnh Bắc bộ, Hiệp định đánh cá Việt Nam – Trung Quốc” có in hình lá cờ này cho các địa phương. Tuy nhiên hiện nay, phần lớn các ngư dân vẫn chưa trang bị cờ. 

Ngư dân Quảng Ngãi ra khơi theo tổ, đội nhằm giúp đỡ nhau trên biển

 

Thưa Đại tá, nếu liên kết thành một bó đũa thì khó bẻ gãy. Phải chăng ngư dân hoạt động còn thiếu liên kết?

Trước tiên, khi ra biển, ngư dân phải trang bị cho mình kiến thức cơ bản về chủ quyền, ranh giới phân định vùng biển Việt Nam với các nước. Ngư dân không xâm phạm chủ quyền nước bạn để khai thác hải sản.

Trong cộng đồng, ngư dân phải củng cố các tổ liên kết, các tổ tàu thuyền tự quản, an toàn để hỗ trợ, giúp đỡ nhau trên biển. Từ đó, Nhà nước – ngư dân đồng hành, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành thủy sản và giữ vững chủ quyền biển đảo. 

 

Phát triển kinh tế và giữ vững an ninh quốc phòng có mối quan hệ biện chứng. Ông trăn trở như thế nào về điều này?

Trong quá trình phát triển, ta không để mất cân đối giữa kinh tế và quốc phòng, an ninh. Khó khăn hiện nay của ngư dân, đó là họ không tự quyết định được giá thành sản phẩm do chính mình khai thác và hay bị ép giá. Trong đợt phối hợp với Tổng cục Thủy sản đi khảo sát tình hình sau đợt giá xăng dầu tăng, kết quả cho thấy: Giá hải sản không tăng nhiều, tuy nhiên, ngư dân vẫn nhiệt tình bám biển sản xuất. 

Chính vì vậy, để đảm bảo sự phát triển bền vững, ngoài chính sách hỗ trợ, Nhà nước cần phải tổ chức các đội dịch vụ sản xuất, có cơ chế giúp ngư dân nâng cao giá thành sản phẩm đánh bắt. Kinh tế phát triển, ngư dân yên tâm bám biển sản xuất và cùng Nhà nước bảo vệ chủ quyền biển đảo.

 

Thưa Đại tá, Phòng Biển đã sát cánh với ngư dân Quảng Ngãi như thế nào trong những năm qua?

Trong các vụ việc vừa qua, chúng tôi đã tham mưu cho Bộ Tư lệnh có công văn gửi Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao, Tổng cục Thủy sản. Trên cơ sở đó để tiến hành đấu tranh ngoại giao, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho ngư dân Quảng Ngãi. Những vụ đấu tranh ngoại giao gần đây đã đạt kết quả tốt, phía nước ngoài đã phải trao trả không điều kiện đối với người và phương tiện của ta. Chúng tôi đang tiếp tục tham mưu cho Bộ Quốc phòng, Chính phủ và các bộ ngành liên quan, giải quyết các vấn đề ngư dân Việt Nam bị bắt, góp phần bảo vệ quyền lợi, tài sản cho ngư dân yên tâm bám biển.

Xin cảm ơn ông!

LÊ VĂN CHƯƠNG

                (Thực hiện)

Tăng cường biện pháp giúp đỡ ngư dân

Ngày 13/5/2011, Hội Nghề cá Việt Nam đã có văn bản số 55/HNC gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ NN&PTNT về việc tăng cường biện pháp giúp đỡ ngư dân, ngay sau khi trang thông tin của chính quyền thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đăng thông báo về phương án quản lý mùa nghỉ đánh bắt cá ở khu vực Biển Đông năm 2011 từ 12 giờ ngày 16/5 đến 12 giờ ngày 1/8, phạm vi bao gồm cả một số vùng biển của Việt Nam trên Biển Đông.

Hội Nghề cá đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành chức năng có biện pháp để ngư dân yên tâm đánh bắt cá bình thường trên vùng biển Việt Nam, đảm bảo đời sống kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Đồng thời, có biện pháp hỗ trợ kịp thời, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho ngư dân trong trường hợp ngư dân bị bắt giữ, bị thiệt hại về người và tài sản.             

                Phạm Thu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!