T2, 06/07/2020 09:52

Ngư dân Phú Yên vươn khơi: Nỗi lo và niềm hy vọng

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Hiện nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất tăng cao và tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, nhưng ngư dân Phú Yên vẫn quyết tâm bám biển.

Còn nhiều khó khăn khi vươn khơi

Phú Yên là tỉnh tiên phong trong nghề khai thác cá ngừ đại dương, ngày càng thu hút nhiều ngư dân khai thác xa bờ bám biển mưu sinh. Tuy nhiên, những năm gần đây, hoạt động đánh bắt cá ngừ đại dương của bà con đang gặp phải những khó khăn, trở ngại, thời tiết thất thường, việc lo phí tổn cho chuyến biển khi giá cả ngày càng tăng cao, nhất là giá xăng dầu. Hiện, phí tổn cho một chuyến biển đánh bắt cá ngừ đại dương tăng 30% so với năm trước, nhưng lượng cá đánh bắt có chiều hướng giảm, làm cho nhiều ngư dân không còn đủ sức ra biển. Trong khi đó, trên các ngư trường truyền thống thuộc chủ quyền Việt Nam đã xảy ra tình trạng tàu cá nước ngoài xâm phạm để đánh bắt, có khi còn uy hiếp, xua đuổi, ngăn cản, khiến cho ngư dân bị thiệt hại, tổn thất không nhỏ.

Ngư dân Phú Yên vận chuyển cá ngừ đại dương vào bờ sau một chuyến đánh bắt dài ngày trên biển

Thông thường, mỗi chuyến câu cá ngừ đại dương kéo dài khoảng một tháng, phí tổn mỗi chuyến khoảng 140 – 150 triệu đồng. Trong khi đó, giá cá ngừ đại dương ngày càng giảm do thị trường tiêu thụ ở Nhật Bản mấy tháng qua bị “đóng băng”. Đầu mùa, giá cá ngừ có lúc lên đến 170.000 đồng/kg, còn giá thu mua hiện nay từ 135.000 – 140.000 đồng/kg, nên mỗi chuyến biển ngư dân phải đánh bắt được ít nhất 1,2 tấn cá trở lên thì mới có thể nghĩ đến chuyện có lãi. Tuy nhiên gần đây, nhiều tàu câu cá ngừ đại dương của Phú Yên cập bến chỉ được khoảng 7 tạ đến 1 tấn cá, tính ra mỗi chuyến họ lỗ khoảng 40 – 50 triệu đồng. Ông Nguyễn Khắc Tân, phường Phú Đông (TP Tuy Hoà, Phú Yên), chủ tàu PY91469TS cho biết: “Hai chuyến biển liên tiếp vừa rồi mỗi chuyến chỉ được gần 1 tấn nên cả hai chuyến lỗ trên 60 triệu đồng. Nghề biển nhọc nhằn nhưng không thể rời bỏ, bao đời nay ngư dân chúng tôi không đi biển thì không biết làm gì khác. Ra khơi là chuyện phải tiếp tục, nhưng lượng cá ngày càng giảm, ngư dân đi xa hơn thì bị tàu nước ngoài cản trở, khiến chúng tôi khó càng thêm khó”.

Sau chuyến đi biển dài ngày, nếu không đủ tổn, ngư dân lâm vào cảnh nợ nần, vì trước khi ra khơi họ phải vay mượn khắp nơi. Lão ngư Ma Chín (73 tuổi) khu phố 6, phường Phú Đông (TP Tuy Hòa), nhẩm tính: “Nếu ra khơi mà gặp vấn đề gì đó không thể đánh bắt được, buộc phải vào bờ thì chỉ cần hai chuyến như vậy là “đi đứt” cái nhà. Năm trước còn đang là một ông chủ có trong tay tiền tỉ, năm sau làm ăn thất bát phải bán nhà, bán tàu… đi bạn cho người khác, chuyện này đối với ngư dân vùng biển vẫn xảy ra như cơm bữa. Chưa kể đến những tàu bị nước ngoài bắt, không những thiệt hại về tài sản mà còn có thể ảnh hưởng đến tính mạng…”.

 

Ngư dân quyết tâm bám biển

Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng nhiều ngư dân Phú Yên vẫn quyết tâm bám biển. Ông Đặng Văn Theo ở khu phố 6, phường Phú Đông (TP Tuy Hòa), cho biết: “Năm vừa rồi, tàu đánh bắt cá ngừ đại dương của tôi bị tàu hải quân Indonesia bắt, thu giữ phương tiện và cả ngư lưới cụ, tính ra thiệt hại trên 800 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết… Sống làm nghề trên biển, nay ở nhà không biết làm gì nên gia đình tôi quyết định đóng một chiếc tàu mới. Chiếc tàu này tôi lắp máy với công suất 260CV và đầu tư ngư lưới cụ trị giá hơn 1 tỉ đồng, khoảng mười ngày nữa sẽ hạ thủy, tiếp tục nghề câu cá ngừ đại dương. Nhưng có được khoản tiền đó, ngoài phần tiền dành dụm của gia đình, tôi phải vay mượn thêm từ bà con họ hàng. Nguồn vốn từ ngân hàng rất khó tiếp cận vì thủ tục rườm rà, lãi suất cao. Với tình hình đánh bắt ngày càng khó khăn như hiện nay, nếu vay nóng bên ngoài (lãi suất khoảng 6-10%/tháng) thì không ai đủ can đảm để đóng tàu mới. Những người không có may mắn được người thân cho mượn tiền thì chỉ có đường ngậm ngùi nhìn biển hoặc đi bạn chứ khó làm chủ tàu được”.

Nhiều ngư dân ở Phú Yên vẫn tiếp tục đóng mới tàu để bám biển, mưu sinh

Cũng như ông Đặng Văn Theo, phần lớn các gia đình ở vùng biển, dù có nhọc nhằn hoặc đã trắng tay vì biển nhưng họ vẫn bám biển theo nghề để mưu sinh, họ mong muốn có được điều kiện tốt nhất để tiếp tục được ra khơi… Từng là một người lính ở Trường Sa, ông Võ Đốc (phường 6, TP Tuy Hòa) thuộc vùng Biển Đông của Tổ quốc như lòng bàn tay. Chắt chiu từ những năm tháng đi bạn, đến nay ông đã mua được chiếc tàu đi đánh cá ngừ đại dương. Ông Đốc cho biết: “Phần lớn các gia đình ở đây cha truyền con nối với nghề đi biển. Làm ăn có những rủi ro, nhưng bù lại biển cũng đem đến những vụ mùa bội thu. Bỏ biển, chúng tôi không biết làm gì nên những người bị thua lỗ vẫn mong muốn có cơ hội quay trở lại với biển. Nhiều khi chỉ trúng một mùa cá thì trả được nợ và đời sống gia đình khá giả hơn. Ngư dân chúng tôi hy vọng Nhà nước có chính sách hỗ trợ, bảo vệ ngư dân đang làm ăn trên mọi vùng biển của Việt Nam nhiều hơn nữa, có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích ngư dân ra khơi…”.

NGỌC CHUNG

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!