Trước mỗi chuyến ra khơi dài ngày, các ngư dân đều chuẩn bị kỹ càng lương thực, nước uống, nhiên liệu… và các dụng cụ lao động cần thiết. Thế nhưng, họ không hề được chuẩn bị kỹ năng chăm sóc y tế phòng các trường hợp gặp nạn trên biển. Do đó, suốt thời gian qua, ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đã phải nhiều lần đối diện với những trường hợp bệnh nặng, thậm chí là tử vong không đáng xảy ra.
Xã Bình Châu (Bình Sơn) là một trong những địa phương có số tàu đánh bắt xa bờ nhiều nhất tỉnh ta với 422 tàu có tổng công suất 55.000 CV và 1.500 ngư dân bám biển dài ngày. Tuy nhiên, để tìm được một ngư dân am hiểu về cách sơ cấp cứu, nhận biết dấu hiệu ban đầu của các trường hợp bệnh nặng thường gặp thì chẳng khác gì “mò kim đáy bể”.
Hễ sốt thì cho uống thuốc hạ sốt!
Chiếc tàu mang số hiệu QNg 90143 TS của ngư dân Đỗ Văn Nho (xã Bình Châu, Bình Sơn) nhổ neo ra đánh bắt ở ngư trường Trường Sa vào ngày 18/3 sau khi hoàn tất việc chuẩn bị lương thực, nguyên liệu, ngư lưới cụ. Chuyến ra khơi đầu năm cùng 6 ngư dân trên tàu hứa hẹn ngày về cá bạc đầy khoang.
Thế nhưng, chuyện không may đã ập đến khi ngư dân Phạm Chuyền- ngụ ở thôn Định Tân, xã Bình Châu có dấu hiệu đau lưng, sốt cao liên tục, nổi các nốt đỏ khắp người. Với kinh nghiệm 10 năm đi biển, thuyền trưởng Đỗ Văn Nho thấy bạn thuyền sốt cao thì chỉ biết cho uống thuốc hạ sốt thông thường rồi tiếp tục lao động, khai thác hải sản.
Thế nhưng, trong 5 ngày lênh đênh trên biển, sức khỏe ngư dân Chuyền dần giảm sút, vẫn không ngừng sốt cao. Phải đến 13 ngày sau, ngư dân Chuyền về đất liền để nhập viện tại Đà Nẵng với chẩn đoán bị nhiễm trùng huyết nặng, kèm theo nhiều bệnh khác. Lúc này, các bạn thuyền mới vỡ lẽ.
“Anh em trên tàu không ai có kỹ năng nhận biết dấu hiệu bệnh để đưa về bờ sớm. Đâu ngờ, sốt chỉ là một trong những triệu chứng của một số bệnh nặng. Chứ không thì đâu đến nỗi này!”- Ngư dân Nho lắc đầu nói.
Không riêng gì thuyền trưởng Đỗ Văn Nho, hầu hết các ngư dân đang đánh bắt khơi xa dài ngày đều chỉ biết dùng kinh nghiệm tự có để đối phó với các trường hợp tai nạn xảy ra trên biển.
Trong khi đánh bắt, khai thác hải sản, các ngư dân đều rất lúng túng khi gặp phải các trường hợp ngạt nước, gãy tay, chân… Ảnh minh hoạ
Thậm chí, khi được hỏi về các kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản như: Hô hấp nhân tạo cho nạn nhân bị ngạt nước, băng bó, cố định xương cho các trường hợp gãy tay, chân… thì hầu hết các ngư dân đều lắc đầu chịu… thua.
Ngư dân Lê Văn Lớn – ngụ ở xã An Bình (Lý Sơn) chia sẻ: Đi biển dài ngày, khó tránh khỏi các tai nạn như bị ngạt nước, thiếu oxy hay gãy tay, chân. Khi gặp phải thì anh em trên thuyền ai cũng toát mồ hôi vì từ trước đến giờ chẳng biết cách sơ cứu. Cũng có lần, chúng tôi đành đau lòng chứng kiến những người anh em ra đi vì những tai nạn như vậy.
Rất cần được tập huấn y tế
Ông Trần Quang- chủ tàu QNg 95725 TS cùng 7 thuyền viên khác đang hoàn tất việc chuẩn bị cho chuyến biển dài 15 ngày. Đề cập đến chuyện y tế trên biển, ông Quang liền mang ra khoe với chúng tôi tủ thuốc chung của tàu gồm vài viên thuốc cảm, sốt, đau bụng thông thường, cùng một ít bông băng, gạc.
Ngư dân Quang phân trần: Cả chục năm gắn bó với biển, lần nào ra khơi cũng vậy, chúng tôi cũng chỉ biết trang bị vài loại thuốcthế này thôi. Ngoài việc nhận biết tác dụng của các loại thuốc hay dùng, những cái khác liên quan đến y tế, tôi đều mù tịt.
Tủ thuốc đi biển của hầu hết các tàu đều chỉ có những loại thuốc thông thường, trong khi các ngư dân rất cần các kỹ năng y tế cơ bản
Có nhiều lúc, cho uống thuốc rồi mà vẫn đau thì các ngư dân chẳng biết làm gì hơn ngoài việc cho thuyền chạy về các đảo gần nhất hoặc đất liền. “May mắn thì chạy về kịp, xui rủi ở xa quá không về kịp thì đành chấp nhận cảnh tang tóc. Giá mà ngư dân chúng tôi được trang bị vài kỹ năng y tế cơ bản thì chắc sẽ cứu được nhiều mạng người, phòng khi có tai nạn trên biển. Nhưng đằng này, có ai chỉ cho đâu mà biết!”- Ông Quang chia sẻ thêm.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hùng- Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu (Bình Sơn) cho biết: Lượng tàu và ngư dân hoạt động dài ngày trên biển của xã Bình Châu khá lớn. Để vận hành tàu thì phải đảm bảo các yêu cầu về thuyền trưởng, máy trưởng, dụng cụ lao động, y tế cho ngư dân. Tuy nhiên, thời gian qua vấn đề y tế vẫn chưa được chú trọng. Kỹ năng sơ cấp cứu của các ngư dân còn rất yếu.
“Nếu làm tốt kỹ năng này, các ngư dân sẽ bảo vệ được tính mạng, cũng như tiết kiệm được tổn phí, bảo đảm việc khai thác thủy sản, ổn định kinh tế. Do đó, rất mong các cơ quan chức năng mở lớp tập huấn kỹ năng sơ cứu y tế cũng như nhận biết các dấu hiệu bệnh thường gặp cho ngư dân”- ông Hùng kiến nghị.
Đây không chỉ là mong muốn của riêng ngư dân xã Bình Châu mà là mong muốn của tất cả các ngư dân trong tỉnh. Bởi, một khi vấn đề y tế được bảo đảm thì các ngư dân mới yên tâm vươn khơi đánh bắt ở các ngư trường thuộc chủ quyền của Tổ quốc.