Những ngày này, thời tiết miền Trung rất thuận lợi, là thời điểm chính vụ của ngư dân ra khơi. Tuy nhiên, sự “lệch pha” giữa hải sản và giá dầu lại một lần nữa kéo ngư dân vào bờ.
Nhiều ngư dân đang rất đau đầu không biết phải làm thế nào để thuyền ra khơi mà không bị lỗ. “Xăng tăng như ri thì tàu đành nằm bờ chứ biết mần răng”, là cám cảnh chung của hầu hết ngư dân khi được hỏi.
Cầm chắc lỗ
Tại cảng cá Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng), sáng 11/3, gần 10 thuyền viên tàu cá QNg 94428 TS của ông Võ Văn Tạo (Quảng Ngãi) đành quây quần đánh bài cho hết thời gian. Chủ tàu cho biết, thuyền viên không muốn ra khơi nữa, bởi đi thì cầm chắc lỗ. “Mỗi chuyến biển kéo dài gần 1 tháng, tiêu tốn hết 3.500 lít dầu. Riêng tiền dầu đã tăng thêm vài chục triệu đồng, cộng thêm các chi phí như nước uống, đồ ăn, nguyên liệu… một chuyến biển mất thêm gần 100 triệu đồng. Như vậy, muốn có thu nhập ổn định thì mỗi chuyến biển phải đánh bắt 7 – 10 tấn cá. Tuy nhiên, việc đánh bắt bấp bênh mà giá hải sản không ổn định như hiện nay thì cứ cố đi sẽ lỗ”, ông Tạo tính.
Ngư dân Nguyễn Văn Bốn (Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng), ngao ngán: Nghe xăng dầu tăng giá, bạn (ngư dân làm cùng trên tàu) cũng đòi tăng mức ăn chia mới chịu đi”. Anh Nguyễn Văn Chiến (trú Núi Thành, Quảng Nam, chủ tàu QN-98567) đang neo tàu trên sông Hàn, cũng than: “Đánh bắt xa bờ ngày càng khó, lượng cá ngày càng ít trong khi chi phí cao quá nên chúng tôi càng khó bám biển. Rất mong Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí để chúng tôi có điều kiện ra khơi”.
Hiện, trên âu thuyền Thọ Quang và trên sông Hàn có khoảng 15 đại lý bán xăng dầu lưu động phục vụ tàu cá. Những đại lý này chủ yếu cung cấp dầu cho các tàu cá ở Đà Nẵng và khu vực miền Trung. Các tàu mua nợ trước, đi về trả sau. Tuy nhiên, giá dầu tăng nên các đại lý này chỉ bán thiếu cho những tàu đã từng giao dịch và không bán cho chủ tàu mới nào. Đây cũng là một phần khó khăn cho chủ tàu.
Việc xăng, dầu tăng giá khiến hàng nghìn ngư dân đã khó khăn lại càng khốn khó hơn. Ảnh: Đoàn Nguyên
Đang tính bỏ nghề
Chuyện xăng dầu tăng giá và mực ghim rớt giá mạnh trở thành đề tài nóng hổi của người dân đảo Phú Quý, Bình Thuận những ngày này. Ông Ngô Văn Thẩm, xã Tam Thanh chủ thuyền BTH 85580, tính: giá mực ghim đông lạnh năm 2011 là 55.000 đồng/kg mà ngư dân đi đánh bắt về nhiều chuyến còn bị lỗ nặng. Vậy mà sau Tết, giá chỉ còn 30.000 đồng/kg, ngư dân không biết làm gì để kiếm cái ăn hằng ngày.
Ông Nguyễn Bút, chủ thuyền BTH 85394 lắc đầu ngán ngẩm: “Mực ghim giảm 25.000 đồng/kg mà giá dầu tăng lên 1.000 đồng/lít, bây giờ ngư dân chúng tôi chỉ biết neo thuyền tại bến chứ không giám ra khơi”. Ông Bút tính, trước đây dầu 20.700 đồng/lít thì chi phí cho một chuyến ra khơi 20 ngày là 40 – 45 triệu đồng, hiện giờ tăng lên 50 – 55 triệu đồng. Mỗi thuyền phải khai thác 4 – 5 tấn mực mới mong kiếm mỗi người 1 triệu đồng sau chuyến đi biển. Nhưng, ngư trường đã cạn kiệt, để đánh bắt được 2 tấn mực trong 1 chuyến biển là rất khó khăn. Ông Bút cho biết, sau khi giá giá dầu tăng, ông và các con trai của gia đình đã tính đến chuyện bỏ nghề.
Anh Mai Văn Tiến, Công ty TNHH Phú Cường chuyên thu mua, chế biến xuất khẩu mực ghim đông lạnh tại Phú Quý, cho biết nguyên nhân mực ghim đông lạnh giảm giá là trong năm 2011 giá mực ghim xuất khẩu bị đối tác ép quá thấp nên hiện các doanh nghiệp thu mua, chế biến hải sản xuất khẩu trên đảo còn tồn kho hơn 100 tấn mực thành phẩm. Hàng tồn nhiều, doanh nghiệp không thu mua hoặc muốn mua thì tiếp tục ép giá.
Toàn huyện Phú Quý có 1.473 thuyền với 7.536 ngư dân đang lao động trên biển, trong đó hơn 50% số thuyền chuyên làm nghề đánh bắt mực ghim xuất sang Trung Quốc, Nhật Bản… Mực ghim ở vùng biển này rất nhiều và ngư dân khai thác quanh năm với sản lượng trên 10.000 tấn.
>> Hàng thủy sản lại ách cảng
Theo Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), nhiều lô hàng thủy sản xuất khẩu (XK) đang bị ách tắc tại cảng VICT TP.HCM, do một số quy định tại Thông tư hướng dẫn việc thông quan hàng hóa XK, nhập khẩu (NK) phải kiểm dịch của Bộ Tài chính có hiệu lực từ gần một tháng nay.
Vasep cho biết, theo quy định, chỉ hàng hóa thuộc đối tượng kiểm dịch mới phải xuất trình Giấy chứng nhận kiểm dịch, hoặc giấy miễn kiểm tra để làm thủ tục thông quan (thanh lý hạ bãi để đưa hàng lên tàu). Tuy nhiên, hiện nay tại cảng VICT, Hải quan làm thủ tục thông quan hàng XK yêu cầu doanh nghiệp phải xuất trình giấy chứng nhận chất lượng hoặc giấy miễn kiểm cho tất cả các lô hàng hải sản đông lạnh XK, bất kể là thuộc đối tượng hay không thuộc đối tượng kiểm dịch. Doanh nghiệp đã xuất trình các văn bản hiện hành để giải thích với cán bộ hải quan và chứng minh hàng không thuộc đối tượng kiểm dịch nên không thể có các giấy mà phía hải quan cảng VICT yêu cầu. Tuy nhiên, phía hải quan vẫn bắt buộc phải có 1 trong 2 giấy trên, hoặc phải có “giấy chứng nhận là hàng không thuộc đối tượng kiểm dịch” thì mới được thông quan. Vasep cho rằng, quy định bất cập với các văn bản luật hiện hành đang gây ách tắc hàng XK tại cảng VICT, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh XK của.
Nguyên Khải
Theo Đất Việt