THỨ NĂM, ngày 2/1/2025

T2, 06/07/2020 10:11

Ngư dân tự tiếp thị sản phẩm

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngư dân được cung cấp kiến thức khoa học để bảo quản sản phẩm và trực tiếp tiếp thị sản phẩm đến các địa phương mà không thông qua thương lái. Đó là điểm mới rất đáng chú ý của dự án Sinh kế thủy sản Quảng Nam do Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ.

Ngư dân giới thiệu sản phẩm

Phần lớn ngư dân bãi ngang ven biển trên địa bàn tỉnh đánh bắt gần bờ, sản phẩm khai thác được thường bán tươi ở các chợ địa phương, cho thương lái hoặc cơ sở chế biến nhỏ. Một sản phẩm thủy sản từ tay ngư dân đến với người tiêu dùng phải qua nhiều bước trung gian, dẫn đến thu nhập của ngư dân khá thấp so với công sức và giá trị thực của sản phẩm. Việc hỗ trợ tiếp thị sản phẩm thủy sản là mục tiêu mà dự án sinh kế thủy sản hướng tới. Tuy mới chỉ tổ chức cho ngư dân tại xã Bình Minh giới thiệu và thiết lập kênh bán hàng tại một số huyện vùng cao, nhưng hiệu quả mang lại đáng kể; là mô hình hay cho các xã ven biển khác học tập.

alt 

Ngư dân tiếp thị sản phẩm với tiểu thương tại Nông Sơn. Ảnh: L.Q

Xã Bình Minh có khoảng 110 phương tiện khai thác thủy hải sản, sản lượng khai thác hằng năm khoảng 4.000 tấn. Các loại hải sản do ngư dân khai thác chủ yếu được thu mua bởi 15 cơ sở trên địa bàn, sau đó các cơ sở này chế biến ra thành nhiều loại sản phẩm. Ông Trương Công Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết: “Dự án tạo điều kiện để địa phương giải quyết công ăn việc làm cho bà con nghèo, giúp người dân trực tiếp vận chuyển thủy sản lên miền núi, hàng hóa sẽ không phải qua đầu nậu, giá thành sẽ khá hơn…”. Các biện pháp như thiết lập mối quan hệ bán hàng, cách thức thu gom, bảo quản, tiếp thị trực tiếp sản phẩm và quản lý thương hiệu, hướng dẫn kỹ năng làm việc nhóm, tài chính nhóm, theo dõi và xử lý con nợ… là những nội dung mà ban triển khai dự án đặt ra khi đưa chương trình này đến ngư dân.

Trước khi trực tiếp mang sản phẩm đến các địa phương khác, Ban Quản lý dự án Sinh kế thủy sản Quảng Nam đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, tập huấn cho ngư dân. Người dân Bình Minh được tạo cơ hội để trực tiếp gặp gỡ, giao thương với tiểu thương, người tiêu dùng tại 3 huyện Nông Sơn, Hiệp Đức và Quế Sơn. Ngoài việc giới thiệu sản phẩm, ngư dân còn được chỉ cách để tìm kiếm, thiết lập mối quan hệ buôn bán, tìm hiểu về nhu cầu của người dân địa phương và giá cả tại đây. Đa số các sản phẩm thủy sản đến được những địa phương này thường phải qua khâu trung gian mới đến chợ, sản phẩm tươi khó đảm bảo giữ nguyên chất lượng. Ông Nguyễn Đình Sử – Phó phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn chia sẻ: “Địa phương có khoảng 35 ngàn dân, 10 sạp bán hàng thủy sản tại chợ Trung Phước. Tuy nhiên, tại đây rất ít mặt hàng tươi, mùa đông thì hầu như không có, giá cả lại ít ổn định. Vì vậy chúng tôi rất mong các ngư dân Bình Minh có điều kiện thì nên hợp tác lâu dài để bình ổn giá sản phẩm thủy sản tại địa phương, đồng thời nâng cao chất lượng thực phẩm cho người dân”.

Ông Trần Bốn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông – lâm – thủy sản cho biết: “Sau khi đưa nhóm ngư dân Bình Minh đi khảo sát tại một số huyện, xác định giá cả, nhu cầu và phương thức mua bán, chúng tôi tìm được phương thức tối ưu cho ngư dân là bán buôn, tức là Chi hội Nghề cá xã Bình Minh phải tập trung lượng hàng đủ lớn để cung cấp cho nhu cầu khách hàng một cách thường xuyên và liên tục”. Dự án cũng hỗ trợ 4 đợt vận chuyển hàng gồm cá tươi, cá khô, nước mắm đến các huyện Nông Sơn, Quế Sơn và Hiệp Đức. Bước đầu, ngư dân Bình Minh đã thiết lập mối quan hệ với 15 khách hàng, sản lượng bán ra đã vượt trên 20 tấn.

Cải thiện chất lượng thủy sản

An toàn vệ sinh thực phẩm ở các xã ven biển đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Các điều kiện vật chất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ tàu cá đến cơ sở thu mua còn nhiều bất cấp. Việc khám sức khỏe định kỳ, đeo găng tay, mặc bảo hộ lao động khi làm việc, cắt móng tay khi tiếp xúc với thực phẩm vẫn chưa được quan tâm. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm. Mục tiêu mà dự án hướng tới chính là nâng cao vốn hiểu biết và năng lực cho cán bộ quản lý cấp huyện, xã, chủ tàu cá, các cơ sở thu mua và chế biến quy mô nhỏ và cộng đồng ngư dân.

Các lớp chuyên về kỹ thuật bảo quản và vệ sinh an toàn thực phẩm đã được tổ chức cho gần 300 ngư dân. Chị Hồ Thị Liên, ở dân xã Bình Minh, cho biết: “Trước mình làm theo thói quen, giờ có hướng dẫn rồi thì phải có bảo hộ lao động khi làm việc như mũ, găng tay, sau khi làm ra sản phẩm phải bảo vệ, không để ruồi nhặng bu bám”. Đối với các cơ sở nước mắm, chuyên gia cũng hướng dẫn về cách làm sản phẩm sạch, dùng hóa chất và phụ gia hợp lý. Ngoài ra, Ban Quản lý dự án còn tổ chức hoạt động truyền thông về kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, những điều nên và không nên làm trên tàu cá… Ban Quản lý dự án cũng hỗ trợ các dụng cụ bảo quản cho 60 tàu thuyền ở 2 xã Bình Hải và Bình Nam (Thăng Bình), 55 hộ nhận 120 thùng xốp và 55 thùng nhựa, 5 hộ nhận 5 bộ máy sục khí, tổng kinh phí khoảng 45 triệu đồng. Bên cạnh đó, Ban Quản lý dự án còn cử cán bộ lấy mẫu nước và nước đá tại 24 cơ sở trên địa bàn các xã nằm trong vùng dự án, gửi về Trung tâm quan trắc môi trường Quảng Nam, và khuyến cáo những cơ sở đang sử dụng nguồn nước và nước đá không đạt yêu cầu.

Ông Trần Bốn cho rằng, kết quả của chương trình chính là tạo ra cái nhìn tích cực về việc nâng cao sản phẩm sau thu hoạch. Người tiêu dùng sẽ tin tưởng vào những sản phẩm thủy sản từ các địa phương này, sức khỏe được đảm bảo, giá trị trên một đơn vị sản phẩm  sẽ cao hơn trước, đó chính  là những giá trị bền vững mà dự án đem lại.

 >> Dự án “Sinh kế thủy sản dành cho ngư dân các nước tiểu vùng Nam Á và Đông Nam Á” tại Việt Nam được chọn triển khai tại 3 tỉnh trên cả nước. Tại Quảng Nam, dự án được áp dụng tại 6 xã là Bình Hải, Bình Nam, Bình Minh (Thăng Bình), Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên) và Tam Tiến (Núi Thành). Dự án sẽ kết thúc vào tháng 8.2013, tuy nhiên, Bộ NN&PTNT vừa có văn bản yêu cầu giao các hoạt động của dự án cho Cục Thủy sản Việt Nam để tiếp tục duy trì các hoạt động này.

Lê Quân

Báo Quảng Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!