Ngoài những phong tục cổ truyền, ngư dân mỗi miền còn có cách đón Tết theo kiểu riêng; đặc biệt không thể thiếu những trò chơi, hình thức văn nghệ dân gian kỳ thú.
Diễn đi cà kheo
Tại Hà Tĩnh, cùng với nghề đánh bắt hải sản ngoài khơi, trong lộng, nghề cào nghêu, sò, cua rạm, tép tôm… bên bờ chân sóng cũng là một trong những kế mưu sinh của ngư dân. Vì thế, “đôi chân” cà kheo gắn bó chặt chẽ với cuộc sống mưu sinh của ngư dân nơi đây.
Cà kheo làm bằng tre hoặc trúc già, cao 1,5 – 2m, thân thẳng, đặc, chịu lực tốt, có chỗ đặt chân và nén kheo. Nén kheo đeo ở đầu gối để giữ kheo và phải có độ co giãn để tránh làm trầy xước khuỷu chân. Để đi được trên kheo, người sử dụng phải khéo léo, tự điều chỉnh theo nguyên tắc vật lý thăng bằng.
Từ lâu đời, ngư dân ven biển đã đưa “đôi chân” cà kheo lên cạn để trở thành một hoạt động giải trí trong các dịp lễ, Tết. Được đi trên đôi chân cà kheo, những ngư dân thuần phác, sớm khuya tảo tần trên con sóng bạc đầu như cao lớn hơn trong cuộc sống đời thường, tâm hồn được thanh thoát.
Đua thuyền
Hằng năm, cứ vào mùng hai Tết, trên sông Gò Bồi (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) lại nhộn nhịp, huyên náo nhờ hội đua thuyền truyền thống. Hội có từ xa xưa, gắn bó mật thiết với cư dân ven đầm Thị Nại. Những ngư dân trẻ khỏe được tuyển chọn ở 4 xã của huyện Tuy Phước là Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng. Mỗi xã một đoàn 20 – 25 người, tham gia đua thuyền tập thể, đua sõng câu, thi bơi lội và thi bắt vịt dưới nước. Thi bơi lội diễn ra đầu tiên với cự ly 1.500m đối với nam, 1.000m đối với nữ. Đua sõng câu 4 lượt với 8 vận động viên cự ly 1.500m. Sôi động nhất vẫn là đua thuyền tập thể; mỗi đội 11 vận động viên (gồm 1 chỉ huy, cũng là người cầm lái giỏi, và 10 tay chèo) với 2 vòng đua, cự ly 1.500m. Thuyền đua được làm công phu với thiết kế đầu rồng, trang trí nhiều hoa văn đẹp mắt. Khi cờ lệnh phất, 4 thuyền rồng của 4 xã xuất phát cũng là lúc tiếng cổ vũ, tiếng hò reo, tiếng trống thúc giục làm sôi động cả vùng sông nước.
Diễn ra cùng ngày, còn có lễ hội đua thuyền trên sông Cà Ty (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận); ngày mùng 3 Tết có lễ hội đua thuyền của ngư dân các xã Cà Ná và Phước Diêm (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận); từ mùng 4 đến mùng 8 là lễ hội đua thuyền của ngư dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)…
Hát bả trạo
Hát bả trạo còn được gọi là chèo bả trạo, hò hầu linh, hò đưa linh… vốn là một loại hình nghệ thuật dân gian có yếu tố tâm linh của cư dân ven biển từ Bình Trị Thiên, đặc biệt là Quảng Nam – Đà Nẵng tới Bình Thuận. Đây là hình thức hát có kết hợp múa, diễn xướng (“bả” nghĩa là nắm chắc, “trạo” nghĩa là mái chèo) được ngư dân từ lâu đời sáng tác để biểu diễn trong những ngày hội làng, lễ rước cá Ông (cá voi) hay lễ cầu mùa của ngư dân.
Đoàn hát gồm những người đàn ông trong làng. Dẫn đầu là tổng mũi mặc áo vàng quần xanh, đầu quấn khăn đỏ, tay cầm cặp sênh gỗ để gõ nhịp; tiếp đến là tổng khoang mặc như tổng mũi, tay cầm gàu tát nước và tổng lái mặc áo dài xanh, tay cầm mái chèo dài hơn 2m. Ba người này dẫn theo bạn chèo chia làm 2 bên trái, phải, mỗi bên 8 người, tạo thành hình một con thuyền chuẩn bị tiến ra biển. Đến giữa buổi diễn, 3 tổng hát về bà Tơ, người có công giúp chúa Nguyễn vượt qua sóng dữ trên phá Tam Giang và những người đã khai canh, lấn đất biển để hình thành những ngôi làng bây giờ.
Nội dung hát bả trạo mang tinh thần lạc quan, yêu nghề, yêu cuộc sống, thể hiện nguyện vọng của ngư dân trước sự trù phú của biển cả. Hát bả trạo không chỉ là hình thức giải trí dân gian đơn thuần, nó còn là một sinh hoạt mang tính chất tâm linh, tín ngưỡng của người dân vùng sông nước Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế.