T2, 06/07/2020 09:54

Người đem con cá sấu về Ðồng Tháp

Chưa có đánh giá về bài viết

Chuẩn bị thả lứa cá sấu mới ở trại cá sấu của ông Hồ Văn Bé Hùng. Theo quốc lộ 30 tới xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh (Ðồng Tháp) hỏi trại cá sấu của ông Hồ Văn Bé Hùng, ai cũng biết. Trại 1 đặt ở tổ 7 ấp 1 và trại 2 thuộc ấp 4, Cầu Kinh Xáng Hội đồng Tường, đường vào Khu di tích Xẻo Quýt. Ông Hùng là người đã đi thám hiểm và đem con cá sấu nước ngọt Cam-pu-chia về tỉnh Ðồng Tháp. Hiện nay hai trại của ông có tổng diện tích 2,4 ha với tổng vốn đầu tư hơn hai triệu USD.

Năm 1998, hơn ba mươi tuổi, Bé Hùng không ngại đi tìm học nghề làm ăn mới mà chung quanh hầu như chưa ai biết, trong khi ông được sinh ra và lớn lên ở cái nôi của vùng cây trái quanh năm trĩu quả.

Khi những năm còn "thuận chèo, mát mái" của con cá tra, thì người nông dân miệt vườn này lại dám cá cược cả cơ nghiệp của mình để đi ôm về mấy chục cặp cá sấu, "cái của nợ, nhìn thấy mà ghê, cho cũng không thèm" – như nhiều người đã nói!

Tôi cứ băn khoăn: "Sao ông không nuôi cá tra khi đất vườn mênh mông, thậm chí có người còn "dụ" ông bán lại số đất của gia đình với số tiền khá lớn, gấp mấy lần giá thị trường lúc đó để họ đào ao, ông lại từ chối?!".

Theo ông, con cá tra, đối tượng đã và đang là thế mạnh của tỉnh, nuôi cá tra muốn có lãi phải nuôi nhiều và theo tiêu chuẩn quốc tế, đòi hỏi vốn lớn.

Thế rồi, ông tự bỏ tiền túi đi tham quan nơi có nuôi nhiều cá sấu ở trong nước và một số nước trên thế giới như Cam-pu-chia, Thái-lan, Ma-lai-xi-a, và xa hơn như Ô-xtrây-li-a, Nam Phi… Càng đi, ông càng nung nấu, quyết chí phải xây dựng cho mình một trang trại nuôi cá sấu giữa vùng cá và lúa ở quê hương. Ðể có tiền, ông phải bán liền cả ba căn nhà ở phố chợ Mỹ Hiệp, năm công đất mặt tiền đường quốc lộ 30 từ Cao Lãnh về TP Hồ Chí Minh của cha mẹ để lại, gom góp tài sản vốn liếng và tất cả tiền mua bán vật tư trước đây lãi lời được.

Trở về nhà, đầu tiên ông cho xây dựng chuồng trại cẩn thận, nuôi thử mấy chục con. Ðưa cá về, ông trực tiếp chăm bẵm ngày đêm. Lúc cá còn nhỏ ông mua cá tép, lớn hơn ông đặt mua cá biển, cá tạp, đầu cá… Ông lên lịch cho cá ăn từng ngày, từng tuần, mỗi tháng ăn theo sự tăng trưởng, không để quá đói nhưng cũng không cho ăn quá no, chúng dễ đánh nhau, da sẽ bị rách, nhiều sẹo, cá sẽ mất giá, khó bán. Nhiều như thế nhưng để quản lý sinh sản, mỗi con đều có lý lịch riêng trên máy vi tính và cột vào đuôi mỗi con một phiếu theo dõi. Cơ sở của ông thường xuyên phải mướn gần năm chục công nhân để chăm sóc. Ðiều tối kỵ nhất khi nuôi loài vật hoang dã này theo ông, là không bao giờ sơ ý để chúng giao phối đồng huyết. Nếu xảy ra, cá sẽ chết hàng loạt.

Ðược biết, giá bán cá sấu khá cao, căn cứ vào nhiều tiêu chí. Khi còn nhỏ người ta tính theo chiều dài cá để định giá. Cứ nuôi cả chuồng, cá nhiều kích cỡ, khi nào có giá sẽ tách bán. Người nuôi thường chia cá nhỏ, cá lứa và cá lớn để định giá bán. Chẳng hạn cá nhỏ cỡ bốn mươi, năm mươi cm có giá 650 nghìn đồng một con. Cá lứa nuôi thời gian một năm, dài cỡ một mét giá bán hơn một triệu đồng. Cá thịt hơn 10 kg trở lên người ta lại tính giá bán theo trọng lượng, một kg có giá khoảng 150 nghìn đồng. Nuôi trong hai năm trọng lượng một con khoảng 15 đến 20 kg.

Ðiều đi trước ở cơ sở nuôi của ông Hùng khác tất cả các hộ nuôi trong tỉnh hiện nay là ông tập trung chỉ đi sâu vào lĩnh vực nuôi cá sấu để lấy da chất lượng cao, tuy số lượng đầu con ít nhưng giá bán có thể gấp nhiều lần khi nuôi cá thịt thông thường. Ông thuê nhân công cho xây cả nghìn ô chuồng nhỏ. Mỗi ô chỉ nuôi một con, có chế độ ăn khắt khe cho từng thời kỳ. Khoảng hơn năm là có thể mổ để lấy da bán khi có đơn đặt hàng.

ĐBSCL có thế mạnh "trời cho" chính là vùng đất lý tưởng để phát triển nông nghiệp toàn diện, cả trồng trọt và chăn nuôi, đáp ứng nhu cầu về lương thực – thực phẩm ngày càng lớn trong nước. Ở Thái-lan đã nuôi cá sấu từ lâu nhưng chỉ có khoảng hơn 40 nghìn con. Thế nhưng riêng ở tỉnh Ðồng Tháp số lượng cá sấu hiện đang được người dân nuôi nhiều hơn gấp mười lần mà vẫn có nơi tiêu thụ dễ dàng.

Về mặt pháp lý, điều rất thuận lợi, Trại nuôi sinh sản xuất khẩu cá sấu của ông Bé Hùng hiện đã được Cơ quan CITES công nhận là một trong sáu trại nuôi sinh sản động vật hoang dã cá sấu nước ngọt của Việt Nam vì mục đích thương mại, đáp ứng một phần về sản xuất con giống, chủ động trong việc xuất khẩu cá sấu, sản phẩm da và thịt cá sấu ra thị trường quốc tế.

Trong mấy năm trở lại đây, bình quân mỗi năm ông xuất khẩu 10 nghìn tấm da cá sấu, kích cỡ mỗi tấm da từ 35 cm đến 59 cm, giá bình quân khoảng 300 USD/tấm. Ngoài ra, hằng năm trại còn cung ứng gần 15 nghìn cá sấu giống cho thị trường trong nước, 20 nghìn cá sấu thịt cho thị trường nước ngoài… Sản phẩm của ông Bé Hùng đã có mặt tại sáu nước không kể Việt Nam, đó là: Thái-lan, Xin-ga-po, Hàn Quốc, Nhật Bản, I-ta-li-a và Trung Quốc. Riêng ở Trung Quốc ông đang cho xuất nguyên con. Hiện đã có hơn 50 trại vệ tinh chung quanh chuyên nuôi gia công cho trại nhưng vẫn chưa thấm tháp gì so với yêu cầu của bạn hàng…

Theo ông Hùng, nuôi cá sấu rất dễ, chuồng trại không chiếm nhiều diện tích, trên 10 m2 là có một chuồng nuôi được vài chục đến vài trăm con, bỏ vốn ít, ít tốn công chăm sóc, chi phí nuôi thấp nhưng tốc độ tăng trưởng của chúng rất nhanh, dễ thu hồi vốn. Với tiền vốn khoảng vài chục triệu đồng là có thể nuôi được, rất phù hợp với phát triển kinh tế phụ gia đình cho các hộ công nhân viên có nguồn thu nhập duy nhất từ đồng lương eo hẹp.

Hy vọng một ngày không xa, Ðồng Tháp sẽ không chỉ là vùng "cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn" mà nơi đây còn là địa chỉ của một Trung tâm cá sấu nước ngọt xuất khẩu lớn nhất khu vực Ðông – Nam Á, theo hướng công nghiệp.

PHẠM THỊ TOÁN

Theo Nhân Dân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!