Nếu như nghề nuôi cá đã giúp không ít hộ dân nghèo Hậu Giang vươn lên thành khá giả thì những ngày gần đây giá cá bị sụt giảm, người nuôi gặp khó.
Buồn bã, thất vọng, lo lắng… là tâm trạng chung của nhiều hộ dân nuôi cá trong tỉnh Hậu Giang, bởi hiện nay giá nhiều giống cá nuôi bán ra ở mức thấp, người nuôi cá khó có được tiền lời. Nhìn 6 bè cá điêu hồng sắp đến ngày xuất bán ước khoảng 35 tấn, anh Tư Thông (Mai Hoàng Thông) ở ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, buồn bã cho hay: “Nếu như thời điểm này năm ngoái cá sắp đến ngày xuất bán thì thương lái nhiều nơi nườm nượp tìm đến đặt giá hỏi mua, còn bây giờ thì không thấy”.
Nông dân nuôi cá rô đầu vuông ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, thu hoạch cá bán cho thương lái với giá khá thấp.
Nhiều năm qua ở khúc sông Mái Dầm này, nhờ nuôi được cá điêu hồng trong lồng bè nên một số hộ khá lên thấy rõ, năm nay giá cả biến động bất thường, người nuôi trở tay không kịp. Mới tháng trước đây, giá cá điêu hồng thương lái mua tại bè không cần phân loại còn ở mức 33.000 – 34.000 đồng/kg, coi như người nuôi có lời. Nhưng xem ra đợt tăng giá này không mấy người nuôi được hưởng lợi vì không có cá để bán, nay giá cá đã quay đầu giảm xuống chỉ còn 30.000 – 31.000 đồng/kg. Nếu như tính hết các khoản chi phí trong 6 tháng nuôi thì trước mắt người nuôi đã lỗ từ 1.000 – 2.000 đồng/kg cá, chưa kể đến nhiều chi phí phát sinh khác.
Không chỉ có người nuôi cá điêu hồng như anh Thông đang rầu lo sợ lỗ, mà nhiều hộ nuôi cá tra ở thành phố Ngã Bảy cũng cùng chung tâm trạng kém vui. Dẫn chúng tôi một vòng quanh ao cá tra đang trong thời kỳ quá lứa (hơn 1 kg/con) cả trăm tấn chưa bán được, anh Tám Giang, ở xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy, nói như than: “Từ lâu, nghề nuôi cá tra đã trở thành nghề chính của nhiều hộ dân nơi đây để phát triển kinh tế gia đình. Với tình hình giá cá tra hiện nay chỉ còn 17.000 – 18.000 đồng/kg khiến người nuôi đứng ngồi không yên bên ao cá”. Điều nghịch lý hơn là cho dù giá cá tra đang ở mức thấp, nhưng các doanh nghiệp (DN) chế biến cũng không mặn mà thu mua. Còn các DN không có vùng cá nguyên liệu, hay tiểu thương mua bán lẻ ở các chợ trong tỉnh, hoặc một số vùng lân cận thì chỉ thu mua cầm chừng với số lượng rất hạn chế.
Anh Sáu Dũng, ở xã Đông Phước, huyện Châu Thành, là người có nhiều năm gắn bó với nghề nuôi cá tra, nhưng anh cũng chưa bao giờ nghĩ tới chuyện con cá tra lại rơi vào tình cảnh khó bán như hiện nay. Anh Dũng cho rằng, những năm trước cho dù giá cá tra có bị sụt giảm, nhưng giá thức ăn còn ở mức trung bình thì có thể bù qua, kéo lại mặc dù người nuôi cá không được lời nhiều. Còn nếu giá cá tra bán ra như hiện nay, hay có hơn mức này vài trăm đồng đi chăng nữa thì so với giá thành sản xuất cũng đã trên 19.000 – 20.000 đồng/kg, nói sao người nuôi không lỗ. Tuy nhiên, trong kinh nghiệm của một số hộ nuôi cá tra gia công cho các công ty chế biến thủy sản xuất khẩu cho thấy, mức độ ảnh hưởng bởi tình hình giá cá suy giảm đối với các hộ nuôi cá gia công nhìn chung không nhiều, ngoại trừ tiền thanh toán cá tra có chậm. Song, người nuôi cá có kỹ thuật tốt vẫn có thể cầm cự, kiếm ăn được với mức gia công 700 – 800 đồng/kg, một năm nuôi một vụ cá tra khoảng 9 tháng đạt các tiêu chuẩn theo hợp đồng gia công 300 – 400 tấn/ao là tạm trụ được. Như vậy đối với người nuôi cá có hợp đồng với nhà máy còn đỡ khổ, còn hộ nuôi cá tự do bên ngoài phải tìm cách làm sao tiết giảm chi phí tối đa giá thành để giảm lỗ.
Trong khi người nuôi cá tra còn được chút hy vọng qua nhiều hình thức nuôi, nhằm giảm bớt áp lực giá thành đến kỳ thu hoạch thì người nuôi cá rô đầu vuông, một loại thủy sản được đánh giá là tiềm năng nhưng đang khiến người nuôi khốn đốn. Câu nói như có phần chua chát này được thốt ra từ miệng của những người nuôi cá rô đầu vuông, cá trê, cá sặc rằn của anh Chín Tùng, Năm Sang, anh Vũ… đều ngụ ấp 8, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, mới vừa bị lỗ nặng trong vụ nuôi này. Giọng anh Tùng (Trần Thanh Tùng) như nghèn nghẹn nói với chúng tôi: “Mấy năm trước, thấy nhiều người nuôi loại cá đột biến gen này thắng lớn, đổi đời, tôi và anh Sang, anh Vũ cùng một số hộ dân khác trong ấp cũng lấy đất ruộng đào ao nuôi cá. Những vụ đầu và vụ tiếp theo hầu hết người nuôi đều có lời, riêng vụ cá năm nay chúng tôi mới bán chưa quá một tuần, tính ra chẳng những không có lời mà còn lỗ nặng”.
Anh Tùng cho biết gần đây giá các loại cá rô đầu vuông, cá sặc rằn và cá trê vàng đang giảm mạnh. Nếu như tháng trước giá cá rô đầu vuông, cá trê vàng bán ra tại ao còn ở mức 25.000 – 26.000 đồng/kg, nay giảm xuống chỉ còn 19.000 – 20.000 đồng/kg, riêng giống cá sặc rằn giá từ 50.000 đồng/kg, giảm xuống chỉ còn 35.000 – 40.000 đồng/kg. Trong khi đó giá thức ăn tăng vọt đẩy giá thành sản xuất của mỗi ký cá lên đến 29.000-30.000 đồng, coi như vụ cá vừa rồi anh và một số hộ nuôi khác trong ấp mỗi người lỗ ít nhất cũng từ vài trăm triệu cho đến cả tỉ đồng, giờ có muốn nuôi lại cũng không còn vốn để đầu tư sản xuất.
Bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX Kỳ Như, ở ấp Tầm Vu, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, chuyên sản xuất mặt hàng chả cá thát lát, cá thát lát tẩm gia vị… cho biết không chỉ riêng các giống cá thông thường giá mua sụt giảm, mà ngay cả giống cá thát lát thương phẩm trên thị trường hiện thương lái mua vào chỉ còn 43.000 đồng/kg. Riêng các ao cá thát lát nuôi của xã viên được HTX bao tiêu trước với mức giá là 55.000 đồng/kg nên sau khi thu hoạch nhiều xã viên còn có lời.
Theo nhiều chủ trại chuyên kinh doanh và sản xuất cá giống trên địa bàn tỉnh, gần đây nhiều loại cá giống đầu ra tiêu thụ rất chậm, mặc dù giá cá giống các loại có chiều hướng đang sụt giảm từ 10 – 20%, nhưng sức mua của các hộ nuôi chưa nhiều. Ông Nguyễn Thành Long (Hai Long) chủ trại cá giống Đức Tài, ở khu vực 5, phường Ngã Bảy, thành phố Ngã Bảy, cho biết nguyên nhân là do tình hình dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp. Nhiều mặt hàng nông, thủy sản đang gặp khó khăn về giá cả và đầu ra, từ đó kéo theo giá cá giống cũng như người nuôi bị chựng lại. Khả năng cán cân cung – cầu của các loài thủy sản thời hậu dịch Covid-19 sẽ cân bằng trở lại, thị trường thủy sản rồi đây cũng sẽ phục hồi.
Bài, ảnh: Quang Hải
Nguồn: Báo Hậu Giang