Cuối tháng 3/2014, giá cá tra tăng lên 25.000 – 26.000 đồng/kg, những người nuôi nhỏ lẻ (không liên kết với doanh nghiệp chế biến) đã có lãi 4.000 đồng/kg. Tuy nhiên, không mấy nông dân có vốn nuôi cá, vì đã bị doanh nghiệp chế biến chiếm dụng và vẫn khó vay ngân hàng.
Bị doanh nghiệp chiếm dụng
Số tiền khoảng 45 tỷ đồng của 43 người bán cá tra, bị Công ty CP Chế biến Thực phẩm Sông Hậu (Sohafood) nợ từ cuối năm ngoài, đến nay chưa giảm được bao nhiêu. Ông Cao Hữu Sang ở phường Thuận An (Thốt Nốt, Cần Thơ) cho biết, bán 154 tấn cá tra cho Sohafood ngày 4/6/2013, được trả 20%, còn lại hẹn trả trong 45 ngày. Nhiều tháng sau đó, Sohafood không trả được xu nào. Khi Sohafood do bà Trần Ngọc Sương lãnh đạo, trả thêm được 10% rồi lại tiếp tục nợ.
Ngày 23/11/2013, Sohafood tổ chức bàn giao chức Tổng Giám đốc từ bà Trần Ngọc Sương sang ông Nguyễn Tấn Thanh. Ông Thanh tuyên bố, từ tháng 12/2013, sẽ trả nợ mỗi tuần 3 – 5 tỷ đồng cho đến tháng 6/2014, hết nợ. Thế nhưng, ông Sang cho biết, món nợ của ông 2,4 tỷ đồng, trước Tết trả một ít, sau Tết trả được 50 triệu đồng, hiện vẫn nợ hơn 2 tỷ đồng.
“Tôi có 3 ao nuôi cá tra, bị Sohafood chiếm dụng vốn, phải bỏ hoang 2 ao, còn một ao nuôi chừng 100 tấn cá nhưng không có tiền mua thức ăn cho cá nên cá không lớn được”, ông Sang kể. Cá nuôi mấy tháng mà còn nhỏ, nay có giá vẫn chưa thể bán. Khi bị Sohafood chiếm dụng vốn thì ông cũng trở thành con nợ của ngân hàng và nhiều người khác, “bị chủ nợ chửi tối ngày không còn suy tính làm ăn gì được”.
Theo lời ông Sang, hoàn cảnh của những người nuôi cá tra bị doanh nghiệp chiếm dụng vốn như ông đang ngày càng bế tắc. Tiền nợ không đòi được còn tốn tiền đi đòi nợ, gần đây mỗi lần đến Sohafood là cãi nhau nên mẹ của ông không cho ông đi đòi nợ nữa, mà để bà đi. Thế nhưng, bà vừa đi đòi được mấy lần, bị Tổng Giám đốc Nguyễn Tấn Thanh “nói nặng nói nhẹ, sốc quá, tăng huyết áp đang phải vào bệnh viện cấp cứu”.
Khó vay tiền ngân hàng
Giám đốc Hợp tác xã Thới An chuyên nuôi cá tra ở quận Ô Môn (Cần Thơ) Nguyễn Ngọc Hải cho biết, mỗi hecta nuôi cá tra chỉ được ngân hàng cho vay 1 tỷ đồng, “mà đó phải là người nuôi có uy tín, trả được nợ cũ”. Tính toán của ông Hải, với giá thành 22.000 đồng/kg thì 1 tỷ đồng chỉ nuôi được 50 tấn cá. Trong lúc, nông dân quận Ô Môn có khả năng nuôi đạt năng suất 400 – 5.000 tấn/ha. Như thế, vốn ngân hàng chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu của người nuôi cá.
Không mấy nông dân có vốn nuôi cá vì đã bị doanh nghiệp chiếm dụng và vẫn khó vay ngân hàng – Ảnh: Nguyên Chi
Ngân hàng không cho vay nhiều hơn vì liên quan tài sản thế chấp, mà tài sản thế chấp của người nuôi cá mấy năm nay không tăng thêm, nhiều người còn mất mát vì thua lỗ và bị doanh nghiệp chiếm dụng. “Vốn có bao nhiêu nuôi bấy nhiêu thôi. Chỉ nuôi theo đồng vốn vay ngân hàng thì năng suất thấp, dù cá tra tăng giá cũng không hưởng lợi được bao nhiêu”, ông Hải thở dài.
Theo ông Hải, quận Ô Môn có sản lượng cá tra mỗi năm 50.000 – 60.000 tấn nhưng hiện chỉ có 6 hộ nuôi nhỏ lẻ, sản lượng chừng 2.000 tấn. Đa số đã nuôi liên kết với các doanh nghiệp chế biến, tiền lãi ổn định theo hợp đồng. Trong khi đó, những hộ nuôi nhỏ lẻ thì cá cũng còn nhỏ, phải thời gian ngắn nữa mới bán được, nên lãi thực tế chưa biết thế nào. “Mấy năm qua bầm dập hết rồi, phải tăng giá ít lâu nữa mới mong phục hồi”, ông Hải kết luận.
Hy vọng chính sách mới
Tại cuộc họp do Thủ tướng Chính phủ chủ trì ở TP Cần Thơ ngày 15/3/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố “chính sách hỗ trợ người nuôi cá tra gặp khó khăn”. Theo đó, “người nuôi cá tra gặp khó khăn được xem xét để cơ cấu lại nợ và tiếp tục được vay mới để phục hồi sản xuất”. Những khó khăn được xem xét là “thiên tai, dịch bệnh và biến động thị trường”.
Văn bản của Ngân hàng Nhà nước viết: “Tiếp tục cơ cấu lại nợ cho người nuôi gặp khó khăn (thời gian lên tới 36 tháng), xem xét miễn giảm lãi đối với khách hàng. Đối với khách hàng nào không còn khả năng trả nợ do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng (như thiên tai, dịch bệnh, mất mùa, tác động tiêu cực của thị trường…), tổ chức tín dụng xem xét khoanh nợ tối đa 3 năm, đồng thời tiếp tục xem xét cho vay mới mà không tính đến các khoản nợ đã xử lý”.
Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước và Bộ NN&PTNT còn triển khai chương trình thí điểm cho vay đối với các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao và thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân thực hiện liên kết đều có thể tham gia chương trình này. Ngân hàng cho vay tối đa bằng 80% giá trị phương án, dự án vay vốn, miễn tài sản thế chấp, lãi suất 7%/năm. Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước và Bộ NN&PTNT chọn 15 đơn vị làm thí điểm trong một năm, sau đó tổng kết, mở rộng.
Ông Nguyễn Ngọc Hải phấn khởi trước chính sách mới, mong sớm đến được với người nuôi cá tra. Ông nói: “Đừng như trước đây, Nhà nước nhiều lần nói ưu đãi người nuôi cá tra mà có thấy gì đâu”.
>> Tín dụng đối với cá tra: Năm 2013, dư nợ tăng trên 2%; đến ngày 31/1/2014, đạt trên 18.413 tỷ đồng, tăng 0,4% so với 31/12/2013. Về gia hạn nợ đối với cá tra và tôm, đến ngày 31/1/2014, tổng dư nợ được gia hạn (các khoản vay từ 15/8/2012 về trước) tại 5 ngân hàng thương mại nhà nước là 4.990 tỷ đồng. Nguồn: Ngân hàng Nhà nước |