THỨ NĂM, ngày 23/1/2025

Nguy hại từ việc nuôi hàu bằng tấm lợp fibrociment

Chưa có đánh giá về bài viết

Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã cảnh báo về mối nguy hại tiềm ẩn cho môi trường nước, ảnh hưởng đến hiệu quả nuôi trồng thủy hải sản cũng như sức khỏe con người từ việc sử dụng tấm lợp fibrociment để nuôi hàu. Tuy nhiên, việc nuôi hàu tự nhiên bằng loại vật liệu này vẫn đang được áp dụng phổ biến ở BR-VT.

Theo khảo sát của Sở NN&PTNT BR-VT, hàng năm người dân tại các xã: Long Sơn (TP. Vũng Tàu), Tân Hải, Tân Hòa, Phước Hòa và Tân Phước (huyện Tân Thành) sử dụng khoảng 200.000 tấn tấm lợp fibrociment để nuôi hàu. Ước tính khoảng 50% tấm lợp sau khi sử dụng được thải loại trực tiếp ra sông Rạng, sông Chà Và, sông Dinh và các bến bãi nơi phân loại hàu thương phẩm. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc bồi lắng đáy sông, tích tụ các cặn bã gây ô nhiễm môi trường và gây tác động trực tiếp đến nguồn nước nuôi trồng thủy sản của người nuôi.

Chị Trần Thị Hải (thôn 10, xã Long Sơn) cho hay những tấm tole fibrociment được cắt thành nhiều tấm nhỏ, đục lỗ, xỏ dây như thế này, rồi đưa ra bè, thả xuống lòng sông cho hàu bám vào. Ảnh: GIA AN 

Chị Trần Thị Hải (thôn 10, xã Long Sơn) cho hay những tấm tole fibrociment được cắt thành nhiều tấm nhỏ, đục lỗ, xỏ dây như thế này, rồi đưa ra bè, thả xuống lòng sông cho hàu bám vào. Ảnh: Gia An

Những tấm lợp fibrociment được người nuôi cắt thành 6 hoặc 8 mảnh rồi treo thành từng ô và nhiều ô kết thành một bè. Vào tháng 3 âm lịch hàng năm khi vào mùa sinh sản của hàu các cọc fibrociment được thả xuống sông để hàu non bám vào, đến 10 tháng sau mới thu hoạch. Theo anh Lê Thanh Hải, ngư dân tại xã Long Sơn, hàu không chỉ nuôi bằng tấm lợp, người dân Long Sơn còn dùng các loại lốp xe phế thải để nuôi. Sau khi thu hoạch, phần lớn những vật liệu dùng để hàu bám được người dân đổ thẳng xuống sông.

>> Fibrociment là vật liệu xây dựng làm bằng ciment trong đó cát được thay thế bằng sợi khoáng silicat và bột amiang, thường dùng để lợp nhà. Nhiều nước trên thế giới đã hạn chế và cấm sử dụng amiang vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường cũng như gây hại cho người sử dụng. Theo Tổ chức Y tế thế giới, nguyên nhân chính gây bệnh của sản phẩm có chứa amiang đối với sức khỏe con người là do tiếp xúc qua đường hô hấp và qua đường tiêu hóa do nguồn nước nhiễm amiang.

Theo đánh giá của Trung tâm Công nghệ môi trường (Viện Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam), nuôi hàu theo phương pháp sử dụng tấm lợp fibrociment hay bằng lốp xe cũ ít tốn kém, nhưng gây hại cho môi trường nước và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe cho người tiêu dùng. Cụ thể, tấm lợp fibrociment và lốp xe cũ khi ở trong môi trường nước sẽ tạo ra lưu huỳnh và nhiều hóa chất độc hại. Việc người nuôi để lại lốp xe, fibrociment ngay tại khu vực nuôi và điểm phân loại hàu thương phẩm sẽ gây tác động đến dòng chảy của sông, khu vực nuôi hải sản của người dân xung quanh. Về hoạt động nuôi hàu tại BR-VT, Trung tâm Công nghệ môi trường cũng đã đưa ra cảnh báo, nếu không thay đổi phương pháp nuôi hàu bằng tấm fibrociment, về lâu dài nghề nuôi trồng hải sản trên địa bàn tỉnh BR-VT sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tuy vậy, tính tới thời điểm này, ngành nông nghiệp cũng chỉ đang từng bước vận động người nuôi hàu hạn chế việc sử dụng tấm lợp fibrociment cũng như sản phẩm có liên quan. Sở NN-PTNT tỉnh thì đang xúc tiến việc mời các nhà khoa học nghiên cứu những nguy cơ từ việc dùng tấm lợp fibrociment để đánh giá đầy đủ về tác hại, dư lượng của chúng trong sản phẩm thủy sản nuôi trồng tại BR-VT. Còn việc tiến hành nghiên cứu, chuyển giao phương pháp nuôi hàu mới thân thiện với môi trường, an toàn cho người sử dụng và người sản xuất có lẽ vẫn còn xa. Và người dân vẫn tiếp tục cắt những tấm fibrociment cắm xuống lòng sông để nuôi hàu…

>> Ông Nguyễn Văn Trinh, Trưởng thôn Gò Găng cho hay, tại xã Long Sơn trước đây, người nuôi chủ yếu dùng cọc tre, gỗ cắm xuống sông cho hàu non bám vào và vào khoảng 7 – 10 tháng sau khi hàu lớn là thu hoạch. Tuy nhiên, cọc tre và gỗ thì khả năng trụ lại bền vững với sông nước không lớn. Nhiều cọc hàu khi hàu phát triển mạnh có thể bị gãy đổ hoặc bị sóng nước xô ngã, người dân thất thu. Sau này, khi phát hiện hàu thích bám vào tấm lợp fibrociment và tấm lợp này lại có khả năng chịu nước, chịu sóng tốt, người nuôi hàu đã đổ xô nuôi theo phương pháp này mà không tính đến việc ô nhiễm nguồn nước hay ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Quang Nguyễn

Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!