Khép kín vòng đời trong nuôi thương phẩm cá chình nước ngọt Nhật Bản là điều cần thiết để giúp bảo vệ các quần đàn cá trong tự nhiên, đồng thời ổn định khâu cung cấp con giống. Tuy nhiên, để khắc phục các vấn đề như ấu trùng dị hình hoặc tỷ lệ sống thấp và thu được sản lượng lớn ấu trùng có kích thước chuẩn khi biến thái thành cá chình kính, cần thiết phải hoàn chỉnh thức ăn và quy trình nuôi.
Hầu hết cá chình nước ngọt mà người Nhật tiêu thụ được nuôi từ các trang trại và chưa được ấp từ trứng. Thay vào đó, cá giống trong suốt (gọi là cá chình kính) được đánh bắt từ tự nhiên và được nuôi thương phẩm đến khi thu hoạch.
Ấu trùng leptocephali của cá chình Nhật không thể nuôi được bằng các loại luân trùng, phiêu sinh động vật hoặc thức ăn viên nên việc phát triển một loại thức ăn đặc biệt là cần thiết (Nguồn: GAA)
Trong một thời gian dài, các nhà khoa học đã cố gắng cho cá chình nước ngọt sinh sản nhân tạo trong điều kiện nuôi nhốt. Đầu những năm 1960, các nghiên cứu đã được thực hiện để “khép kín vòng đời” bằng các kỹ thuật sinh sản, ấp trứng và ương nuôi. Các giải pháp xử lý bằng hormon đã được áp dụng để thu trứng thụ tinh và ấu trùng (được gọi là leptocephali).
Do không thể nuôi ấu trùng leptocephali bằng các loại luân trùng, phiêu sinh động vật hoặc thức ăn viên nên một dạng thức ăn nhão (có tính dính như hồ) được làm từ bột trứng cá mập sấy khô, có bổ sung krill, peptide đậu nành, các vitamin và khoáng đã được phát triển và sử dụng thành công. Để khắc phục các vấn đề như ấu trùng dị hình hoặc tỷ lệ sống thấp và sản lượng ấu trùng có kích thước chuẩn khi biến thái thành cá chình kính, cần thiết phải hoàn chỉnh thức ăn và quy trình nuôi.
Năm 2010, lần đầu tiên các nhà khoa học Nhật Bản đã sản xuất hai thế hệ cá chình trong điều kiện nuôi nhốt. Điều này làm tăng khả năng của một ngành nuôi trồng thủy sản không phụ thuộc cũng như không gây hại cho trữ lượng cá chình ngoài tự nhiên. Nhưng để sản xuất ra lượng lớn cá chình Nhật Bản để phục vụ cho nuôi thương phẩm vẫn còn là vấn đề khó.
Năm 2019, các nhà nghiên cứu hướng đến khép kín chu trình trong nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên họ chỉ mới thành công ở việc thu thập trứng, ấp và nuôi ấu trùng ở giai đoạn đầu. Nuôi thành thục chình bố mẹ, thu trứng, các đặc điểm vật lý của thức ăn cho ấu trùng, thành phần thức ăn, tính hấp dẫn của thức ăn và nuôi số lượng lớn cá bột vẫn còn nhiều khó khăn cần phải vượt qua.
Theo Tiến sĩ Miller tại Đại học Tokyo, thách thức hiện tại là làm thế nào để có được một lượng lớn ấu trùng lấy được thức ăn, khi mà thức ăn dạng nhão được quết dính dưới đáy của bể nuôi. Lúc ánh sáng phía trên được bật lên, ấu trùng sẽ bơi xuống dưới đáy bể và gặp thức ăn. Tuy nhiên, nhiều con chết mà không có thức ăn. Giả thuyết đặt ra là không phải tất cả ấu trùng đều gặp thức ăn và/hoặc chúng không đủ sức để bơi xuống đáy bể. Hoặc cũng có thể là thức ăn không phù hợp để chúng cắn và nuốt hoặc do khả năng tiêu hóa kém hơn; trong khi thức ăn phải được lấy ra khỏi bể sau mỗi lần cho ăn. Vấn đề hiện nay là thức ăn và cách cho leptocephali ăn để tạo ra sản lượng lớn con giống.
Thách thức này xuất phát từ kiểu sinh học ăn độc đáo của leptocephali ở đại dương. Không như ấu trùng của các loài cá bình thường khác thường ăn phiêu sinh động vật, leptocephali ăn “tuyết biển”, đó là những mảnh vụn nhỏ mà rất khó tạo ra cho mục đích nuôi trồng thủy sản. Thức ăn nhão dạng hồ bột cũng không phải là thức ăn tự nhiên của cá chình, tuy nhiên noãn hoàng từ trứng cá mập tạo ra mùi vị hấp dẫn để chúng ăn và tồn tại, có thể là do một hợp chất hóa học nào đó đã kích thích phản ứng ăn.
Một giải pháp khác là sử dụng thức ăn dạng lỏng. Mặc dù tính hiệu quả trong nuôi dài hạn không rõ ràng, nhưng thể tích thức ăn lớn hơn và làm thành một “vũng thức ăn” ở đáy bể đã cho phép nhiều ấu trùng bắt gặp thức ăn hơn. Ấu trùng cũng có thể tự do bơi vào vùng thức ăn và nuốt trực tiếp.
Một nhà khoa học nói rằng họ có thể sản xuất hàng ngàn con cá chình kính mỗi năm, nhưng không có nơi nào đạt được quy mô thương mại. Ông tin rằng công nghệ sản xuất sẽ được phát triển để sản xuất chúng với số lượng lớn và ổn định. Nếu được như vậy sẽ giúp bảo vệ các quần đàn cá trong tự nhiên, đồng thời ổn định khâu cung cấp con giống. Nhưng ông cũng cho biết thêm, họ cần phải phát triển một loại thức ăn mới cho ấu trùng và cải thiện các hệ thống nuôi.
Bằng cách tái tạo các thế hệ kế tiếp, các nhà khoa học mong đợi những điều tốt đẹp như tốc độ tăng trưởng cao và khả năng kháng bệnh tốt của cá chình Nhật Bản.
Cá chình cái có kích thước lớn gấp 5 đến 6 lần Cá chình đực.
Mỗi khi Cá chình cái sinh sản ( phóng thích trứng) luôn luôn có rất nhiều Cá chình đực bơi theo để phóng tinh trùng vào trứng do Cá chình cái phóng thích ra. Thời gian một con Cá chình cái sinh sản kéo dài rất lâu và đây là tổ chức của một gia đình Một Vợ cùng nhiều Chồng !