Nhà máy bột cá… hành dân

Chưa có đánh giá về bài viết

Người dân phải ăn, ngủ chung với mùi hôi tanh và khói bụi từ các nhà máy chế biến bột cá.

Nhiều người dân ở xã Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang) đang bị các nhà máy bột cá tại xã này hành hạ ngày đêm vì mùi hôi tanh nồng nặc cùng bụi trấu làm mục mái tôn, chết cây, chết cá…

Cả ngàn hộ dân phải sống chung với những mùi hôi thối cùng khói đen tỏa ra từ các ống khói của các nhà máy. Nhiều ngôi nhà luôn trong tình trạng cửa đóng, then cài, cuộc sống người dân bị xáo trộn.

Bà Giang Vĩnh Huy (ngụ ấp An Ninh) nói: “Khói từ các nhà máy bột cá cùng mùi hôi thối bốc ra không thể chịu được. Trẻ con, người lớn bị bệnh về hô hấp, nguồn nước sinh hoạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước đây, ngoài trồng trọt, người dân ở khu vực này còn hình thành các tổ hợp tác nuôi cá nước ngọt nhưng do nguồn nước bị ô nhiễm, cá không thể sinh sống được nên những tổ hợp tác này phải giải tán”.

Nước thải đen ngòm, nổi váng đặc quánh thải ra từ nhà máy chế biến thủy sản Sao Biển ở huyện Châu Thành (Kiên Giang). Ảnh: KG

Tại đầu con đường dẫn vào ấp văn hóa An Phước là hai doanh nghiệp chuyên sản xuất mực, cá khô và nước thải từ hoạt động của doanh nghiệp cứ thải thẳng xuống con rạch phía trước nơi có hàng trăm người dân sinh sống. Khi trời nắng, nóng thì ruồi, muỗi bay vào nhà bu vào mâm cơm đen nghịt. Không khí luôn nặng mùi tựa xác xúc vật chết trôi sông. Ông Danh Quẹo, nhà cạnh hai doanh nghiệp trên than: “Gia đình nhiều lần phải bưng cơm đi nơi khác ăn vì không thể chịu nổi mùi hôi thối từ doanh nghiệp này. Cứ vào đầu mùa mưa là ruồi, muỗi nhiều không tả xiết, mùi hôi thối thì cứ nồng nặc suốt đêm ngày. Bà con ở đây cầu cứu biết bao lần và chính quyền có xuống kiểm tra, xử phạt nhưng khi cán bộ về thì đâu lại vào đó”.

Tại ấp Minh Phong, hàng trăm người dân ở quanh khu vực nhà máy chế biến thủy sản Sao Biển đóng trên địa bàn cũng bức xúc vì nước thải từ nhà máy này bít luôn dòng chảy của con kênh thủy lợi dùng để bơm nước tưới ruộng. Ông Danh Sụa (ấp Minh Phong) nói: “Cả trăm hộ dân quanh nhà máy phải “ăn chung, ngủ chung” với mùi hôi thối đến chóng mặt, nôn ói tỏa ra từ nhà máy, còn nước thải thì xả ra con kênh thủy lợi. Chẳng biết trong nước thải có gì mà vịt lội vào chỉ vài ngày sau là lăn ra chết. Mới đây, người dân không chịu được việc xả thải của nhà máy đã kéo nhau ra đắp chặn con đập không cho nhà máy xả thải và suýt xảy ra việc đánh nhau giữa các công nhân của nhà máy với người dân, công an xã phải đến can thiệp. Tuy nhiên, sau lần này người dân vẫn ngày đêm chịu đựng nạn ô nhiễm vì xã chỉ có thể can ngăn việc đánh nhau, còn chuyện nhà máy xả thải, gây ô nhiễm xã cũng bó tay, chỉ có thể kiến nghị lên cấp trên giải quyết”.

Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Bình An, cho biết nhiều bà con bức xúc, gửi đơn đến nhiều cơ quan chức năng của tỉnh nhưng chỉ nhận được sự im lặng hoặc trả lời chung chung. Vì thế, xã sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng phải mạnh tay xử lý các nhà máy gây ô nhiễm, trả lại môi trường trong lành cho bà con.

>> Theo ông Nguyễn Xuân Lộc, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang, từ năm 2012 đến nay, Sở đã tổ chức năm đợt thanh, kiểm tra 39 đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn xã Bình An. Qua đó, đã tham mưu tỉnh xử lý 13 trường hợp sai phạm về môi trường với tổng số tiền trên 1,6 tỉ đồng và dành thời gian khắc phục 26 trường hợp. Hiện vẫn còn một số nhà máy, xí nghiệp chưa khắc phục được tình trạng gây ô nhiễm môi trường nên Sở sẽ tiếp tục thanh tra, phúc tra các đơn vị chế biến thủy hải sản trên địa bàn xã này.

K.Giang

Báo Pháp luật TP HCM

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!