(TSVN) – Ốc nhồi hay còn gọi là ốc bươu đen đang là loại thực phẩm được thị trường ưa chuộng. Với kỹ thuật, cách chăm sóc khá đơn giản, nuôi ốc nhồi đang là một hướng phát triển kinh tế mới, nhiều hộ dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ mô hình này.
Ốc nhồi là loài ốc cỡ lớn, vỏ tròn, mặt vỏ bóng, màu xanh vàng hay nâu đen, mặt trong hơi tím, số vòng xoắn là 5,5 – 6, các vòng xoắn hơi tròn, rãnh xoắn nông, lỗ miệng vỏ hẹp dài, tháp ốc vuốt nhọn, dài. Vòng xoắn cuối lớn, chiếm 3 – 5/6 chiều cao vỏ, các vòng xoắn trên nhỏ, vuốt nhọn dài. Thành phần thịt của ốc có khoảng 50% là nước, 4% protid mà chủ yếu là keratin và collagen. Trong Đông y, ốc có tính hàn nên dùng để giải nhiệt, giải độc, giải rượu.
Ốc nhồi sinh sống ở nơi ẩm thấp như ao hồ, ruộng nước. Ốc nhồi ăn lá non, bùn non (các vi sinh vật trong bùn non). Chúng phát triển mạnh vào đầu mùa mưa, nhất là sau cơn mưa khi trời hửng nắng ốc thường bò lên bờ ruộng nhiều. Khi di chuyển, ốc mở nắp vỏ, xòe làm cơ bụng dạng lưỡi uyển chuyển trên nền đáy hoặc trên vách giá thể, khi di chuyển ốc tiết ra một lớp nhầy giảm ma sát. Trong lúc di chuyển đầu ốc nhô ra, thủy miệng ở giữa, bên trái là ống xiphong hút lớn thông với xoang phổi, bên phải là ống xiphong thoát bé thông với xoang mang. Đôi khi ốc thải phân và bọt khí qua ống thoát ra ngoài. Khi ốc nổi từ từ lên mặt nước thì ống hút nhô lên, mở rộng miệng ống ra để lấy không khí dự trữ vào khoang áo.
Ốc sinh sản chủ yếu vào tháng 5. Ốc nhồi là một trong ba loại ốc đồng phổ biến ở vùng Nam bộ Việt Nam.
Những năm trở lại đây, ốc nhồi trở thành đặc sản và ngày càng khan hiếm ngoài môi trường tự nhiên. Việc nuôi ốc nhồi đã trở thành mô hình nuôi thủy sản mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người nuôi có nguồn lãi lớn và ổn định. Theo người dân, ốc nhồi dễ nuôi, đầu tư ít tuy nhiên lợi nhuận thu về cao. Cụ thể, tại tỉnh Hậu Giang, người dân đã chỉ dẫn nhau cách nuôi ốc nhồi để tăng thu nhập. Theo một hộ nông dân nuôi ốc nhồi ở ấp Phú Trí A (xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), thì chỉ riêng chợ xã Phú Hữu đã có 5 điểm thu mua ốc. Còn về con giống, nếu người chưa có ốc giống có thể tìm mua, chia sẻ ở một số hộ đã từng nuôi ốc giống trước đó. Nuôi 1 kg ốc giống sau 6 tháng, có thức ăn đầy đủ có thể thu được 15 – 20 kg ốc thịt, hiệu quả rất cao. Hơn nữa sau một vụ nuôi ốc, người nuôi có thể thu lấy trứng ốc và tự nhân ra ốc giống để nuôi tiếp cho vụ sau.
Tại TP Cần Thơ, nhiều cơ sở, trang trại sản xuất ốc nhồi giống chất lượng đang ngày một phát triển, phục vụ cho nhu cầu của người nuôi trong vùng và các tỉnh lân cận. Trong số đó phải kể đến cơ sở Mười Khương. Chủ nhân trại nuôi ốc nhồi là anh Nguyễn Hoàng Khương, phường Thới Hòa, quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Anh Khương cho biết: “Tôi chỉ có xấp xỉ 300.000 con ốc nhồi bố mẹ, nên ốc giống luôn bị cháy hàng, do người nuôi đặt hàng quá lớn. Thời gian trứng ốc nở thành ốc con chỉ khoảng 30 – 35 ngày, giá bán hiện nay là 350 – 400 đồng/mỗi ốc con, tùy thuộc số lượng người mua nhiều hay ít”. Năm 2019, từ nguồn ốc nhồi giống, anh Khương đã thu về trên 300 triệu đồng/năm. Sắp tới anh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích ương ốc giống lẫn nuôi ốc thương phẩm. Ngoài việc bán ốc giống, các trang trại ốc còn hợp đồng tư vấn kỹ thuật nuôi, kỹ thuật xây dựng các ao nuôi, các vấn đề có liên quan đến việc chăm, nuôi ốc, giúp những người mới bắt đầu có thể an tâm làm giàu. Chính vì lý do dễ chăm, dễ nuôi mà giá thành cao, nên tiềm năng cung ứng ốc nhồi rất lớn, cung không đủ cầu.
Không chỉ ở khu vực miền Nam, tại miền Bắc, theo Chi cục Thủy sản Hải Dương, hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã có hàng trăm hộ nuôi ốc nhồi, từ những diện tích vùng trũng cấy lúa bấp bênh. Với mô hình nuôi ốc này, cho thu nhập gấp từ 6 – 7 lần so trồng lúa và sau có thể gấp đến 10 lần. Ốc sinh trưởng, phát triển tốt, dễ nuôi và phù hợp với đồng đất ở nhiều địa phương. Thị trường tiêu thụ ốc rất lớn, thu nhập cao cho người nuôi. Thời gian tới, Sở NN&PTNT tỉnh sẽ làm đề tài nghiên cứu khoa học về giống ốc này, để có hướng dẫn kỹ thuật nuôi cụ thể cho các hộ dân.
Nguyễn An