(TSVN) – Sáng 21/02/2024, Cục Thủy sản tổ chức Hội thảo Hướng dẫn thực hiện triển khai “Hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử”. Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản chủ trì hội thảo. Tham dự trực tuyến có các điểm cầu thuộc Chi cục Thủy sản, cảng cá 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển.
Đây là lần thứ 3 Cục Thủy sản tổ chức buổi làm việc với các đơn vị, Chi cục Thủy sản, cảng cá về các khuyến nghị của EC liên quan tới thẻ vàng, từ đó giúp các địa phương khắc phục những tồn tại, hạn chế; đồng thời triển khai đồng bộ việc quản lý các đội tàu, minh bạch nguồn gốc thủy sản khi về bến. Theo thống kê, hiện cả nước có 4.375 tàu trên 15 m mất kết nối hành trình VMS, 15.198 tàu cá chưa đăng ký theo địa phương.
Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chủ trì hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết: Một trong những khuyến nghị của EC đối với chúng ta đó là phải minh bạch trong việc kiểm soát tàu cá và sản lượng khai thác lên bến. Chính vì thế trong thời gian vừa qua, với sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU, Cục Thủy sản đã nỗ lực cùng các đơn vị tư vấn hoàn thiện hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử. Trong phần mềm này, có tất cả các thành phần tham gia trong chuỗi gồm: tàu cá, ngư dân, các cảng cá, đồn biên phòng nơi chịu trách nhiệm kiểm soát tàu ra vào, các Chi cục Thủy sản, nhà máy. Phần mềm được thiết kế sao cho mỗi một con tàu khi xuất bến, hoạt động trên biển, cập cảng đều được đăng ký và kiểm soát, đảm bảo minh bạch, tuân thủ theo quy định của Luật Thủy sản.
Ngay từ tháng 1 năm 2024, Cục Thủy sản đã có văn bản gửi các địa phương tổ chức triển khai thực hiện phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử, mời tập huấn trực tiếp và trực tuyến 3 lần. Trong đó, các chuyên gia của Cục Thủy sản đã hướng dẫn cặn kẽ chi tiết cách sử dụng và thực hành phần mềm đến tất cả các địa phương bao gồm đại diện các cảng cá, ngư dân, Chi cục Thủy sản, đại diện các nhà máy thu mua nguyên liệu chế biến. Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân mong rằng với sự nỗ lực của trung ương, các địa phương và các đơn vị sẽ cùng chung tay, thực hiện quyết liệt hơn để phần mềm được triển khai một cách tốt nhất.
Việc sử dụng phần mềm VMS giám sát hành trình tàu cá vẫn gặp một số khó khăn. Ảnh minh họa. Nguồn: Shutterstock
Thời gian mà thanh tra EC sang Việt Nam đang tới rất gần, trong khi khối lượng công việc cần thực hiện rất nhiều. Từ nay đến ngày 20/3, các địa phương cần phải báo cáo về Cục Thủy sản số liệu các tàu mất kết nối, các tàu vị phạm, sau đó Cục sẽ tổng hợp báo cáo với EC. Đáng chú ý, Cục Thủy sản sẽ lựa chọn các tỉnh yếu kém cử chuyên gia xuống tận nơi hướng dẫn, kiểm tra, giúp các địa phương này chuẩn bị tốt nhất khi EC lựa chọn thanh tra ngẫu nhiên.
Ông Vũ Duyên Hải, Trưởng phòng Khai thác thủy sản, Cục Thủy sản cho rằng để đạt được mục tiêu tất cả sản phẩm khai thác đều được truy xuất thì chỉ có cách thực hiện phần mềm VMS, khó ở đâu sẽ cùng gỡ ở đó, để làm sao các cảng đều triển khai được phần mềm. Cần xử lý vi phạm, xử phạt thật nghiêm các tàu mất kết nối. Ngoài ra, ông Hải cũng nêu một số nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt cần thực hiện không chỉ tới khi gỡ được thẻ vàng mà sẽ cần triển khai lâu dài, đó là: Theo dõi, giám sát vị trí từng tàu cá không đủ điều kiện hoạt động, đặc biệt tàu từ 15 m trở lên mất kết nối VMS trên 6 tháng; Cập nhật danh sách tàu cá nguy cơ cao vi phạm IUU trên hệ thống VMS hàng tuần theo quy định; Thực hiện kiểm tra, kiểm soát tàu ra, vào cảng, thu nộp nhật ký khai thác, giám sát sản lượng thực hiện.
Cùng dự Hội thảo còn có 28 điểm cầu trực tuyến thuộc Chi cục Thủy sản, cảng cá 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển. Đại diện Chi cục Thủy sản Quảng Ninh cho biết, để kiểm soát hoạt động của đội tàu đánh bắt trên biển, từ tháng 1/2023, Sở NN&PTNT Quảng Ninh đã phối hợp các đơn vị Công nghệ thông tin chạy thử nghiệm phần mềm quản lý tàu cá và khai thác thủy sản. Với ứng dụng cài đặt trên điện thoại thông minh, mỗi chủ tàu cá hoạt động tại vùng khơi có thể thao tác với 35 trường dữ liệu, từ dữ liệu đăng ký, đăng kiểm của tàu, gửi thủ tục rời cảng, cập cảng đến cơ quan quản lý tới việc theo dõi hành trình, ghi nhật ký khai. Những thông tin này được lưu trữ và kết nối đồng bộ với Văn phòng quản lý tại cảng.
Liên quan đến việc sử dụng phần mềm VMS giám sát hành trình tàu cá, đại diện Chi cục Thủy sản Bình Thuận bày tỏ một số khó khăn cần khắc phục. Hiện nay, đa phần ngư dân chưa được trang bị điện thoại thông minh nên việc sử dụng và cập nhật phần mềm còn chậm. Hơn nữa, kết nối mạng chập chờn cũng làm gián đoạn thông tin. Do vậy, rất cần có phương án phù hợp để hỗ trợ ngư dân giúp họ nhận thức và thực hành tốt các quy định của việc khai thác thủy sản đúng luật.
Kết luận Hội nghị, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho rằng: Để phần mềm VMS hiệu quả thì cần có thêm những hướng dẫn, tập huấn giúp các thành viên cài đặt cơ bản nắm rõ. Tuy nhiên, trong quá trình làm với công nghệ điện tử vẫn phát sinh những khó khăn nhất định. Hiện Cục đã có đường dây nóng để các địa phương khi có khó khăn thì có thể liên lạc. Thời gian tới, Cục Thủy sản sẽ làm việc với lực lượng biên phòng nơi gác tàu ra tàu vào, bởi đây là lực lượng trực tiếp, có thể giúp người dân cài đặt phần mềm, đơn giản hóa quá trình báo cáo.
Thùy Khánh