(TSVN) – Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã tác động không nhỏ tới nghề đánh bắt cá bằng chim cốc tại Nhật Bản – vốn là một Di sản văn hóa vật thể dân gian của xứ sở mặt trời mọc.
Từ thời xa xưa, ngư dân Nhật Bản đã sử dụng chim cốc để bắt cá Ayu. Nghệ thuật đánh bắt này được người dân địa phương gọi là “Ukai”. Phương pháp này từng rất phổ biến ở Nhật Bản và Trung Quốc. Nhưng ngày nay, Ukai chủ yếu chỉ nhằm mục đích biểu diễn cho khách du lịch tại sông Nagara, tỉnh Gifu.
Du khách thưởng thức nghệ thuật Ukai trên sông Nagara. Ảnh: REUTERS/ Kim Kyung-Hoon
Cá Ayu là thức ăn yêu thích của chim cốc. Tuy nhiên, tình trạng biến đổi khí hậu đã tác động đến môi trường sống và quá trình phát triển của loài cá “vua săn mồi” này tại Nhật Bản. Sinh khối cá Ayu ngày càng bị thu hẹp, đe dọa tới sự sinh trưởng của chim cốc.
Thành quả thu được sau một “trận đi săn” của chim cốc. Ảnh: REUTERS/ Kim Kyung-Hoon
Giáo sư Morihiro Harada, Đại học Gifu đã đến sông Nagara ở Mino, tỉnh Gifu, Nhật Bản để thu thập nguồn nước và phân tích DNA của cá Ayu. Ông nhận thấy nhiệt độ ở sông Nagara đã tăng lên 30 độ C (86 độ F). Mức nhiệt cao như vậy đã làm chậm quá trình sinh sản của cá Ayu.
Cũng theo ông, loại tảo sống trên các tảng đá lớn giữa sông Nagara là thức ăn chính của cá Ayu; tuy nhiên, việc xây dựng các công trình chống lũ lụt đã làm suy giảm nguồn thức ăn này.
Nghệ nhân Youichiro Adachi, thế hệ thứ 18 trong gia đình có truyền thống đánh cá bằng chim cốc, bày tỏ “Tôi thực sự lo lắng cho tình trạng khan hiếm cá như hiện nay. Sự thay đổi thất thường của thời tiết, những trận mưa lớn và lũ lụt đột ngột đã làm ảnh hưởng đến các hoạt động đánh bắt cá trên sông”.
Ông Youichiro Adachi là một nghệ nhân Ukai. Ảnh: REUTERS/ Kim Kyung-Hoon
Ngoài ra, các hoạt động du lịch liên quan đến nghề bắt cá bằng chim cốc tại Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng. Để hỗ trợ ngành du lịch của tỉnh, Cơ quan phát triển kinh tế ORGAN đã cho xây dựng các đài quan sát trên cao dọc bờ sông, để du khách có thể dễ dàng chiêm ngưỡng nghệ thuật bắt cá bằng chim cốc.
>> Ukai là phương pháp đánh cá truyền thống cổ xưa nhất tại Nhật Bản, với lịch sử 1.300 năm. Nắm bắt được khả năng lặn sâu đến 10 m và tập tính bắt cá không nuốt ngay mà phải ném lên mặt nước rồi mới thưởng thức con mồi của chim cốc, ngư dân Nhật Bản đã thuần hóa chúng để bắt cá. Với Ukai, thông thường 1 đội quân chim cốc ra khơi gồm 10 con, cổ được buộc dây thừng để ngư dân trên thuyền điều khiển việc bắt cá.
Một số hình ảnh của “hành trình” bắt cá Ayu bằng chim cốc trên sông Nagara:
Thuyền đánh cá bằng chim cốc trên sông Nagara. Ảnh: REUTERS/Kim Kyung-Hoon
Ông Adachi chuẩn bị dây để buộc chim cốc trước khi thả chúng xuống nước.
Ảnh: REUTERS/Kim Kyung-Hoon
Chim cốc thả con mồi sau khi bắt được. Ảnh: Manichi
Ông Adachi cho du khách xem vết cắt của mỏ chim cốc để lại trên thân cá Ayu.
Ảnh: REUTERS/Kim Kyung-Hoon
Ông Adachi cho chim cốc ăn sau khi “người lính” này hoàn thành nhiệm vụ.
Ảnh: REUTERS/Kim Kyung-Hoon
Ngọc Minh
(Theo Reuters)