(TSVN) – Tại Hội nghị thượng đỉnh về thủy sản bền vững Tokyo (TSSS) lần thứ 10 do Seafood Legacy và Nikkei ESG tổ chức tại Tokyo ngày 8 – 10/20/2024, các chuyên gia trong ngành và doanh nghiệp Nhật Bản kêu gọi hợp tác để ngăn chặn nhập khẩu hải sản khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát (IUU).
TSSS là sự kiện thường niên của Nhật Bản nhằm mục tiêu phát triển nghề cá bền vững. Sự kiện năm nay đặc biệt chú trọng các biện pháp cấm vận nhằm chặn đứng thị trường tiêu thụ của các sản phẩm khai thác trái phép (IUU). Ông Sotaro Usui, Giám đốc công ty thủy sản Usufuku Honten có trụ sở tại thành phố Kesennuma, tỉnh Miyagi, một trong những địa phương dẫn đầu về nghề khai thác cá ngừ đại dương, đã kêu gọi nhiều cơ quan và ban ngành thắt chặt hợp tác để ngăn chặn nhập khẩu sản phẩm IUU. Sally Yozell, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Stimson, một tổ chức tư vấn của Mỹ, đã giới thiệu tiến trình thực hiện các biện pháp cấm vận mà Mỹ đang áp dụng để ngăn chặn IUU.
Theo ông Usui, số lượng tàu cá IUU rất đông đảo và cá ngừ nuôi trái phép – sản phẩm nằm trong danh sách hàng cấm ở châu Âu, lại đang được phân phối ở Nhật Bản. Nghịch lý này cho thấy Nhật Bản đang “tiếp tay” cho hoạt động khai thác thủy sản IUU của thế giới. Ông Usui cũng khẳng định, việc nhập khẩu các sản phẩm IUU giá rẻ đã khiến giá các loại cá ngừ hợp pháp bị sụt giảm đáng kể từ năm ngoái. Không ít hãng khai thác cá ngừ hợp pháp đã nản chí và cho rằng, càng tuân thủ nghiêm túc các quy định quản lý nguồn lợi cá ngừ của tổ chức quốc tế, thì họ càng kiệt sức và đối diện nguy cơ phá sản.
Ông Usui kêu gọi xây dựng Đạo luật tối ưu hóa phân phối nghề cá, trong đó cấm mua và bán các sản phẩm không chứng minh được nguồn gốc khai thác hợp pháp. Ông nhấn mạnh, chỉ có 4 loài cá nhập khẩu, gồm cá mòi châu Âu, cá thu đao Thái Bình Dương, mực ống và cá thu mackerel đang được quản lý theo Đạo luật này. Trong khi đó, châu Âu và Mỹ đưa đạo luật tương tự vào quản lý phần lớn cá nhập khẩu. Usui nêu quan điểm, Nhật Bản siết chặt quản lý ngư dân nhưng quá ‘nhẹ tay’ với các nhà phân phối nên chúng ta cần thực thi một đạo luật nghiêm khắc và công bằng giống như châu Âu và Mỹ.
Bà Yozel giải thích Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản (SIMP) được Mỹ thực thi từ năm 2018. Ban đầu, Mỹ chỉ đưa một số loài cá vào hệ thống SIMP, chiếm tỷ lệ 40% thủy sản nhập khẩu của cả nước. Tuy nhiên, sau nhiều phiên thảo luận và tiếp thu ý kiến đóng góp từ chuyên gia cũng như doanh nghiệp, Mỹ đã tăng cường số hóa dữ liệu, mở rộng phạm vi sản phẩm và biện pháp giám sát IUU cũng như vấn đề lạm dụng lao động để nâng cao giám sát các sản phẩm thủy sản nhập khẩu.
Dũng Nguyên
Theo Seafoodnews