(TSVN) – Chiến lược xuất khẩu thủy sản của Nhật Bản đang mang lại hiệu quả với khối lượng xuất khẩu tăng 27% trong nửa đầu năm 2021.
Ngày 3/8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản Kotaro Nogami đã báo cáo trong một cuộc họp báo trực tuyến rằng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và thực phẩm của Nhật Bản đã tăng 31,6% trong 6 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm ngoái, lên 577,3 tỷ JPY (5,2 tỷ USD), mức cao nhất từ trước đến nay trong nửa đầu năm.
Vị Bộ trưởng không đưa ra con số cụ thể, nhưng số liệu thống kê thương mại của Bộ Tài chính cho thấy xuất khẩu cá và các chế phẩm từ cá trong nửa đầu năm 2019 – trước ảnh hưởng kinh tế của đại dịch – đạt giá trị 115,8 tỷ JPY (1,05 tỷ USD). Trong năm 2020, giá trị đã giảm khoảng 18% xuống còn 95,4 tỷ JPY (860 triệu USD). Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2021, giá trị đã tăng lên 121,5 tỷ JPY (1,1 tỷ USD), vượt qua mức trước COVID-19 gần 5% và tăng 27% so cùng kỳ 2020.
Ba đối tác thương mại – Hồng Kông, Trung Quốc và Mỹ – chiếm gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy, hải sản của Nhật Bản. Các sản phẩm chính của quốc gia này là sò điệp, ngọc trai nuôi, cá đuôi vàng, hải sâm chế biến, cá thu và cá ngừ (bao gồm cả cá ngừ vằn). Các sản phẩm này chiếm khoảng một nửa trong tổng số hàng xuất khẩu trong danh mục. Ngọc trai nuôi cấy chiếm khoảng 11,5% .
Giá trị 6 tháng đầu năm 2021 đối với sò điệp đông lạnh là 79,8 tỷ JPY (720 triệu USD), tăng 2,67 lần so cùng kỳ năm 2020 và 3,6 lần so năm 2019. Việc xuất khẩu bị kìm hãm vào năm ngoái khiến sò điệp dư thừa và được xuất đi trong năm nay với giá hấp dẫn, cùng lúc đó người tiêu dùng nội địa Nhật Bản cũng đã được thưởng thức sò điệp với giá rẻ hơn. Sò điệp Nhật Bản chủ yếu được xuất sang thị trường Trung Quốc. Mặc dù quốc gia này cũng sản xuất sò điệp, nhưng các loài được nuôi ở Nhật Bản thường lớn và phù hợp để bày biện hơn.
Giá trị xuất khẩu cá cam đuôi vàng đông lạnh trong nửa đầu năm 2021 đạt 8,4 tỷ JPY (76 triệu USD), phục hồi tới 98% giá trị so cùng kỳ năm 2019. Hồng Kông và Trung Quốc là những nhà nhập khẩu chính, trong khi đó Mỹ không còn nằm trong số 20 nhà nhập khẩu hàng đầu.
Hải sâm đông lạnh, khô, ướp muối, ngâm nước muối hoặc hun khói đã giảm gần 50% từ nửa đầu năm 2019 đến nửa đầu năm 2020 và giữ ở mức đó trong nửa đầu năm 2021 với giá trị 1,2 tỷ JPY (10,8 triệu USD), cao hơn chỉ 4% so với cùng kỳ năm 2020 và chỉ bằng 52% giá trị so cùng năm 2019. Dẫn đầu vẫn là thị trường Trung Quốc, nơi loài này được cho là có giá trị y học như một loại thuốc bổ thận và là một mặt hàng quà tặng sang trọng. Nhật Bản sản xuất loài Apostichopus japonicus, loài được ưa chuộng nhất ở Trung Quốc. Các khu vực sản xuất chính là Hokkaido và Aomori.
Xuất khẩu cá thu đông lạnh tương đối ổn định. Giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2021 là 1,5 tỷ JPY (13 triệu USD), cao hơn 13% so cùng kỳ năm 2020 và 1% so năm 2019. Các thị trường chính của cá thu là Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan, và một số các nước châu Phi – đặc biệt là Nigeria, Ai Cập và Ghana – cũng đã nhập khẩu một lượng lớn cá thu cỡ nhỏ trong những năm gần đây. Còn trong nửa đầu năm 2021, Việt Nam và Ai Cập là những nhà nhập khẩu chính. Đồng thời, Nhật Bản cũng nhập khẩu cá thu cao cấp từ Na Uy.
Đối với cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương, Nhật Bản xuất khẩu chủ yếu ở dạng tươi sống/ướp lạnh. Sản lượng bán ra trong nửa cuối năm 2020, đặc biệt là giai đoạn đầu năm mới, cao hơn nửa đầu năm nay. Giá trị xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2021 là 95 triệu JPY (850.000 USD), tăng 92% so cùng kỳ năm 2020 và 15% so với giá trị trong nửa đầu năm 2019. Cho đến nay, Trung Quốc là thị trường lớn nhất, tiếp theo là Hồng Kông, Thái Lan, Mỹ và Nga.
Các lô hàng xuất khẩu thủy sản đến Mỹ trị giá 8,3 triệu JPY (75.000 USD), chỉ bằng 22% giá trị nửa đầu năm 2020 và 23% giá trị nửa đầu năm 2019. Sự suy giảm là do lệnh đóng cửa các nhà hàng bắt đầu ở California vào tháng 5/2020 và được áp dụng rải rác trên khắp đất nước kể từ đó.
Đáng chú ý là tỷ trọng thị trường Mỹ trong xuất khẩu thủy sản nói chung của Nhật Bản là không đáng kể so với Trung Quốc, Hồng Kông và các điểm đến Đông Nam Á. Mặc dù thị phần còn nhỏ nhưng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng đã có lượng nhập khẩu sushi đáng kinh ngạc, điều này thể hiện sự giàu có và nhu cầu các món ăn xa xỉ cũng như vai trò trung tâm vận tải, phân phối và du lịch ở Trung Đông.