Thời gian gần đây do lợi nhuận từ nuôi nhuyễn thể khá lớn, nên số diện tích nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển ồ ạt so với trước, khiến nguồn cung giống trở nên khan hiếm. Nhiều hộ nuôi đã sử dụng giống không đảm bảo, ảnh hưởng đến chất lượng nuôi, làm phát sinh dịch bệnh.
Người dân xã Bản Sen (huyện Vân Đồn) chuẩn bị xuống giống cho tu hài và ngao vụ nuôi năm 2017.
Nhuyễn thể là loại ăn lọc, thức ăn tự nhiên là chủ yếu, do vậy công nghệ, hạ tầng cơ sở nuôi đơn giản, kỹ thuật nuôi tương đối thấp, chỉ cần thả nuôi, vệ sinh, bảo vệ và tránh trú bão. Hình thức nuôi cũng không quá phức tạp, phần lớn là nuôi treo trên giàn, nuôi đặt lồng bãi triều, đáy biển hoặc nuôi trực tiếp trên bãi triều. Đến hết năm 2016, toàn tỉnh có trên 20.600ha nuôi trồng thuỷ sản, trong đó nuôi nhuyễn thể 4.197ha (tăng 468ha so với năm 2015), sản lượng nuôi đạt 21.800 tấn, năng suất bình quân khoảng 5,2 tấn/ha. Đối tượng nuôi chủ yếu hiện nay của người dân là nghêu, ngao, sò, tu hài, hàu, hà sú. Sản phẩm nhuyễn thể chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, một phần xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. Từ những loài nhuyễn thể này, không ít người đã thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, việc chủ động con giống vẫn đang là bài toán nan giải. Thống kê cho đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh mới có 18 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản, nhưng chỉ có 5 cơ sở sản xuất giống nhuyễn thể. Năm 2015, nhu cầu về giống nhuyễn thể nuôi trong tỉnh lên tới 1.100 triệu con giống, nhưng sản xuất chỉ đạt 175 triệu con; năm 2016 nhu cầu nuôi tăng lên 1.170 triệu con, nhưng sản xuất chỉ được 196 triệu con (tăng chưa đầy 2% so với năm 2016, đáp ứng gần 17% nhu cầu của người nuôi). Sự chênh lệch khá lớn giữa cung và cầu đã khiến cho người nuôi tìm mua con giống tại các tỉnh, thành khác trong nước và một phần lớn nhập giống trôi nổi từ Trung Quốc, dẫn đến rất khó kiểm soát chất lượng.
Không chỉ thiếu trầm trọng về con giống, quy hoạch vùng nuôi cũng là câu chuyện đáng buồn khi nhắc đến nghề nuôi này. Việc các địa phương không có một quy hoạch chi tiết, cụ thể, dẫn đến không đánh giá được sức tải môi trường, mật độ thực vật phù du. Theo các chuyên gia, đối với nuôi nhuyễn thể, chỉ có đánh giá được sức tải môi trường một cách cụ thể, cặn kẽ thì mới có căn cứ quy hoạch đối tượng, mật độ, quy mô nuôi phù hợp, phương án tái sử dụng nguồn cát xốp làm giá thể trong nuôi nhuyễn thể… Bên cạnh đó, cách thức tổ chức sản xuất và trình độ nhận thức của người nuôi còn hạn chế. Một bộ phận người nuôi, sản xuất kinh doanh giống nhuyễn thể chạy theo lợi nhuận trước mắt, không chú trọng đến chất lượng con giống hoặc kinh doanh giống có nguồn gốc không rõ ràng, không tuân thủ quy định của Nhà nước về khuyến cáo mùa vụ, mật độ nuôi, diện tích nuôi. Đây là những nguyên nhân khiến cho việc phát sinh dịch bệnh thường xuyên xảy ra trên đối tượng nuôi nhuyễn thể. Việc phát sinh dịch bệnh một khi đã xảy ra thường trên quy mô lớn, mang đến thiệt hại rất nặng nề. Năm 2012, “cơn bão” mang tên tu hài ở huyện Vân Đồn đã gây thiệt hại đến 150 triệu con giống, với số tiền 200 tỷ đồng. Đầu năm 2016, hàng nghìn tấn ngao sắp đến ngày thu hoạch của người dân ven biển xã Quảng Minh (huyện Hải Hà) chết trắng bãi. Mới đây nhất, tháng 4 vừa qua, hàng trăm cơ sở nuôi hàu ở huyện Tiên Yên cũng rơi vào tình trạng lao đao khi 6.000 tấn hàu bị chết, thiệt hại gần 85 tỷ đồng.
Những con số đáng buồn trên cho thấy, công tác quản lý ở địa phương cũng như ngành chức năng vẫn còn có nhiều khoảng trống. Để phát triển nghề này một cách bền vững, việc nâng cao chất lượng con giống cũng như công tác lập quy hoạch, xúc tiến đầu tư, thông tin tuyên truyền tới các cơ sở sản xuất kinh doanh… cần được các cơ quan chức năng và địa phương thực hiện một cách rốt ráo và đồng bộ. Đặc biệt, các địa phương cần sớm nghiên cứu, thí điểm hình thành tổ giám sát có sự tham gia của cộng đồng (giống nhuyễn thể có chứng từ mua bán hợp pháp, kiểm dịch hoặc chứng minh chất lượng), kết quả giám sát của tổ này có thể được sử dụng là một trong những căn cứ để xác nhận trên bản kê khai sản xuất ban đầu.