THỨ TƯ, ngày 22/1/2025

Nhiều bức xúc vấn đề tôm giống

Chưa có đánh giá về bài viết

Tôm giống vẫn luôn là chủ đề “nóng” của nhiều diễn đàn nuôi tôm, nhất là trong mùa vụ thả nuôi. Hiện nay, mặc dù nhiều địa phương đã rất nỗ lực, thế nhưng vẫn chưa thể giải quyết được, nhất là chất lượng con giống.


Kiểm soát chất lượng tôm giống đến tận ao nuôi là điều rất khó khăn

Tỉnh nào cũng khó

Tại Sóc Trăng, với diện tích thả nuôi tôm nước lợ hàng năm từ 45.000 – 56.000 ha, trong đó diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh chiếm gần 90%, nên nhu cầu con giống là rất lớn. Năm 2018, Sóc Trăng thả nuôi trên 56.000 ha tôm nước lợ với tổng lượng post khoảng 20 tỷ con và dự báo sẽ còn tăng thêm khi các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đang ngày càng phát triển. Thế nhưng, hiện cả tỉnh chỉ mới có một cơ sở sản xuất giống của Công ty CP Việt – Úc vừa mới đầu tư với năng lực sản xuất trong giai đoạn đầu khoảng 5 tỷ post/năm, còn lại trên 100 cơ sở hầu hết chỉ là kinh doanh con giống, 3 cơ sở ương dưỡng. Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng cho biết: “Trước đây, Trung tâm giống vật nuôi của tỉnh cũng có nhập tôm bố mẹ về để sản xuất tôm post. Một vài năm nay chỉ liên kết nhập ấu trùng về ương dưỡng, nhưng lượng post cung ứng ra thị trường rất nhỏ, chủ yếu là nhập từ các tỉnh miền Trung và khu vực ĐBSCL”.

Tại Cà Mau, tuy có gần 800 cơ sở sản xuất tôm giống nước lợ nằm rải rác các huyện ven biển, nhưng phần lớn chỉ sản xuất giống tôm sú với quy mô nhỏ, trang thiết bị, kỹ thuật chưa đảm bảo. Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau chia sẻ: “Do quy mô nhỏ lẻ nên dù số lượng cơ sở nhiều, nhưng mỗi năm lượng tôm sú giống cung ứng tại chỗ chỉ trên 12 tỷ post, còn lại phải nhập từ nơi khác về khoảng 9 tỷ post tôm sú và trên 8 tỷ post tôm thẻ. Mặt khác, do các cơ sở sản xuất tôm giống tại địa phương phân tán trên địa bàn rộng cũng khó khăn cho công tác quản lý về điều kiện cơ sở nên chất lượng tôm post còn hạn chế”.

Tương tự, nhu cầu tôm giống của tỉnh Kiên Giang là rất lớn để phục vụ trên 120.000 ha nuôi tôm cả tỉnh. Theo ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang, toàn tỉnh có 23 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ và 185 cơ sở ương dưỡng giống; trong đó, có 20 cơ sở sản xuất tôm sú, 2 doanh nghiệp sản xuất giống tôm thẻ và 1 cơ sở sản xuất giống tôm càng xanh. Bình quân mỗi năm các cơ sở sản xuất khoảng 5,4 tỷ post tôm thẻ, 345 triệu post tôm sú và 6,5 triệu post tôm càng xanh. Riêng các cơ sở ương dưỡng mỗi năm cung ứng gần 6,9 tỷ post các loại. Nhận định về tình hình sản xuất giống tôm nước lợ, ông Thao cho biết: “Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống của tỉnh hiện chỉ đáp ứng được 30 – 35% nhu cầu về con giống của tỉnh; không chỉ ít về số lượng mà chất lượng giống tốt, giống sạch bệnh cũng còn hạn chế”.

Tăng cường quản lý

Một vài năm gần đây có sự dịch chuyển sản xuất tôm giống vào các tỉnh ĐBSCL như Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng. Tuy nhiên, phần lớn cơ sở vẫn sản xuất tại các tỉnh Nam Trung bộ, vận chuyển Nauplius hoặc Postlava cỡ nhỏ để ương thành tôm giống cung cấp cho nhu cầu thả nuôi của người dân tại khu vực giúp giảm giá thành sản xuất, thích nghi với môi trường, sức khoẻ tôm giống tốt hơn.

ĐBSCL là vùng nuôi tôm trọng điểm của nước, nhưng hầu hết các tỉnh nuôi tôm trong khu vực đều chưa chủ động được nguồn con giống, nhất là giống sạch bệnh, chất lượng tốt, mà chủ yếu dựa vào nguồn cung ứng từ các cơ sở sản xuất tôm giống các tỉnh Nam Trung bộ. Chính vì vậy, việc quản lý, kiểm soát chất lượng tôm giống đến tận ao nuôi là điều rất khó khăn. Ngay như địa bàn tỉnh Sóc Trăng, trong số khoảng 20 tỷ post thả nuôi của năm 2018 chỉ có khoảng 8 tỷ post được giám sát qua công tác phối hợp với các tỉnh, còn lại phần lớn đi trực tiếp về các trang trại hay hộ nuôi.

Trong thời gian qua, quản lý giống tôm nước lợ được Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản và các địa phương quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Hàng năm, Tổng cục đều tham mưu tổ chức Hội nghị về quản lý tôm giống, đồng thời tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo góp phần nâng cao chất lượng giống tôm. Để xử lý triệt để các cơ sở vi phạm, sau mỗi đợt kiểm tra, Tổng cục công khai cơ sở vi phạm trên thông tin đại chúng đồng thời gửi văn bản cho UBND, Sở NN&PTNT các tỉnh/thành phố để chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh tôm giống trên địa bàn.

>> Hiện nay, Tổng cục Thủy sản ủy quyền kiểm tra chất lượng quá trình cho sinh sản, tiêu hủy tôm bố mẹ khi hết thời gian sử dụng cho các địa phương thực hiện. Hàng tháng, Tổng cục đưa thông tin chi tiết các cơ sở nhập khẩu, ngày nhập khẩu, số lượng, nguồn gốc tôm bố mẹ trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục để các cơ sở sản xuất và người nuôi biết.

Mai Trường

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!