(TSVN) – Cá măng là một trong những loài cá biển nuôi truyền thống rất quan trọng ở các nước Đông Nam Á và một số nước ven biển Thái Bình Dương, Trung Mỹ… Loài này có tốc độ sinh trưởng nhanh, dễ nuôi, ít bị bệnh, chi phí đầu tư không cao, phù hợp với người dân vùng ven biển ít vốn.
Cá măng có cơ thể thon dài, nhọn ở 2 đầu, có màu trắng ở bụng, màu xám bạc ở 2 bên lườn, xanh dương thẫm ở phần lưng và xanh ô liu (xanh hơi vàng) ở phần đầu. Cá không có râu, mắt cá lớn miệng nhỏ, không răng, mõm ngắn và rộng. Cá có vây đuôi lớn, màu xanh thẫm, xẻ thùy sâu ở giữa, gốc vây đuôi có 2 vảy đuôi dài. Vây lưng màu xanh ô liu, có vảy bẹ ôm gốc vây. Vây ngực màu vàng, gốc vây có vảy nách, tia vây ngực từ thứ nhất đến thứ 6 dần chuyển sang màu xanh thẫm. Chiều dài thân cá không kể đuôi gấp 3,5 lần chiều cao thân.
Cá măng là một trong số ít loài cá biển rất rộng muối, có khả năng thích nghi cao với môi trường biến động từ ngọt đến mặn, độ muối dao động từ 0 ppt đến lớn hơn 45 ppt. Giai đoạn phôi và cá con sống ở vùng nước lợ, cá trưởng thành đi ra vùng ven biển mặn hoặc vào sinh sống ở vùng nước ngọt ao hồ. Cá con thích nghi tốt hơn với hướng nước ngọt, ngược lại cá trưởng thành thích nghi tốt hơn khi môi trường biến đổi theo hướng nước mặn (Bagarinao, 1994).
Thức ăn của cá măng chủ yếu là phiêu sinh thực vật. Vì vậy, cá có cấu trúc mang với rất nhiều lược mang có tác dụng lọc và tập trung thức ăn. Tuy nhiên, tính ăn của cá măng thay đổi tùy theo điều kiện môi trường, cá bắt đầu kiếm ăn vào khoảng 80 giờ sau khi nở, ăn con mồi sống kích thước nhỏ trong tầm nhìn như Rotifer, Moina, Artermia. Giai đoạn cá bột chủ yếu ăn động vật bộ Thân giáp (copepod) và tảo Silic (diatom), đây là nhóm mồi phù hợp với kích cỡ miệng khoảng 1 mm (Kinoshita, 1981). Cá có tập tính ăn ban ngày vào lúc 7 giờ và 13 giờ. Sau 3 tuần tuổi, cá măng có đặc tính ăn các loại tảo lam, tảo lục, tảo khuê và giáp xác, ấu trùng côn trùng, giun đất; mùn bã hữu cơ làm thức ăn chủ yếu nên góp phần giải quyết các chất cặn bã tiềm ẩn trong ao nuôi, giúp cải thiện và đảm bảo tính ổn định về môi trường. Ngoài ra, trong điều kiện nuôi, cá măng cũng có thể thích nghi và sử dụng tốt các thức ăn nhân tạo như thức ăn công nghiệp dạng viên hạt hay thức ăn tự chế biến.
Cá măng trong tự nhiên là loài rộng muối, ít bệnh, phân bố cả ở đại dương và sâu trong vùng nước ngọt nội địa (Therezien, 1976) nên trong kỹ thuật nuôi, cá dễ thích nghi với các điều kiện khác nhau như lồng bè, ao cạn nước lợ, vũng vịnh độ mặn cao, ao hồ nước ngọt. Cá hiện được nuôi rất phổ biến ở các quốc gia Philippines, Indonesia và Đài Loan, là một trong những đối tượng có khả năng cung cấp nguồn thực phẩm chất lượng cho nhu cầu dinh dưỡng của con người (Bagarinao, 1994). Ở Việt Nam, cá măng phân bố ở vùng biển Đông vịnh Bắc Bộ và vùng biển miền Trung, thường gặp nhiều nhất ở Bình Định. Cá măng là nguồn thực phẩm khai thác tự nhiên, có mặt lâu đời của cư dân ven biển miền Trung, tuy nhiên nguồn lợi từ những năm 1980 đã ngày càng trở nên rất khan hiếm. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nghề nuôi tôm nước lợ, cá măng giống theo nguồn nước, dần xuất hiện trong các ao nuôi tôm, trở thành sản phẩm thu hoạch phụ có giá trị. Nhận thấy cá măng ngoài vai trò cung cấp thực phẩm, còn là đối tượng có khả năng cải thiện chất lượng nước ao nuôi rất tốt; nhiều hộ nuôi đã chủ động thả ghép cá măng với tôm và cua xanh, cho hiệu quả kinh tế cao.
Tại Quảng Ngãi, năm 2021, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai mô hình nuôi thử nghiệm ốc hương ghép với cá măng, cá dìa trong ao. Qua 7 tháng nuôi, ốc hương, cá măng và cá dìa sinh trưởng, phát triển tốt, lãi trung bình từ 160 – 340 triệu đồng/ao (2.000 m2). Mô hình giúp giảm thiểu ô nhiễm hữu cơ, tạo cân bằng sinh học trong môi trường ao nuôi. Đồng thời còn góp phần khai thác hiệu quả tầng nước trong ao nuôi, tăng thu nhập cho hộ nuôi. Hay tại Sóc Trăng, cá măng hiện đang được triển khai nuôi kết hợp với tôm sú tại thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề trong khuôn khổ dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm sú (Penaeus monodon) kết hợp với các đối tượng có giá trị kinh tế cao (cá đối mục, cá măng) theo hướng bền vững tại khu vực ven biển tỉnh Sóc Trăng”. Dự án đã nghiệm thu và sắp tới sẽ hoàn thiện và chuyển giao cho người dân. Thành công bước đầu này, đã mở ra hướng đi mới cho sự lựa chọn những mô hình phát triển đa dạng đối tượng NTTS của người dân Sóc Trăng, góp phần phát triển kinh tế gia đình.
>> Trong những năm gần đây, cá măng là đối tượng nuôi mới, được nuôi thử nghiệm ở một số tỉnh ven biển với hình thức nuôi quảng canh; nuôi ghép trong các ao nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, nhằm góp phần làm sạch môi trường, giảm rủi ro về bệnh cho tôm, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Diệu Châu
Con giống o đâu vậy ad
Mình cần con giống để nuôi