Sáng 26/9, tại Viện Công nghệ sinh học, Đại học (ĐH) Huế diễn ra Hội thảo khoa học của Chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để tạo sản phẩm sử dụng trong phòng trị một số bệnh ở tôm, cá nuôi tại tỉnh Thừa Thiên Huế”.
PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải, Viện Trưởng Viện Công nghệ sinh học, ĐH Huế phát biểu tại hội thảo
Theo đại diện Viện Công nghệ sinh học, ĐH Huế, ngày 15/1/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra quyết định 154/QĐ-BGDĐT phê duyệt chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để tạo sản phẩm sử dụng trong phòng trị một số bệnh ở tôm, cá nuôi tại tỉnh Thừa Thiên Huế” với 7 nhiệm vụ nghiên cứu và 1 nhiệm vụ quản lý do ĐH Huế là đơn vị chủ trì; Viện Công nghệ sinh học, ĐH Huế là đơn vị thực hiện.
Qua 2 năm triển khai, khắc phục các khó khăn ảnh hưởng do dịch COVID-19, đến nay, chương trình đã đạt được các kết quả đáng khích lệ, đạt và vượt yêu cầu theo thuyết minh đặt ra. Đến thời điểm hiện nay, chương trình cho ra báo cáo hoàn chỉnh điều tra về tình hình nhiễm bệnh trên tôm, cá nuôi tại tỉnh Thừa Thiên Huế, xuất bản được 5 bài báo quốc tế, trong đó có 3 bài trên danh mục ISI/Scopus; 10 bài báo trên các tạp chí uy tín trong nước, hỗ trợ hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh, đào tạo 4 thạc sĩ, 12 quy trình công nghệ và 6 sản phẩm ứng dụng.
Các sản phẩm ứng dụng ra đời từ các nghiên cứu là: “Kit chẩn đoán vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus”; “Kháng thể Vibfish phòng trị bệnh xuất huyết lở loét do vi khuẩn Vibrio gây ra ở cá”; “Chế phẩm Wesialla”; “Chế phẩm kháng thể phòng trị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm (Anti-AHPND)”; “HU-GANTOMIX thảo dược công nghệ mới, tăng cường chức gan tôm, cá” và “AHPND – multiplex PCR kit”.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ 12 báo cáo chuyên đề liên quan đến các nghiên cứu thuộc chương trình khoa học và công nghệ trên.