Nhiều triển vọng nuôi thương phẩm cá leo

Chưa có đánh giá về bài viết

Cá leo là đối tượng nuôi có giá thương phẩm cao, nhanh lớn, thời gian nuôi ngắn, thích nghi tốt điều kiện sinh thái các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Nam Trung bộ.

Đặc điểm sinh học

Cá leo là một loài cá da trơn thuộc họ Siluridae, bộ Siluriformes. Chúng phân bố rộng ở Nam, Đông Nam châu Á, tập trung tại các nước: Pakistan, India, Sri Lanka, Nepan, Banglades, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia và Việt Nam.

Ở các thủy vực tự nhiên, cá leo thường sống trong hang dọc những con sông, hồ, bể lớn. Cá có thể sống cả ở nước ngọt và nước lợ. Nhiệt độ thích hợp nhất để cá leo sinh trưởng là từ 20 – 250C. Cá leo là loài có kích thước lớn, trong thủy vực tự nhiên, ở giai đoạn trưởng thành cá có thể đạt kích thước 80 – 200 cm chiều dài, thông thường 70 – 80 cm. Cá có thân thon dài, dẹp hai bên. Đầu dẹp bằng, ngắn. Miệng rất rộng và không co duỗi được, rạch miệng kéo dài qua khỏi đường thẳng đứng kẻ từ bờ sau của mắt. Răng hàm bén nhọn. Có hai đôi râu: râu mép dài đến gốc vi hậu môn, râu hàm kéo dài đến gốc miệng.

Mắt nhỏ, hình bầu dục. Lỗ mang rộng, màng mang không dính với eo mang. Có 28 – 36 lược mang trên cung mang thứ nhất. Thân và đầu không có vẩy. Đường bên bắt đầu từ sau bờ trên lỗ mang và chấm dứt ở điểm giữa của vây đuôi. Gốc vây hậu môn rất dài và tách hẳn vây đuôi. Vây lưng nhỏ, tia vây lưng thứ nhất dài bằng hai lần tia vây lưng thứ hai. Vây đuôi chẻ hai, rãnh vây đuôi sâu. Mặt lưng của thân và đầu cá có màu xám đen, ánh xanh lá cây và nhạt dần xuống phần bụng. Bụng cá màu trắng bạc. Vây đuôi, vây hậu môn, vây ngực cá màu xám đen.

Cá leo là loài cá dữ, trong quá trình sống và phát triển, chúng sử dụng cá, nhuyễn thể, mùn bã hữu cơ, động vật nguyên sinh, thực vật nguyên sinh làm thức ăn, trong đó cá là thức ăn chủ yếu chiếm đến 94,04%.

Tiềm năng nuôi trồng

Cá leo là loại cá nước ngọt có kích thước lớn, giàu giá trị dinh dưỡng, chất lượng thịt thơm ngon, được rất nhiều người ưa thích. Cá có tốc độ tăng trưởng nhanh, sau 6 tháng nuôi cá đạt cỡ 0,7 – 1 kg. Hiện nay giá bán trên thị trường khoảng 100.000 – 130.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với một số đối tượng cá truyền thống.

Cá leo phát triển tốt khi trong ao, hồ, lồng, bè, có thể là đối tượng nuôi thay thế cho cá tra, cá basa. Mật độ nuôi trong ao từ 3 – 5 con/m2 là tốt nhất. Để tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có trong ao có thể nuôi ghép cá leo với một số đối tượng như cá rô phi hoặc cá tra để tăng năng suất trên một đơn vị diện tích nuôi.

Cá leo là loài cá dữ, thức ăn của chúng chủ yếu là động vật, trong quá trình nuôi thương phẩm tận dụng được nguồn cá tạp làm thức ăn, hệ số chuyển đổi thức ăn 3,5 – 4. Ngoài ra có thể sử dụng thức ăn tự chế với hàm lượng đạm từ 30 – 35%, hệ số chuyển hóa thức ăn 1,7 – 2,2%. Cá leo có sức đề kháng với bệnh tốt, trong quá trình nuôi thương phẩm yêu cầu kỹ thuật nuôi không quá phức tạp, bệnh thường gặp trên cá leo chỉ là các bệnh ký sinh trùng trên da nên rất dễ chữa trị, ít tốn kém và ít rủi ro trong quá trình nuôi. Tỷ lệ sống khá từ 50 – 65%. Năng suất ước đạt 15 tấn/ha/vụ.

>> Năm 2008, Trung tâm Giống thủy sản An Giang phối hợp với khoa Thủy sản – Đại học Cần Thơ đã cho sinh sản nhân tạo và ương nuôi thành công giống cá leo. Đến nay, cá leo là đối tượng sản xuất chính của Trung tâm, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng triệu con cá bột.

 

Gia Phong

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!