Theo ông Tạ Minh Phú, Chủ tịch Hội Thủy sản tỉnh Bạc Liêu, hiện, tại tỉnh này, tôm nuôi nhiều nơi đang bị chết. Nguyên nhân chính là do tình trạng nắng nóng kéo dài và chênh lệch nhiệt độ trong ao nuôi có thể lên tới 10 độ C, kèm với đó là dịch bệnh ở tôm chứ không phải là do tình trạng xâm nhập mặn gây ra. Xâm nhập mặn hiện đang ảnh hưởng nặng nề nhất đến cây lúa.
Cùng quan điểm này, ông Võ Đông Đức, Giám đốc Công ty Đầu tư công nghệ Dr.BO cho rằng, xâm nhập mặn ít ảnh hưởng đối với con tôm. Bởi, đây là đối tượng có khả năng sống ở độ mặn khá rộng; Có những vùng như ở miền Trung vẫn nuôi tôm ở độ mặn 30 – 35‰. Những tác nhân chính ảnh hưởng đến việc tôm, cá chết lại là những yếu tố (khoa học về nuôi trồng, dịch bệnh, con giống) đã được nói đi nói lại rất nhiều, thì vẫn chưa có được sự đột phá nào. Người nuôi vẫn làm đi làm lại cái cũ nhưng lại mong muốn có kết quả mới, có lợi nhuận. Vì vậy, muốn làm được, muốn hạn chế tình trạng hiện nay của ngành thủy sản chứ không riêng gì với con tôm, người nuôi cần phải nghĩ khác đi. Hãy quy chuẩn mọi thứ gắn liền với thiên nhiên, trong đó 3 tiêu chí chính cần đặt lên hàng đầu là: Con giống; Cải tạo môi trường gần gũi với thiên nhiên; Chăm sóc và sử dụng các sản phẩm cho nuôi trồng thủy sản an toàn, thân thiện với thiên nhiên. Hãy nâng cao trách nhiệm và tầm nhìn của mỗi người nuôi, của cơ quan nhà nước, của doanh nghiệp, nhà khoa học trong toàn cảnh của ngành để có thể bứt phá và vượt qua giai đoạn khó khăn của ngành nuôi trồng thủy sản.
Về mặt khoa học, nhận định của TS. Bùi Quang Tề, chuyên gia về thủy sản cho biết, thời gian qua ĐBSCL hạn nặng, nước mặn xâm nhập sâu vào nội địa; cùng đó, thời điểm này lại là mùa khô, nắng nóng kéo dài, nước bay hơi liên tục, làm tăng độ muối ở các vùng ngập mặn, nhiều nơi độ mặn đã lên trên 50‰, có vùng độ mặn tới 60 – 70‰. Từ đó, một số bệnh của tôm (đốm trăng, hoại tử gan tụy cấp) phát triển. Tình trạng tôm chết do hiện tượng xâm nhập mặn ở các tỉnh ĐBSCL là do các nguyên nhân: độ mặn (>50‰) vượt mức khả năng chịu đựng của tôm biển; bệnh nguy hiểm (bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp) của tôm biển xuất hiện.
Thời gian qua đã có nhiều hội thảo chuyên ngành bàn giải pháp chống hạn, mặn cho ĐBSCL, có nhiều quan điểm trái chiều nhau như ưu tiên tôm lúa nhưng cần có những chuyển đổi phù hợp, hay việc nghiên cứu cây trồng nào thích hợp hơn cây lúa… Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp sản xuất, cung ứng tôm giống, ông Võ Đông Đức nhận định, cần có giải pháp cho lâu dài, đó là bố trí lại cơ cấu ngành thủy sản phù hợp; đa dạng hóa, phát triển các loài thủy sản có khả năng thích ứng với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng đó, nghiên cứu các giống tôm, cá chịu mặn như tôm thẻ chân trắng, cá chẽm, cá rô phi…; những loại cây chịu được độ mặn như lông công, đuôi phụng, cây năn tượng… Điển hình như cây năn tượng hiện được người nuôi tôm ở các huyện vùng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang trồng để chống lại tình trạng xâm nhập mặn. Ngoài ra, hoàn chỉnh hệ thống đê bao ngăn mặn dọc theo sông lớn, xây dựng các cống ngăn mặn tại các điểm trọng yếu của vùng nuôi thủy sản; như vậy, mới có thể ứng phó lâu dài, toàn diện và thiết thực với hạn, mặn được.