THỨ NĂM, ngày 23/1/2025

T2, 06/07/2020 01:20

Nhìn thấy gì từ nghề khai thác của Na Uy?

Chưa có đánh giá về bài viết

Na Uy được đánh giá là một cường quốc về kinh tế biển, có sức cạnh tranh toàn cầu trên cơ sở sáng tạo và công nghệ tiên tiến, đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu thủy sản và các sản phẩm thủy sản. Điều gì khiến một quốc gia chỉ với hơn 5 triệu dân làm được như vậy?


Na Uy hiện có 6.134 tàu cá với hơn 9.500 ngư dân tham gia

Chất lượng khai thác thấp

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, sản lượng thủy sản khai thác Việt Nam tăng đều qua các năm, tuy nhiên ở mức thấp, 4 – 6%/năm. Năm 2010, sản lượng khai thác thủy sản Việt Nam đạt 2,53 triệu tấn và tăng lên 3,3 triệu tấn năm 2017.

Hiện, số lượng tàu cá của Việt Nam tính đến hết tháng 6/2018 là 108.504 chiếc; trong đó có 38.160 tàu cá công suất >90 CV và 29.972 tàu cá >15 m. Nghề khai thác ở Việt Nam rất đa dạng phong phú với quy mô cũng như tên gọi. Theo thống kê chưa đầy đủ, có trên 20 loại nghề khai thác hải sản khác nhau được xếp vào 6 họ nghề chủ yếu (theo số lượng tàu khai thác): Nghề lưới kéo (17,08%), nghề lưới vây (5,31%), nghề lưới rê (37,06%), nghề câu (17,73%), nghề khác (20,02%) và nghề dịch vụ (1,85%).

Nhìn chung nghề khai thác thủy sản của Việt Nam còn nhiều cơ hội để phát triển, song cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức như: Trình độ ngư dân khai thác, thuyền trưởng, máy trưởng chưa cao; cơ sở hạ tầng yếu; kích thước, công suất tàu cá nhỏ; chất lượng tàu cá chưa đảm bảo dẫn đến tổn thất sau thu hoạch cao… Đặc biệt, hiện nay đang bị EU giơ “thẻ vàng” do chưa đáp ứng được các yêu cầu về vấn đề kiểm soát đánh bắt IUU.

Kinh nghiệm của Na Uy

Ông Bjarne Schultz, Tổng cục Thủy sản Na Uy, cho biết, Na Uy hiện có 6.134 tàu cá với hơn 9.500 ngư dân tham gia; trong đó, 1.800 ngư dân hoạt động bán thời gian. Đa số các tàu cá tham gia hoạt động khai thác thủy sản tại Na Uy chủ yếu tàu cỡ nhỏ < 15 m. Loại tàu mang lại giá trị kinh tế cao nhất thường là tàu > 24 m, chiếm 69,7%. Sản lượng đánh bắt của Na Uy năm 2017 đạt khoảng 2,566 triệu tấn.

Về biện pháp quản lý, ông Christian Wormstrand, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Thủy sản Na Uy, chia sẻ: Có 4 thành tố chính trong quản lý nghề cá Na Uy gồm: Nghiên cứu; biện pháp quản lý; giám sát/kiểm soát và chế tài xử lý. Cụ thể, với công tác nghiên cứu, có Viện Nghiên cứu Hải dương Na Uy (IMR), là đơn vị thực hiện công tác nghiên cứu và và tư vấn để xác định được hạn ngach đánh bắt phù hợp nhất. Về cơ quan quản lý thì có Tổng cục Thủy sản Na Uy, đơn vị quản lý nhà nước lớn nhất; bên cạnh đó, còn có sự quản lý của Bộ Công thương. Về biện pháp quản lý có 2 thành tố quan trọng, đó là: Các tàu đánh bắt phải có 60% giá trị do công dân Na Uy sở hữu và ít nhất 50% giá trị tàu do ngư dân hoạt động trên tàu sở hữu.

Đối với việc giám sát/kiểm soát, Na Uy hiện nay đang áp dụng 3 đạo luật do Nghị viện ban hành. Thứ nhất, Đạo luật Tham gia năm 1999, quy định những đối tượng nào được phép tham gia đánh bắt; Thứ hai, Đạo luật Nguồn lợi biển năm 2008 quy định về số lượng, thời điểm đánh bắt, ngư lưới cụ, mùa vụ, hạn ngạch… Thứ ba, Đạo luật Tổ chức buôn bán thủy sản, quy định hình thức và điều kiện để đưa các sản phẩm đánh bắt ra thị trường.

Với dân số chỉ hơn 5 triệu người, nhưng Na Uy là một cường quốc về kinh tế biển, có sức cạnh tranh toàn cầu trên cơ sở sáng tạo và công nghệ tiên tiến, đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu thủy sản và các sản phẩm thủy sản. Để có được vị trí đáng nể ấy, Chính phủ Na Uy rất coi trọng việc xây dựng chiến lược, chính sách, biện pháp để phát triển các ngành kinh tế biển. Các hoạt động khoa học công nghệ biển từ nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng cũng được đặc biệt chú ý. Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp thông qua các hiệp hội ngành nghề cũng được phát huy một cách tối đa nhất.

>> Bà Grete Løchen, Đại sứ chỉ định Na Uy tại Việt Nam: Na Uy và Việt Nam đều là các quốc gia có biển, đã trải qua nhiều thập kỷ hợp tác cùng nhau trong ngành thủy sản. Tôi tin rằng, kinh tế biển; trong đó có thủy sản, đánh bắt và chế biến đã, đang và sẽ tiếp tục là một lĩnh vực hợp tác quan trọng của Na Uy và Việt Nam cũng như doanh nghiệp hai nước.

Hồng Thắm

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!