Trưa tháng 5, nắng như đổ lửa, ở các lèn đá nhấp nhô nơi biển Nghi Thiết, Nghi Lộc, Nghệ An, những người phụ nữ vẫn lụi hụi, miệt mài với nghề đục hàu mưu sinh.
Hàu là một loại hải sản bám trên mặt đá. Mùa hàu có quanh năm và phụ thuộc hoàn vào con nước. Những lúc thủy triều xuống, là thời điểm mọi người bắt đầu với công việc của mình. Nghề đục hàu còn được gọi với nhiều tên gọi khác nhau như nghề đi hàu, chập hàu, chọt hàu, gõ hàu…
Nghề đục hàu chủ yếu lao động là phụ nữ, bởi công việc đòi hỏi sự cần mẫn, nhanh nhẹn và khéo léo.
Những con hàu màu nâu đất, vỏ sắc như dao bám trên đá hay dưới thuyền, bè, chân cầu, ăn phù du nhưng có thịt trắng như sữa và mềm.
Chỉ cần 1 cái đục hoặc một con dao là có thể hành nghề. Nhưng phải chịu khó và tỉ mỉ bởi hàu rất giống đá, rất khó phân biệt. Có những con bám chặt vào thành đá, phải đục mạnh nhiều lần mới lấy được.
Dịp nghỉ hè, các em học sinh cũng tranh thủ đi đục hàu để phụ giúp bố mẹ.
Em Lê Thị Thủy Tiên (12 tuổi, xóm Rồng) cho biết: “Em bắt đầu đục hàu phụ giúp gia đình từ năm lớp 1. Hồi đầu làm nó rất khó, nhưng giờ thì quen rồi. Dịp nghỉ hè nào em cũng làm để kiếm tiền phụ thêm để mua sách vở học tập vào dịp năm học mới”.
Còn nhỏ tuổi nhưng các em đã sớm biết phụ giúp cha mẹ mưu sinh. Niềm vui của các em cũng gắn với mỗi mẻ hàu được kỳ công đục ra từ đá.
Khi thủy triều bắt đầu lên, người dân ở đây cũng tranh thủ đục những khối đá chứa hàu về nhà ghè. Ruột hàu thường được các lái buôn ra tận nơi thu mua với giá 100 ngàn đồng/kg.