Vì những lý do khác nhau mà ba con sông Tam Kỳ, Bàn Thạch và Trường Giang tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam) hiện nay đang phải đối diện với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng…
Sông Tam Kỳ trước kia vốn rất sạch, chưa bị ảnh hưởng nhiều từ nước thải sinh hoạt cũng như nước thải công nghiệp, thủy sản. Thế nhưng, từ khi Trung tâm khuyến nông – khuyến ngư tỉnh phối hợp với Trung tâm Ứng dụng chuyển giao kỹ thuật NN&PTNT TP Tam Kỳ cho thí điểm nuôi cá diêu hồng lồng bè cho hai hộ dân với diện tích 1.000m2 thì dường như nước ở những đoạn sông này đã bắt đầu mất đi sự trong sạch vốn có. Các chất cặn bã phân hủy từ thức ăn cho cá trực tiếp đổ ra tràn ngập cả một đoạn sông. Trên mặt nước, các loại rong rêu sinh trưởng ồ ạt do nước sông bị ô nhiễm.
Còn nước thì bị nhiễm các loại độc hại mà những người dân ở đây, đặc biệt là những ngư dân đánh bắt cá trên sông Tam Kỳ như ông Nguyễn Văn Mực (Tổ 4 – KP 7- P. An Sơn) mới là những người thấu hiểu nhất. “Tôi thường xuyên đánh bắt cá trên sông Tam Kỳ này. Nhưng mấy năm gần đây, mô hình nuôi cá lồng bè trên sông đã thải ra các chất cặn bã nuôi cá, lại thêm các loại thuốc tăng trưởng, chống bệnh làm cho con sông này bị nhiễm độc. Những ngư dân như chúng tôi không ai là không bị các bệnh ghẻ, ngứa, nứt nẻ da khi đánh bắt cá gần các đoạn sông nuôi cá lồng bè này”, ông Mực khẳng định.
Mô hình nuôi cá diêu hồng trong lồng bè trên sông Tam Kỳ gây ô nhiễm.
Tại sông Bàn Thạch, hiện nay trên dọc bờ UBND P. Phước Hòa và Tân Thạnh (Tam Kỳ) cho rất nhiều hộ dân kinh doanh quán nhậu. Có đến gần cả trăm hộ tham gia đăng ký buôn bán. Mặc dù các biện pháp quản lý, bảo vệ môi trường tại đây được đề ra trong quy định của các UBND phường nhưng vấn đề nguồn sinh thái và sự trong sạch của con sông Bàn Thạch luôn bị đe dọa. Tại các bờ sông khu vực gần các quán nhậu này, vương vãi khắp nơi các túi ni-lông, vỏ ốc, lon bia, chai nhựa… Tình trạng cá chết ở đây cũng thường xuyên diễn ra trong vài năm nay. Ông Lương Văn Nhi (ở tổ 3, KP 1, P. Phước Hòa) cho biết: “Nhiều hàng quán ở đây dù thường xuyên bị kiểm tra, nhưng vào ban đêm, để cho tiện lợi, rất nhiều chủ quán đã không ngần ngại đổ các thức ăn, nước thải dư thừa xuống sông Bàn Thạch này. Nước sông bị ô nhiễm nên ở đây luôn xảy ra tình trạng cá chết trong nhiều năm qua”.
Sông Trường Giang trong thời gian gần đây cũng bị ô nhiễm, biến dạng do tình trạng nuôi tôm thẻ chân trắng tràn lan. Những cánh đồng tôm thẻ chân trắng nối tiếp nhau, ngày càng mở rộng ra. Nổi trên những đụn cát trắng ven biển là từng ô vuông đen kịt của nhiều tấm bạt lót chứa nước, tạo thành những ao nuôi tôm. Sông Trường Giang lại phải gồng mình, bị rút ruột, đào bới, trở thành những túi chứa nước thải khổng lồ. Nước thải nuôi tôm thẻ chân trắng là hợp chất của nhiều loại thuốc hóa học, cặn bã từ thức ăn cho tôm. Người dân lại không hề xây dựng bể xử lý nước thải.
Người dân xã Tam Thanh lấn chiếm sông Trường Giang nuôi tôm gây ô nhiễm sông.
Do phải hứng chịu lâu ngày, nhiều đoạn sông Trường Giang ở Tam Kỳ bị ô nhiễm nặng, chất thải nuôi tôm ứ đọng, hình thành một lớp cặn bã dày, tơi xốp ven bờ, nước sông đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Lại còn nhiều đoạn lâu nay vốn là những bến sông thơ mộng, chỗ để neo đậu ghe thuyền, nghỉ ngơi của ngư dân thì nay nhiều điểm trở thành những ao chứa nước thải. Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND xã Tam Thanh xác nhận: “Toàn xã có gần 20 ha diện tích hồ nuôi tôm dọc sông Trường Giang. Vì thế việc nước thải ra sông gây ô nhiễm là điều không tránh khỏi. Biện pháp của xã là vận động người dân nuôi tôm đúng theo quy trình kỹ thuật, vệ sinh. Và sắp tới sẽ quy hoạch lại diện tích nuôi tôm này để phù hợp với tình hình môi trường sông Trường Giang hiện tại”.
Không thể phủ nhận một điều rằng, những con sông là nguồn lợi lớn để phát triển kinh tế. Thế nhưng, các địa phương cũng như cơ quan chức năng nếu không cân nhắc kỹ lưỡng, quan tâm đúng mức đến vấn đề môi trường thì những lá phổi xanh này sẽ có nguy cơ bị hủy hoại trong tương lai.