(TSVN) – Cuộc thi Nhiếp ảnh Đại dương là sự tôn vinh hành tinh xanh xinh đẹp của chúng ta, đồng thời là một nền tảng để làm nổi bật những khó khăn mà nó đang phải đối mặt. Dưới đây là những bức ảnh đoạt giải và được đánh giá cao trong hạng mục Bảo tồn trong cuộc thi Nhiếp ảnh Đại dương 2021.
Bức ảnh một con cá chình Moray chết trên một dây câu bỏ hoang – Nhiếp ảnh gia Kerim Sabuncuoglu đạt vị trí số 1 trong Hạng mục Bảo tồn của cuộc thi Nhiếp ảnh Đại dương 2021.
Sau khi cắn vào lưỡi câu sắc nhọn ở đầu dây câu ma, con cá chình càng vướng vào lưỡi câu khi cố gắng vùng vẫy thoát ra. Nhiếp ảnh gia Kerim Sabuncuoglu cho biết, mỗi vòng quay dây câu khiến con vật ngạt thở cho đến khi nó ngạt thở và chết. “Bức ảnh thể hiện một tiếng thét trong im lặng của con cá”
Bức ảnh một con mòng biển và dây câu ma – Nhiếp ảnh gia Galice Hoarau xếp vị trí thứ 2 trong Hạng mục Bảo tồn của cuộc thi.
Bức ảnh được chụp tại kênh Saltstraumen – NaUy, đây là một kênh hẹp với dòng chảy thủy triều mạnh nhất trên thế giới. Nơi đây cũng là điểm nóng về đa dạng sinh học và khu bảo tồn biển nhưng lại được phép đánh bắt cá. Xung quanh khu vực này ngổn ngang các dây câu ma. Theo nhiếp ảnh gia Galice Hoarau, những dây câu ma là cái bẫy chết đối với động vật hoang dã, đặc biệt là loài chim biển nơi đây.
Một con ốc anh vũ cưỡi trên lưng một con sứa bị trôi dạt trên mảnh rác thải nhựa – Nhiếp ảnh gia Steven Kovacs xếp vị trí thứ 3 trong hạng mục này
Bức ảnh chụp trong lần di chuyển và khám phá tới Anilao, Philippines, loài ốc anh vũ thường được bắt gặp tại đây. Chúng di chuyển nhờ cưỡi trên lưng một con sứa khác để bảo vệ và tiết kiệm năng lượng. Điều đặc biệt trong bức ảnh này là chúng lại di chuyển nhờ một mảnh rác thải nhựa dưới biển.
Những bức ảnh khác được tôn vinh trong Hạng mục Bảo tồn của cuộc thi:
Cá ngựa bám vào khẩu trang – Nhiếp ảnh gia Nicholas Samaras
Nhiếp ảnh gia Nicholas Samaras cho biết: “Khi lặn ở một địa điểm thường xuyên, chúng ta sẽ quan sát được sự thay đổi của đại dương. Tôi thường xuyên đến thăm Stratoni – ngôi làng nhỏ ven biển bán đảo Halkidiki của Hy Lạp để chụp ảnh quần thể cá ngựa sinh sống ở nơi đây. Sự thay đổi lớn nhất gần đây là Khẩu trang – Rác thải COVID-19”.
Cá mối biển ăn đầu lọc thuốc lá – Nhiếp ảnh gia Steven Kovacs
Hình ảnh này cho thấy vấn đề về môi trường do con người vứt rác bừa bãi và tác hại của chúng đối với động vật hoang dã. Con cá mối biển này đã nhầm tưởng thành con mồi của chúng và chộp lấy để ăn. “Tôi đã quyết định can thiệp và lấy đi đầu lọc thuốc vì lo ngại nó sẽ giết chết con môi biển”, nhiếp ảnh gia Steven Kovacs chia sẻ.
Cá mập và chiếc móc câu nhô ra khỏi miệng – Nhiếp ảnh gia Steven Kovacs
Jupiter – Florida – Hoa Kỳ là địa điểm thích hợp để lặn cùng cá mập với số lượng nhiều trong một lần lặn. Tuy nhiên, dưới tác động của con người, hầu hết những loài cá mập nơi đây đều mang dấu vết bị tác động như dây câu, lưỡi câu, gãy hàm hoặc vết đạn bắn…
Cá chết trong lưới ma – Nhiếp ảnh gia Rodrigo Thome
Chiếc lưới ma quái này nằm trong khu bảo tồn ngoài khơi Rio de Janeiro. Nhiếp ảnh gia Rodrigo Thome cho biết, ngoài con cá đã chết, còn nhiều con cá khác đang cố gắng thoát khỏi lưới nhưng không thành công. Mặc dù được cắt gỡ lưới nhưng nhiều con cá đã kiệt sức và chết. “Tôi đã sử dụng máy ảnh để ghi lại khoảnh khắc tồi tệ nhất trong cuộc sống dưới nước. Những con cá cố gắng thoát ra khỏi lưới vẫn ám ảnh trong những giấc mơ của tôi”, nhiếp ảnh gia Rodrigo Thome chia sẻ.
Những chiếc thuyền khai thác cá cơm – Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Thiên
Được chụp từ trên cao dọc theo bờ biển tỉnh Phú Yên, Việt Nam, những chiếc thuyền này chủ yếu khai thác cá cơm, một loài cá nhỏ ngoài biển. Cá cơm và muối là nguyên liệu chính để sản xuất nước mắm truyền thống ở Việt Nam. “Nhưng, cá cơm là một loài cá nhỏ, khi chúng ta đánh bắt quá mức, cá voi, cá hồi, chim biển và các loài cá sử dụng cá cơm là thức ăn sẽ đối mặt với nạn đói và cái chết”, tác giả bức ảnh chia sẻ.
Ngoài ra trong hạng mục này còn rất nhiều bức ảnh về các loài động vật quý hiếm, các tác động của con người ảnh hưởng đến đại dương như thế nào. Từ đó, giúp chúng ta ý thức hơn về việc bảo vệ môi trường, bảo vệ đại dương hơn nữa.