Đối với tôi, họ là những công dân đặc biệt của biển. Sự đặc biệt đó không phải ngẫu nhiên mà được tôi luyện qua sóng gió của biển cả. Một người tròn 73 tuổi, nhưng sức vóc vẫn rất dẻo dai, nhiều thanh niên đi biển ít ai sánh kịp. Còn một người mới ngấp nghé tuổi 35, đã là chủ của đôi tàu lớn có giá trị vài tỷ bạc. Họ có cùng khát vọng mưu sinh trên các vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Tuổi già bám biển
Sau 10 ngày nghỉ ngơi, bảo dưỡng máy móc, chiếc tàu có số hiệu QNa 91739, công suất 560CV do ngư dân Ngô Văn Điệp (thôn An Hải Tây, xã Tam Quang, Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) làm thuyền trưởng chuẩn bị ra khơi. Chuyến biển vào đầu tháng chạp nắng đẹp, 14 lao động trên thuyền tin tưởng sẽ nhận được nhiều lộc biển, kịp về lại đất liền để ăn tết cùng gia đình. Dẫu vậy, họ đã chuẩn bị sẵn đồ ăn tết mang theo tàu, và sẵn sàng tâm thế cùng nhau ăn tết trên biển. Bởi rất đơn giản, không kịp vào bờ để ăn tết cổ truyền cùng gia đình thì sẽ kém vui hơn, nhưng cùng nhau đón tết trên biển đã trở thành một tiền lệ thiêng liêng đối với những công dân của biển. Khẩn trương đưa đá lạnh vào khoang tàu, lão ngư Đinh Văn Chiến (73 tuổi, thôn An Hải Tây) bộc bạch: “Dự tính chuyến này đi khoảng 25 ngày, đến đánh bắt tại ngư trường Trường Sa, nếu đạt sản lượng 25 – 30 tấn cá thì tàu quay vào bờ ăn tết. Nếu không đạt sản lượng này thì chúng tôi sẽ còn bám biển và ăn tết ngay trên biển. Cùng ăn tết trên biển, cùng hướng niềm tin về gia đình, cái tết trên tàu bao giờ cũng rất riêng, rất thiêng liêng”. Tròn 73 tuổi, lão ngư Đinh Văn Chiến là người lớn tuổi nhất trong 14 lao động trên tàu QNa 91739. Tuổi cao mà còn bám biển thì xem ra hiếm. Nhìn tạng người rắn chắc, thao tác dẻo dai lẫn giữa các lao động khác trên tàu không ai nghĩ ông đã ngoài 70 tuổi. Hơn 40 năm bám biển mưu sinh, ông Chiến cùng vợ chăm lo cho 5 người con khôn lớn, có cơ ngơi riêng. Ước chừng đến tuổi này, ông có thể sống an nhàn vui vầy cùng con cháu. Nhưng ông nói: “Nếu phải xa biển thì nhớ lắm. Hơn 40 năm gắn bó, giờ biển đã trở thành một phần hơi thở, một phần suy nghĩ trong tôi. Còn sức khỏe, còn sự dẻo dai tôi sẽ còn vươn khơi bám biển. Đó cũng là cách để tôi đóng góp sức mình vào việc khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Anh Võ Hồng Nhân giám sát việc đóng chiếc tàu mới tại bãi đóng thuyền Công ty Thép Trường Thành. Ảnh: H.G
Nối nghiệp cha, một người con trai của ông cũng chọn nghề biển để mưu sinh. “Ông Chiến có kinh nghiệm đi biển rất phong phú. Đi cùng ông Chiến trong mỗi chuyến biển anh em ai cũng cảm nhận như được tiếp thêm nghị lực để vượt qua gió sóng khắc nghiệt. Ông Chiến đã có tuổi nhưng sức vóc thì nhiều thanh niên đi cùng không sánh kịp đâu. Sóng gió sẽ còn lâu nữa mới có thể quật ngã ông được” – thuyền trưởng Ngô Văn Điệp nhận xét.
Khát vọng của ông chủ trẻ
Hơn 3 tháng nay, anh Võ Hồng Nhân (35 tuổi, thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, Thăng Bình) túc trực tại xưởng đóng tàu thuyền ở cảng Kỳ Hà (Núi Thành) để giám sát việc đóng chiếc tàu mới. Chiếc tàu này có giá trị hơn 3 tỷ đồng, với công suất 720CV. Ngoài số vốn tích góp được sau nhiều năm bám biển, anh Nhân vay thêm 1,5 tỷ đồng từ Quỹ đầu tư hỗ trợ ngư dân của tỉnh, với mức hỗ trợ 4 năm không lãi suất. Anh Nhân cho hay, việc đóng tàu đang vào giai đoạn hoàn tất. Dự định ăn tết cổ truyền xong là sẽ cho hạ thủy, vươn khơi bám biển. Chiếc tàu mới này sẽ tham gia hành trình vươn khơi “mở hàng” cùng với chiếc tàu cũ có công suất 400CV của anh đang neo đậu tại cảng Kỳ Hà (Núi Thành). “Thời gian qua, hoạt động đánh bắt trên vùng biển xa của ngư dân chúng tôi có được sự thuận lợi nhờ chính sách hỗ trợ xăng dầu của Chính phủ. Quá trình vươn khơi tôi nhận thấy để khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của biển thì cần phải có tàu công suất lớn, trang bị máy móc hỗ trợ hiện đại. Vì vậy tôi đã mạnh dạn đầu tư đóng chiếc tàu mới này để vươn khơi bám biển. Hai chiếc tàu cùng vươn khơi (với 60 lao động) tôi thấy càng vững tin hơn, nhất định công cuộc mưu sinh trên biển sẽ khởi sắc hơn” – anh Nhân thổ lộ.
Ôn lại chuyện cũ, vào năm 14 tuổi, anh Nhân đã cùng cha, chú tham gia đi bạn cho các thuyền đánh bắt xa bờ ở Đà Nẵng. Khi ấy, sự bao la và cả sự huyền bí của biển luôn có một sức hút kỳ lạ đối với sức trẻ. Mỗi chuyến vươn khơi là một niềm háo hức được khám phá, được trải nghiệm mà biển dành cho anh. Nhưng lòng biển không chỉ chứa đựng sự lặng yên mà còn cả những dông tố dữ dội, khủng khiếp. Ám ảnh bão Chanchu năm 2006 đã cướp đi nhiều sinh mạng của ngư dân đi biển, anh bỏ biển một thời gian để tĩnh tâm. Rồi như vận mệnh đã định anh lại dấn thân bám biển để mưu sinh. Từ đi bạn, chỉ vài năm sau đó anh mua được chiếc tàu công suất 400CV để thỏa chí vươn khơi. Và năm nay, anh mạnh dạn đầu tư đóng mới chiếc tàu có công suất lớn để đánh bắt hiệu quả hơn. “Ngư dân chúng tôi không đơn độc. Trong hành trình vươn khơi xa bám biển, chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhiều lực lượng như Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng nên càng vững tin bám biển. Sự đe dọa, xua đuổi của các tàu nước ngoài trong thời gian qua càng khiến cho ngư dân chúng tôi thêm nêu cao quyết tâm bám biển, tham gia khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc” – anh Nhân khẳng định.