T2, 06/07/2020 11:07

Những hòn đảo có nguy cơ biến mất

Chưa có đánh giá về bài viết

Biến đổi khí hậu và hiện tượng mực nước biển dâng làm cho nhiều địa danh du lịch biển hấp dẫn có thể biến mất trong thời gian tới.

1. Maldives

Được coi là thiên đường hạ giới, Maldives nằm ở Ấn Độ Dương, là quốc gia thấp nhất so với mặt nước biển trên trái đất với độ cao trung bình chỉ khoảng 1,5 m trên mực nước biển. Quần đảo này gồm 26 đảo san hô bao quanh lãnh thổ gồm 1.192 đảo nhỏ. Biển nơi đây có ba sắc xanh: sáng và trong như ngọc lục bảo ở vùng nước nông, xanh đậm sâu thẳm ở rìa của rạn san hô và xanh tím huyền ảo phía đại dương xa xa.

Tuy nhiên, Maldives đang ngày càng chìm sâu, khi mực nước biển tiếp tục tăng do biến đổi khí hậu. Trong vòng 100 năm nữa, nơi đây sẽ chỉ còn là thiên đường trong dĩ vãng bởi bị nước biển nhấn chìm.

 

2. Biển Chết

Nằm giữa Jordan, Palestine và Israel, Biển Chết từ lâu đã được yêu thích bởi du khách ưa khám phá. Tại đây, nước biển có hàm lượng muối cao đến nỗi người có thể tự nổi trên mặt nước. Ngoài ra, nước biển ở đây chứa những khoáng chất đặc hữu cần thiết cho sức khỏe con người (giúp giảm đau, chữa bệnh thấp khớp, nhức đầu…) và chăm sóc da toàn thân như: Magie, Canxi, Kali, Brom… Vì thế, đến đây du khách có thể trải nghiệm kỳ quan thiên nhiên bằng cách thả trôi mình trong làn nước trong xanh, ngắm cảnh đẹp xung quanh, tận hưởng những khoáng chất rất tốt cho sức khỏe của nước biển.

Ngày nay, Biển Chết đã giảm 1/3 kích thước của nó trong 40 năm qua và đang chìm dần với tốc độ 13 cm mỗi năm. Trong vòng 50 năm nữa, bạn sẽ không còn cơ hội tham quan cũng như khám phá những công dụng tuyệt vời của nước biển nơi đây.

 

3. Kiribati

Là một quốc đảo có khí hậu nhiệt đới, nằm tại vùng trung tâm Thái Bình Dương, Kiribati chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Theo ước tính, mực nước biển tại Thái Bình Dương tăng khoảng 2 mm mỗi năm, nhưng tỷ lệ này chưa thực chính xác, con số có lẽ còn cao hơn thế. Với mức tăng này, Kiribati đã gặp nhiều khó khăn do sự thay đổi đáng kể lượng mưa, thủy triều và bão. Nước mặn đã xâm nhập và ảnh hưởng tới nguồn nước ngọt trên một số đảo. Bên cạnh đó, hạn hán gia tăng khiến lượng nước ngọt vô cùng hạn chế.

Hiện, Kiribati chỉ nằm trên mực nước biển 10 cm, đang đối diện với nguy cơ bị nhấn chìm vĩnh viễn trong vài thập kỷ tới. Điều này sẽ khiến cuộc sống của hơn 105.000 người dân nơi đây bị xáo trộn và buộc phải di cư, và nền văn hóa hơn 4.000 năm sẽ bị xóa sổ.

 

4. Rặng san hô Great Barrier

Great Barrier ở Australia là quần đảo san hô lớn nhất thế giới, với khoảng 3.000 tảng đá ngầm riêng rẽ, 900 hòn đảo, kéo dài khoảng 2.600 km, bao phủ một vùng có diện tích gần 344.400 km2. Nơi đây có hơn 7.000 loài san hô khác nhau, được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1981. Great Barrier là một trong những điểm đến hàng đầu trên thế giới về lặn biển và du lịch sinh thái dưới nước.

Tuy nhiên, sự gia tăng nhiệt độ của nước biển và nồng độ axit nước khiến cho phần lớn hệ thống san hô bị tẩy trắng và thiếu sức sống, bên cạnh đó nguồn nước bị ô nhiễm nên các rạn san hô tuyệt đẹp ở Great Barrier đang dần bị phá hủy. Các chuyên gia dự đoán, nơi đây sẽ mất khoảng 60% rạn san hô vào năm 2030, và như vậy kiệt tác 8.000 năm tuổi của thiên nhiên sẽ chẳng còn tồn tại được bao lâu nữa.

Trần Vân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!