Sushi không chỉ là món ăn truyền thống nổi tiếng mà còn là nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của Nhật Bản. Ngày nay, sushi trở thành ngành công nghiệp trị giá tới 14 tỷ USD ở đất nước này.
Nigiri sushi (Sushi nắm)
Nigiri sushi có nguồn gốc ở Đông Nam Á khoảng từ thế kỷ thứ 4. Nigiri sushi gồm một ít cơm nắm chặt bằng tay, quét một ít wasabi và phủ lên bằng một lát mỏng hải sản (như cá ngừ, cá hồi, lươn, tôm, mực, bạch tuộc…) hoặc một số loại thịt khác. Đây là loại sushi phổ biến nhất.
Temari sushi (Sushi dạng viên)
Temari sushi là loại sushi hình tròn, cơm phủ lên trên là cá, tôm, rau củ, trái cây, trứng… được nặn bằng tay qua một gói bọc thức ăn. Tuy không phải là món ăn theo mùa nhưng bạn sẽ thấy món này nhiều vào mùa xuân, nhất là dịp tháng 3 trong ngày Hinamatsuri – ngày lễ búp bê, đây là món ăn đầy màu sắc dành cho các bé gái.
Maki sushi (Sushi cuộn)
Món sushi này được cuộn lại như các đồ ăn cuốn ở Việt Nam, nhưng bên ngoài là một lớp rong biển sấy khô, được tẩm muối và dầu mè. Thành phần bao gồm cơm, dầu vừng, muối, hạt vừng, một lượng nhỏ giấm và đường thường được thêm vào làm gia vị. Nguyên liệu được đặt trên một miếng rong biển khô. Cơm tẩm gia vị được phết lên miếng rong biển. Các thành phần khác như trứng chiên, cà rốt, dăm bông, thịt bò băm viên tẩm gia vị hoặc bánh cá (loại bánh làm từ cá và rau quả, phổ biến nhất là khoai tây) tẩm gia vị, củ cải ngâm, rau bina tẩm gia vị,cá ngừ, tôm hấp và dưa leo được đặt lên cơm, sau đó cuộn lại.
Có nhiều cách để làm món sushi cuộn, dựa vào kích cỡ, nguyên liệu, cách cuốn mà có các tên gọi khác nhau cho từng món: futomaki (cuộn to, có ít nhất 4 nguyên liệu), chumaki (cuộn cỡ trung, 2 – 3 nguyên liệu), hosomaki (cuộn cỡ nhỏ, chỉ bao gồm 1 nguyên liệu, thường là: dưa chuột/ cá hồi/ cá ngừ), temaki (có hình dạng như một cốc kem ốc quế), uramaki, ehomaki…
Chirashi sushi
Chirashi sushi là món được phục vụ trong một bát tô, gạo được đặt ở dưới cùng, bên trên phủ một vài nguyên liệu (thường là sashimi, rau củ) số lượng tùy vào đầu bếp hoặc yêu cầu của thực khách (nhiều nhà hàng tại Nhật phục vụ 9 – 10 nguyên liệu trong một tô chirashi sushi). Chirashi sushi là một loại sushi có nhiều màu sặc sỡ và thực sự cũng là một bữa ăn quân bình dinh dưỡng, vì thế người ta thường ăn ở nhà, bất kể là mùa nào. Nó đã trở thành một món ăn quan trọng trong bữa cơm dọn vào ngày Lễ búp bê vào ngày 3 tháng 3 hàng năm.
Oshi sushi
Đây là loại sushi được gói lại như bánh, giống sushi nắm (nigiri sushi) nhưng lại không được nắm bằng tay mà bằng một loại khuôn gỗ chuyên dụng (oshibako). Đầu bếp đặt lớp nguyên liệu trên cùng của sushi vào đáy khuôn (món sushi không dùng nguyên liệu chưa nấu chín), sau đó là gia vị, và cuối cùng là gạo, tất cả sau đó được nén lại bằng khuôn. Khối sushi được tháo ra khỏi khuôn, cắt miếng, và đưa đi phục vụ khách. Đây là món sushi đặc sản của vùng Osaka.
Inari sushi
Inari sushi được xem như một món sushi chay, được làm từ váng đậu chiên và cơm. Váng đậu thường được tẩm ướp nên khá ngọt, hương vị hài hòa với gạo. Đầu bếp có thể cho thêm các loại rau củ quả khác vào để tăng thêm hương vị và dinh dưỡng. Tên của món sushi này được đặt theo một vị thần cực kỳ thích đậu phụ tên là Inari.
Tamago sushi (Sushi trứng)
Sushi Nhật có một thứ tưởng chừng rất thường nhưng cực kỳ hấp dẫn và khó chế biến: Sushi trứng. Để làm được một miếng tamagoyaki (trứng rán) hoàn hảo đòi hỏi người đầu bếp trên 10 năm kinh nghiệm, miếng trứng xốp trông như một miếng bánh bông lan, vàng đều, không thủng lỗ chỗ, cháy xém bên ngoài nhưng bên trong vẫn ẩm mịn, lật đều hai mặt nhưng không được làm vỡ miếng trứng.
Nare sushi (Sushi lên men)
Funazushi là món ăn được làm từ Funa (cá chép Crucian) lấy từ hồ Biwa-ko ở Shiga vào mùa đẻ trứng. Cách làm món sushi này khá kì công: Da và ruột cá được lóc ra nhồi với muối, đặt trong một thùng gỗ, dội với muối một lần nữa sau đó được nén lại bằng một hòn đá nặng (tsukemonoishi) khoảng 1 tháng. Ngày qua ngày, nước rỉ ra ngoài và được đổ đi. Tiếp đó, cá muối được rửa kỹ bằng nước rồi ủ một lần nữa trong cơm được nấu chín và cứ để như thế ít nhất sáu tháng nữa để chín. Với hương vị độc đáo và vị chua của món ăn, bạn phải rất can đảm khi ăn nó lần đầu tiên. Bởi vì món ăn rất bổ dưỡng nên nó thường được gọi là “pho mát Nhật Bản”, một cách miêu tả vô cùng chính xác. Cứ đơn giản cắt một miếng và ăn nó như một món ăn thường, hoặc thưởng thức nó như chazuke (cơm trà xanh, đồ ăn nhẹ hoặc súp). Sushi được làm bằng quá trình lên men lactic như funazushi này được gọi là narezushi và là một món ầm thực truyền thống được bảo tồn ở Nhật Bản.