T2, 06/07/2020 10:52

Những loài tôm kỳ lạ

Chưa có đánh giá về bài viết

Là một loài động vật nhỏ bé trong thế giới đại dương, nhưng những điểm đặc biệt của các loài tôm biển khiến chúng ta không khỏi ngỡ ngàng.

Tôm xanh kỳ dị nhất


Được phát hiện vào tháng 10/2011, tôm xanh nhỏ (Phycocaris sp) đang là điểm ngắm “hot” cho các thợ  lặn  tại eo biển Lembel, bắc Sulawesi, Indonesia. Loài tôm này màu xanh lá cây, chỉ dài 3 – 5 mm, sống chủ yếu trong những cụm hải tiêu màu xanh – trắng, hình như những quả ôliu. Nhiều nhà khoa học cho rằng chúng có thể là họ hàng của loài tôm tóc, nhưng một số người lại cho rằng đây là loài tôm mới, do thân nó màu xanh lá cây.

 

Tôm hùm sặc sỡ nhất


Gắn với tôm hùm là hình ảnh loài giáp xác lớn màu đỏ, thay vì những hình ảnh đầy màu sắc. Tôm hùm ngồi xổm là loài hiếm hoi trong các loài tôm hùm có màu đặc biệt. Chúng sở hữu bộ lông sặc sỡ, nhiều màu sắc và được xem là loài tôm hùm đẹp nhất. Loài tôm hùm này có tên khoa học Galathea pilosa, cơ thể dẹt. Do chân chúng cuộn tròn dưới ngực, giống tư thế ngồi xổm nên còn gọi là “tôm hùm ngồi xổm”.

 

Cấu tạo mắt phức tạp nhất

Tôm tít, tôm tích, tôm búa hay bề bề là tên được dùng để gọi nhóm giáp xác biển thuộc bộ tôm chân miệng (Stomatopoda). Loài tôm này có phần vỏ nhô lên giống bọ ngựa nên còn được gọi là tôm bọ ngựa. Theo các nhà khoa học, mắt của tôm tít có cấu trúc đặc biệt, được xem là phức tạp nhất trong giới động vật. Chúng có thị giác rất tốt, có thể nhìn thấy ánh sáng phân cực và có được thị giác màu sắc siêu phổ, có khả năng phân tích theo chuỗi và phân tích song song các kích thích về thị giác.

Mắt của tôm tít là mắt kép, cấu tạo từ khoảng 1 vạn mắt con ghép vào nhau, bao hàm hai bán cầu phẳng tách biệt nhau bởi “đường giữa”, chia mắt ra làm 3 vùng, giúp tôm tít có thể chú mục vào một vật thể với không gian 3 chiều và có khả năng nhận thức bề sâu. Bán cầu trên và dưới chủ yếu dùng trong việc nhận diện hình dạng và chuyển động. “Đường giữa” gồm 6 hàng mắt con chuyên hóa, trong đó 4 hàng mắt mang 16 thụ thể ánh sáng khác nhau với 12 loại thụ thể nhằm nhận diện màu sắc và 4 loại đảm nhận nhiệm vụ bộ lọc màu. Đường giữa chỉ bao phủ một phần rất nhỏ của mắt nhưng nhờ mỗi mắt được gắn trên một cuống dài, có thể vận động độc lập với mắt kia và có thể xoay bất kỳ hướng nào (lên tới ít nhất 70 độ), tôm tít di chuyển đường giữa sang nhiều hướng khác nhau để nhận biết thêm hình dạng, diện mạo và khung cảnh mà hai phần bán cầu mắt còn lại không thể nhận diện được.

Nhờ có thị giác cực tốt, tôm tít có thể nhận và phân biệt được nhiều loài san hô nhiều loại mồi khác nhau, cũng như nhận diện được các loài săn mồi giúp chúng sinh tồn. Đồng thời, khả năng nhận thức bề sâu là công cụ đắc lực trong việc săn mồi, bởi động tác vung càng tấn công cực nhanh của tôm tít đòi hỏi việc xác định khoảng cách phải cực kỳ chính xác.

 

“Xạ thủ” xuất sắc nhất

Có cách săn mồi rất đặc biệt, tôm gõ mõ hay tôm súng, tôm pháo (thuộc họ Alpheidae) được mệnh danh xạ thủ xuất sắc nhất trong thế giới loài tôm. Điểm nổi bật của tôm gõ mõ là cặp càng bất đối xứng, một chiếc càng có kích thước nhỏ trong khi chiếc càng còn lại thì to hơn nhiều. Chúng sử dụng chiếc càng lớn như một “khẩu súng” để phát ra âm thanh cường độ cao nhằm “bắn chết” con mồi.

Phần lớn tôm gõ mõ được tìm thấy ở vùng biển nhiệt đới và ôn đới. Chúng sống ở các hang đào và trong các rặng san hô, đó cũng chính là nơi mai phục của tôm gõ mõ. Khi ngắm được con mồi, bằng cách kẹp càng lại, chúng tạo ra một bóng khí nổ với áp lực đến 80 kPa ở khoảng cách 4 cm từ càng. Những bong bóng khí lao đi với tốc độ 27 m/s và tạo ra tiếng nổ với cường độ đến 218 decibel, đủ giết những con cá nhỏ.

Trần Vân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!