T2, 06/07/2020 10:38

Những mảnh đời trên sân nghêu

Chưa có đánh giá về bài viết

Chiều tắt nắng, biển cạn. Nhìn về biển như thấy một cánh đồng. Ở đó không có mùa lúa, mùa bắp nhưng có mùa nghêu, mùa ốc. Biển mặn cho muối, bãi bùn cho nghêu, nước chua đất chát khiến cây trái ngọt. Người ở đây biết dựa thiên nhiên, dưỡng thiên nhiên để sống và đoàn viên.

Biển Cần Giờ lạ hơn tất cả những vùng biển chúng tôi từng đến. Bãi biển bằng phẳng như cái khuôn bánh khổng lồ, đi mãi ra xa nước cũng chỉ lấp xấp mắt cá chân, lớp bùn mỏng như bột mịn loang rộng trên bề mặt.

Vẹn tình với Cần Giờ

Chúng tôi đến Cần giờ vào một buổi chiều nắng muộn, gió biển miên man với đường chân trời tĩnh lặng. Có một chút bâng khuâng và cảm xúc không thể diễn đạt thành lời. Chút gió lạnh, chút hơi biển mặn và xa xa, một cảnh tượng mơ hồ tựa như trong giấc mơ. Chếch trong nắng chiều đẹp tuyệt có rất nhiều người dân đang làm việc. Cảnh người chày, người lưới, người cào nghêu, người bắt ốc,…và những cánh chim trời tung bay đẹp như một bức tranh.

Người chày, người lưới, người cào nghêu, người bắt ốc,…nhộn nhịp 

Người chày, người lưới, người cào nghêu, người bắt ốc,…nhộn nhịp cả một góc biển chiều

Theo bà Hai (người Cà Mau về bãi biển này sinh sống đã gần 20 năm), những người cào nghêu, bắt ốc ở đây còn có cả dân tứ xứ, chủ yếu từ miền Tây lên. Nhiều người trong thôn ấp xã Long Hòa này cũng đi bắt ốc đêm. Họ chỉ bắt những con ốc mỡ to, bán được giá. Ốc nhỏ để cho lớn. Đây là cách làm thân thiện bảo vệ cho mùa sau. Ở đây, bà già, trẻ nhỏ đi cào nghêu ngày cũng được năm ba chục.

Người ở đây biết dựa thiên nhiên, dưỡng thiên nhiên để sống và đoàn viên 

Người ở đây biết dựa thiên nhiên, dưỡng thiên nhiên để sống và đoàn viên

Mùa nghêu đẻ trứng thì họ đi hớt trứng nghêu lẫn với cát đem về nuôi trong những ao vuông. Mà ở đây, nghêu đẻ quanh năm nên người Long Hòa, Cần Thạnh chẳng lo. Cứ ra biển hớt trứng nghêu về nuôi lớn bán giống nghêu.

Ở đây, bà già, trẻ nhỏ đi cào nghêu ngày cũng được năm ba chục 

Ở đây, người già, trẻ nhỏ đi cào nghêu ngày cũng được năm ba chục

Xoay vần theo con nước kiếm ốc, cào nghêu. Nước cạn ngày đi ngày, cạn đêm đi đêm. Mỗi tháng có mười ngày con nước. Mười ngày bắt ốc, mười ngày cào nghêu. Hai mươi ngày còn lại làm đồng muối, trồng cây. Xoài, mãng cầu Cần Giờ trồng trên đất phèn chua. Do thổ nhưỡng của đất nên hai loại trái cây này ngon nổi tiếng. Người trên thành phố đến đây du lịch thường mua trái cây này làm quà.

Hẩm hiu có nhau

Trời tối dần, bờ lùi dần về phía sau, biển mờ mịt trước mặt, hàng trăm người cào nghêu kéo nhau ra ngoài khơi xa gần cây số để cào nghêu. Anh Thêm buộc thêm bình ắc quy sau lưng, treo đèn lên trên trán. Vừa cào, anh vừa kể câu chuyện đầy chất liêu trai. “Đã có người đi bắt ốc đêm mưa không định hướng được đường về rồi bị chết dạt đó”, anh Thêm nói.

Hàng trăm người cào nghêu kéo nhau ra ngoài khơi xa gần cây số để cào nghêu 

Những chú bé, cô bé mới chỉ học lớp một, lớp hai cũng theo cha mẹ ra sân nghêu

Những chú bé, cô bé mới chỉ học lớp một, lớp hai cũng theo cha mẹ ra sân nghêu. Mặt cúi gầm, chân tay thoăn thoắt cầm cần cào sục sạo dưới bãi cát. Thỉnh thoảng các em cúi xuống nhặt nhạnh những con nghêu vừa mới trồi lên khỏi bãi cát để đem về đổi lấy từng lon gạo. Cũng có ngày “trúng mánh”, các em kiếm được cả trăm ngàn đưa má mua gạo.

Nghề cào nghêu đã nuôi sống biết bao gia đình 

Nghề cào nghêu đã nuôi sống biết bao gia đình tại Cần Giờ

Hơn 8 giờ tối, biển thật sự vắng lặng, chỉ có tiếng sóng xô vào bờ ràn rạt. Cái lạnh của biển đêm thật sự đáng sợ nhưng không đủ để hăm dọa, cản ngăn bước chân những người cào nghêu, những đứa trẻ bắt ốc. Chị Phụng, quẹt vội những giọt nước trên mặt nói: “Chỉ có cần cào này nuôi gia đình chúng tôi “. Trả lời những câu thật ngắn rồi chị Phụng lại bắt đầu một cuộc tảo tần.

Trời tối dần, bờ lùi dần về phía sau, biển mờ mịt trước mặt, hàng trăm người cào nghêu kéo nhau ra ngoài khơi xa gần cây số để cào nghêu 

Trời tối dần, bờ lùi dần về phía sau, biển mờ mịt trước mặt, hàng trăm người cào nghêu kéo nhau ra ngoài khơi xa gần cây số để cào nghêu

Những cơn gió cuối mùa tiếp tục xô những con sóng cuồn cuộn vào bờ. Bãi nghêu hiện lên như một sân vận động lớn, đông người. Nhìn về biển như thấy một cánh đồng. Ở đó không có mùa lúa, bắp nhưng có mùa nghêu, mùa ốc,…Không quản ngày, đêm, mưa, nắng. Không ngại nước mặn, đồng chua. Đôi lúc gió gào, biển xô nhưng người dân sống ở Cần Giờ không chạy trốn, không kiếm tìm những chân trời xa xôi khác. Người dân Cần Giờ như rễ cây bám sâu vào đất.

Nếu không có Cần Giờ, Sài Gòn sẽ không có biển; còn người dân ở huyện Cần Giờ, họ như những hàng dương, thích đứng bên biển bao la chứ không muốn tìm đường vào phố.

>> Cần Giờ TP.HCM có khoảng 60 tổ sản xuất nghêu với hơn 574 hộ. Tổng diện tích các sân nghêu khoảng 1.068 ha. Vào mùa cao điểm số người cào nghêu có thể lên đến cả nghìn, trong đó có khoảng 500 người dân địa phương sống chủ yếu dựa vào nghề này. Một số lao động khác đến từ các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp,…

Bình Nguyên

Báo Đất Việt

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!