Haenyeo là từ dùng để chỉ những người phụ nữ làm nghề lặn tự do trên đảo Jeju, Hàn Quốc. Hàng thế kỷ qua, họ thu thập thức ăn ở biển mà không sử dụng bất cứ thiết bị lặn hỗ trợ nào.
Chế độ mẫu quyền của Jeju
Cuộc thực dân hóa Nhật Bản vào cuối thế kỷ 19 đã khiến những người đàn ông trên hòn đảo này phải chịu mưc thuế nặng nề. Để đấu tranh với luật lệ hà khắc đó, những người phụ nữ đã thay chồng mình thực hiện công việc lặn biển và nhanh chóng trở thành trụ cột kinh tế của gia đình. Việc truyền nghề giữa những thế hệ phụ nữ trong gia đình đã nhanh chóng thiếp lập chế độ mẫu quyền duy nhất trên hòn đảo Jeju, trong khi cùng thời điểm đó khu vực châu Á vẫn theo chế độ nam quyền truyền thống.
Các Haenyeo lặn dưới nước chỉ với bộ áo lặn, mặt nạ, và dụng cụ cắt, họ không bao giờ sử dụng bình ôxy hay mặt nạ dưỡng khí. Công việc của họ là tìm kiếm những con mực phủ (bạch tuộc), bào ngư và ốc xà cừ. Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, các Haenyeo có thể lặn sâu 60 feet, nín thở trong 3 phút và không sử dụng bất kỳ hỗ trợ kỹ thuật nào. Jeju là hòn dảo núi lửa nằm ở phía nam đảo chính của Hàn Quốc, phía tây của miền Bắc Nhật Bản, và là một trong hai nơi duy nhất trên thế giới có những “thợ lặn” lành nghề như thế.
Việc lặn dưới nước với những mối nguy hiểm luôn rình rập đã thôi thúc những người phụ nữ đoàn kết, làm việc theo nhóm. Họ thường quây quần bên lửa trại sau một ngày làm việc để đưa ra những quyết định về chính trị của làng. Bên cạnh đó, họ chuẩn bị cho con gái mình những hành trang “săn bắt hái lượm” trên đại dương từ rất sớm. Họ dạy chúng cách giữ ôxy để kéo dài thời gian lặn và luôn đề cao tinh thần làm việc theo nhóm.
Sẽ trở thành dĩ vãng?
Nghề thợ lặn do phụ nữ đảm nhận dần dần không được xã hội đồng tình bởi đó là một nghề cực kỳ nguy hiểm đồng thời mang lại lợi nhuận trực tiếp cho Nhật Bản, bởi họ là những người thu mua các “thành quả” của Haenyo sau chuyến lặn biển. Sự phát triển du lịch trên đảo Jeju đã giúp những người phụ nữ trẻ không phải gắn bó với nghề “gia truyền” nữa, do đó số lượng Haenyeo ngày nay không còn nhiều. Trong 50 năm qua số lượng này đã giảm từ 30.000 còn 3.000, phần lớn các Haenyeo còn gắn bó với nghề đều trên 60 tuổi.
Hiện nay, những người phụ nữ này đã hiểu được bản chất công việc lặn biển và vai trò của họ trong xã hội đương đại đã thay đổi đáng kể. Mặc dù tôn trọng văn hóa và lịch sử, nhưng vấn đề sức khỏe do lặn biển, khả năng cho con cái tới trường đại học, cũng như những phương tiện hiện đại giúp thu gom thực phẩm biển đã giúp họ hiểu ra rằng phủ nhận cách phương thức kiếm sống cổ hủ là cách tốt nhất cho bản thân và gia đình. Mặc khác, chính quyền Jeju vẫn nỗ lực giữ gìn văn hóa Haenyeo và tuyên truyền lịch sử và lối sống độc đáo này ra thế giới. Họ đã mở các trường dạy lặn trên hòn đảo để khuyến khích du khách và phụ nữ trẻ Hàn Quốc tham gia và học cách lặn như người Haenyeo.