Đối với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống thủy sản cần phải đáp ứng được các yêu cầu sau của Bộ NN&PTNT:
-Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư về giống thủy sản hoặc Quyết định quy định chức năng nhiệm vụ về nghiên cứu, sản xuất giống thủy sản áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập;
-Địa điểm xây dựng phải theo quy hoạch của địa phương hoặc có văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền: Lựa chọn ví trí và mặt bằng xây dựng; nguồn nước và chất nước phải đảm bảo phù hợp với yêu cầu để sản xuất giống; cách xa khu dân cư, các nguồn nước thải và thuận lợi đường giao thông;
-Tại cơ sở sản xuất giống phải có ít nhất một nhân viên kỹ thuật có trình độ từ trung cấp nuôi trồng thủy sản trở lên hoặc có giấy chứng nhận/chứng chỉ được đào tạo về nuôi trồng thủy sản do cơ quan có chức năng cấp;
Trại giống cần có cơ sở vật chất phù hợp từng loại thủy sản – Ảnh: Diệu Lữ
-Khi mới nhập giống thủy sản mới về phải có nơi cách ly theo dõi sức khỏe. Cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với từng loài thủy sản và từng phẩm cấp giống; đáp ứng Quy chuẩn Quốc gia cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản sống – điều kiện vệ sinh thú y;
– Có bảng hiệu, có địa chỉ rõ ràng: Thường được ghi trên nhãn mác, bao bì sản phẩm khi đóng tôm giống; hoặc người nuôi có thể đến trực tiếp cơ sở để mua con giống;
-Phải công bố tiêu chuẩn chất lượng giống thủy sản và đảm bảo chất lượng giống thủy sản đã công bố; thực hiện ghi nhãn giống thủy sản khi lưu thông theo quy định;
– Thực hiện ghi chép hồ sơ theo dõi quá trình sản xuất kinh doanh giống thủy sản và lưu giữ hồ sơ tối thiểu là ba năm. Đối với cơ sở sản xuất giống thủy sản đã đăng ký áp dụng quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt VietGAP, GlobalGAP hoặc các tiêu chuẩn tương đương trở lên, thực hiện lập hồ sơ quản lý quá trình sản xuất giống theo tiêu chí quy định của quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt và hướng dẫn của tổ chức có thẩm quyền đánh giá, chứng nhận.
-Có cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với từng loài thủy sản và từng phẩm cấp giống: Hệ thống bể, ao ương, dưỡng giống thủy sản; nguồn nước sạch và hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt; thiết bị, dụng cụ đảm bảo cho việc ương, dưỡng giống thủy sản;
– Thực hiện ghi chép hồ sơ theo dõi trong quá trình ương, dưỡng giống thủy sản và thực hiện lưu giữ hồ sơ tối thiểu ít nhất là hai năm;
– Có ít nhất một nhân viên kỹ thuật có trình độ đại học chuyên ngành nuôi trồng thủy sản trở lên.
-Có đàn giống thủy sản đảm bảo chất lượng: Giống thuần chủng hoặc giống đã được công nhận thông qua khảo nghiệm hoặc có phẩm cấp giống là kết quả của đề tài, dự án nghiên cứu/chọn tạo đã được công nhận cấp Bộ hoặc cấp nhà nước;
-Tổ chức, cá nhân trước khi sản xuất kinh doanh giống thủy sản bố mẹ chủ lực phải gửi văn bản thông báo đến Tổng cục Thủy sản để tổng hợp, theo dõi và quản lý.
>> Các cơ sở, doanh nghiệp và người dân muốn biết rõ về các điều kiện sản xuất và kinh doanh giống thủy sản tại Việt Nam có thể theo dõi các văn bản quy phạm pháp luật sau: – Điều 33, 34 Luật Thủy sản – Điều 19 Pháp lệnh giống vật nuôi của Ủy Ban Thường vụ quốc hội số 16/2004/PL-UBTVQH ngày 24/3/2004. – Điều 11 Nghị định 59/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 4/5/2005 về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản. – Điều 1 Nghị định 14/2009/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 4/5/2005 – Chương II Thông tư 26/2013/TT-BNNPTNT ngày 22/5/2013 của Bộ NN&PTNT về việc quản lý giống thủy sản. – Thông tư số 82/2009/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2009 Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất thủy sản. – Thông tư số 71/2011/TT-BNNPTNT ngày 25/10/2011 Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực Thú y. |