T2, 06/07/2020 11:00

Những tác phẩm từ tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Từ những con tôm tưởng chỉ để làm món ăn, các nghệ sĩ, nhà khoa học đã lấy đó làm cảm hứng sáng tác, nghiên cứu. Đó là những tác phẩm nghệ thuật sáng tạo trong cuộc sống thường ngày hay đã đi vào giai thoại, những phát minh khoa học như phát triển vật liệu siêu nhẹ, siêu bền hay thuốc giúp kéo dài tuổi thọ…

Từ tác phẩm nghệ thuật…

Tranh tôm của Tề Bạch Thạch

Tề Bạch Thạch (1863 – 1957), tên thật Tề Thuần Chi, là một trong những họa sĩ nổi tiếng của hội họa Trung Quốc. Tên tuổi ông gắn liền với những bức tranh vẽ tôm đạt trình độ kiệt xuất. Có lẽ, chính nhờ con tôm gắn liền với cuộc sống hằng ngày đã tạo cảm hứng vô tận cho ông. Ngay từ nhỏ, ông thường đi bắt tôm hay lấy hoa gạo câu tôm. Lớn lên, thậm chí khi tuổi đã cao, ông vẫn nuôi tôm. Ngày ngày, ông quan sát chúng. Khi thấy hứng thú hoặc phát hiện được những động thái, dáng vẻ lạ, ông liền bày giấy bút ghi chép, ký họa ngay. Ai có dịp tận mắt xem Tề Bạch Thạch vẽ tôm cũng thấy lạ. Ông chỉ cần 15 – 20 phút, hoặc có khi ít hơn, ngoáy bút một cách phóng túng và dễ dàng, chẳng khác người thường viết chữ. Vậy mà hình thù, thể chất, động thái, thần sắc cho đến các bộ phận của con tôm đều rất có thần.

Những bức tranh tôm của Tề Bạch Thạch không những vượt xa người xưa về trình độ kỹ pháp, bút lực, mà còn mở ra những hướng mới trong xử lý và sáng tạo ngôn ngữ tạo hình. Tôm trong tranh của Tề Bạch Thạch có con ngang, con dọc, con bơi, con nằm im… với nhiều hướng độ khác nhau; cho đến những bộ chân lúc tôm đang bơi, có chân co chân duỗi, hoặc những bộ râu ngắn, dài, hay uốn cong theo chiều bơi lội của chúng… Tất cả đều được ông miêu tả tinh tế, không trùng lặp.

Một vài năm trước khi qua đời, Tề Bạch Thạch còn vẽ những bức tranh tôm cao hàng mét, các bộ phận của con tôm được khắc họa cực kỳ giản lược nhưng vô cùng tinh tế, với bút lực phóng túng, hào hoa.

 

Mô tô từ vỏ tôm hùm

Một đầu bếp người Đài Loan đã tạo nên một tác phẩm độc đáo khi biến vỏ tôm hùm thành siêu mô tô đẹp và ấn tượng. Vì được làm từ vỏ tôm hùm đã được chế biến nên chiếc mô tô có màu cam. Chiếc xe được làm rất chi tiết, tỉ mỉ, thậm chí có cả biển số. Tác phẩm đã thu hút nhiều người đến chiêm ngưỡng và được đưa vào bài giảng khóa học nấu ăn tại khách sạn ở thành phố Phúc Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc.

 

… đến những phát minh khoa học

Vật liệu siêu nhẹ, siêu bền

Nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Đại học California (Mỹ) đã phát triển thành công một loại vật liệu có cấu trúc lấy cảm hứng từ càng của tôm tít. Một con tôm tít với chiều dài thân 10 – 15 cm nhưng sở hữu hai chiếc càng có thể búng về phía con mồi với gia tốc 22 cal, nhanh hơn gia tốc viên đạn và tạo ra lực lớn gấp 1.000 lần so với trọng lượng chính nó. Theo tính toán, lực búng của một con tôm tít dưới nước có thể tới 91 kg. Vì thế, tôm tít có thể hạ gục nhiều loài giáp xác khác, kể cả cua với lớp vỏ cứng.

Nhóm nhà nghiên cứu thuộc Đại học California đã phát hiện chiếc càng tôm tít tạo thành từ nhiều lớp cuticle chồng lên nhau với các lớp endocuticle bên trong. Cấu trúc này thực chất là sự sắp xếp xoắn ốc của các thớ khoáng chất xơ, từng lớp đan xen và được xếp xoáy tròn hướng vào nhau, hình thành một vòng xoắn ốc. Chính cấu trúc hình xoắn ốc này đã giúp hấp thụ phản lực khi chiếc càng được búng ra. Từ đó, các nhà nghiên cứu đã chế tạo nên một cấu trúc xoắn ốc tương tự bằng vật liệu sợi tổng hợp carbon epoxy. Mỗi lớp sợi được xếp thành từng nhóm 3 sợi đặt với 3 góc độ khác nhau, từ 10 đến 25 độ. Lớp này nối tiếp lớp khác tạo thành cấu trúc xoắn ốc hoàn chỉnh.

Kết quả của nghiên cứu hứa hẹn cho ra đời một loại vật liệu siêu nhẹ, siêu bền có thể sử dụng trong ngành hàng không vũ trụ hay sản xuất xe hơi. Ngoài ra, nó có thể được sử dụng để chế tạo áo giáp, nón bảo hộ…

 

Thuốc kéo dài tuổi thọ


Gần đây, các nhà khoa học Thụy Sĩ đã công bố một loại thuốc mới có thể giúp kéo dài tuổi thọ có thành phần chính là hợp chất glucosamine có trong vỏ tôm, cua. Loại thuốc này đã phát huy tác dụng trên chuột bạch. Trong quá trình thí nghiệm, Tiến sĩ Michael Ristow – nhà sinh học tại Viện Công nghệ Thụy Sĩ đã phân chia các chú chuột thành hai nhóm. Trong đó có một nhóm được bổ sung chất glucosamine vào khẩu phần ăn hằng ngày. Kết quả thu được, các chú chuột này đều sống thêm quãng thời gian bằng 1/10 tổng tuổi thọ thông thường của nó. Nếu được áp dụng vào đời thực, loại thuốc này có thể giúp chúng ta sống thêm 8 năm, nâng tuổi thọ trung bình lên 89 tuổi (ví dụ được áp dụng cho tuổi thọ trung bình của người Anh). Tuy nhiên, giáo sư Tim Spector – một chuyên gia dịch tễ học di truyền và bệnh thấp khớp tại Đại học King College London, cho rằng: “Những nghiên cứu mới về glucosamine có thể tạo bước tiến lớn cho nhân loại. Nhưng loài người không giống loài chuột. Liệu loại thuốc mới này có phát huy tác dụng trên cơ thể người? Cần có thời gian chứng minh. Chính vì thế, chúng ta cần thận trọng nghiên cứu trước khi đưa loại thuốc này vào thử nghiệm, đặc biệt với những người dị ứng với các thành phần của thuốc”.

Trần Vân (Tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!