Đầu tư cho an ninh biển đảo luôn là vấn đề nóng, đặc biệt ở các quốc gia có bờ biển. Hãy cùng điểm qua các tàu ngầm sử dụng cho mục đích quốc phòng thiện chiến nhất trên thế giới hiện nay.
Virginia Class (Mỹ)
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược của hải quân Mỹ Virginia Class được thiết kế với phạm vi hoạt động rộng khắp đại dương, cũng như sử dụng cho các nhiệm vụ ven biển. Tàu là một thay thế hợp lý với giá thành phải chăng, kích cỡ nhỏ hơn và linh hoạt hơn so với tàu Seawolf – loại tàu đắt tiền với trang bị tối tân. Tàu ngầm được đưa vào sử dụng từ năm 2004, với độ lặn tối đa là hơn 250 m, trang bị 12 ống phóng thẳng đứng. Chúng dùng để phóng tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk với phạm vi lên tới 1.700 km. Ngoài ra, còn có 4 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm để phóng 48 ngư lôi hạng nặng và tên lửa đối hạm cận âm Harpoon. Đây cũng là tàu ngầm đầu tiên của Mỹ có khu vực riêng cho biệt đội hải kích Navy SEAL gồm 9 thành viên để tiếp cận và rời tàu. Đã có tổng cộng 30 chiếc Virginia Class được đặt làm.
Soryu Class (Nhật)
Chiếc tàu Soryu Class đầu tiên được giao cho Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản thực hiện nhiệm vụ vào năm 2009. Khác với các tàu ngầm khác trong danh sách, Soryu Class sử dụng động cơ đẩy điện – diesel, với trang bị hệ thống động cơ đẩy không khí độc lập. Nhật Bản cũng là quốc gia duy nhất sử dụng loại động cơ này. Nhờ đó, tàu ngầm có thể ở dưới nước trong thời gian dài mà không cần lên mặt nước để sạc điện. Điều đó giúp độ bền ngập tăng lên đáng kể, tính theo ngày và tuần, cũng như tăng cường khả năng tàng hình và hoạt động. Tuy vậy, phạm vi và độ bền của chúng không được như các tàu ngầm tấn công hạt nhân. Soryu Class được thiết kế thủy động lực học, trang bị lớp phủ không phản xạ, cô lập âm thanh trong khoang tàu. Chiếc tàu này không có hệ thống phóng thẳng đứng, chỉ bao gồm 89 ngư lôi hạng nặng và tên lửa đối hạm, với độ lặn sâu 250 m.
Astute Class (Anh)
Đây là tàu ngầm tấn công hạt nhân sử dụng cho Hải quân Hoàng gia từ năm 2010. Hiện, đã có 7 chiếc được đặt hàng. Đây là tàu ngầm được làm để thay thế tàu Swiftsure Class trước đó. Loại tàu này có khả năng tàng hình tốt hơn trong khi mang nhiều vũ khí hơn, với 6 ống phóng ngư lôi 533 mm để sử dụng cho 36 chiếc ngư lôi Spearfish, tên lửa đối hạm Harpoon và tên lửa hành trình Tomahawk Block IV. Tàu có độ lặn sâu 150 m.
Shang Class (Trung Quốc)
Tàu ngầm hạt nhân tấn công Shang Class, hay còn gọi là Type 093, thể hiện bước tiến của Trung Quốc trong khả năng tác chiến dưới nước, mặc dù còn chưa được tối tân như các tàu ngầm mới nhất do phương Tây sản xuất. Type 093 đã được nghiên cứ phát triển từ giữa những năm 1980 trong một chương trình tối mật, tới năm 2002 mới ra mắt chiếc đầu tiên, và 2006 đi vào hoạt động. Chiếc thứ 2 ra đời năm 2003, một số nguồn tin cho rằng chiếc thứ 3 hiện đang được lắp ráp. Type 093 trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533 mm, dùng cho một loạt các loại tên lửa chống hạm và chống tàu ngầm của Trung Quốc hoặc của Nga, cũng như tên lửa chống hạm Trung Quốc YJ-82.
Seawolf Class (Mỹ)
Seawolf là tàu ngầm tối tân nhất, đắt tiền nhất và thiện chiến nhất trên thế giới. Đây là lớp tàu ngầm tấn công hạt nhân được thiết kế với mục đích ban đầu chuyên “tìm và diệt” tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Nga, ví như Typhoon Class hay Akula Class. Ngoài khả năng chống tàu ngầm và tàu trên mặt nước, Seawolf còn thích hợp cho tấn công với các thiết bị điện tử được trang bị tinh vi. Nhằm làm giảm tiếng ồn do việc phóng ngư lôi gây ra, tránh bị tàu ngầm đối phương phát hiện, Seawolf trang bị 8 ống phóng ngư lôi cỡ 660 mm nhưng lại chỉ được dùng để phóng ngư lôi hạng nặng Mk48 cỡ 533 mm. Theo đánh giá của liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), hệ thống đẩy của Seawolf êm gấp 70 lần so với thế hệ đầu tiên của tàu Los Angeles Class. Tốc độ của Seawolf nhanh hơn hầu hết mọi tàu ngầm khác, độ lặn sâu 487 m và có thể hoạt động ở các vùng cực. Khởi đầu đã có 12 tàu được đặt làm, tuy vậy giá của chúng vẫn quá cao thậm chí cho cả nước Mỹ để lắp ráp và duy trì, vì vậy hiện chỉ có 3 tàu đã được làm và đều đang hoạt đông.
Akula Class (Liên Xô cũ)
Akula Class là lớp tàu ngầm đầu tiên đánh dấu sự cải thiện đáng kể trong thiết kế tàu chiến của Liên Xô, phục vụ Hải quân Liên Xô từ năm 1986. Việc sử dụng các công nghệ thương mại phương Tây làm giảm tiếng ồn đã gây sửng sốt trong thời Chiến tranh Lạnh, một điều mà NATO luôn giữ lợi thế trước đó. Akula có thiết kế thủy động lực học tương tự tàu ngầm Oscar-II và Sierra-II Class với đặc trưng là chiếc phao định vị thủy âm ở cuối đuôi tàu. Tàu ngầm đã được nâng cấp mang tên Akula II Class, thậm chí còn êm hơn đối thủ cùng thời, đó là tàu ngầm Los Angeles phiên bản nâng cấp. Akula lặn được ở độ sâu 300 m, được trang bị 4 ống phóng ngư lôi 533 mm và 4 ống phóng ngư lôi 650 mm, mang theo 40 tên lửa.
Graney Class (Nga)
Tàu ngầm Graney Class (Project 885 Yasen) là loại tàu ngầm tấn công chạy bằng hạt nhân mới nhất của Nga, đưa vào sử dụng từ 2013. Thiết kế của Graney dựa trên các tàu ngầm Akula và Alfa trước đó. Chúng được trang bị 24 ống phóng thẳng đứng, 8 ống phóng ngư lôi 650 mm. Một số tên lửa hành trình có thể có tầm bắn trên 3.000 km, trong khi đó những tên lửa còn lại được thiết kế để trở thành “sát thủ diệt tàu sân bay”. Tàu ngầm Graney có độ tự động hóa cao, đây là lý do số lượng thành viên thủy thủ đoàn chỉ chưa bằng một nửa số 134 người cần thiết để điều khiển tàu ngầm Virginia Class của Mỹ. Chiếc Graney đầu tiên mang tên Severodvinsk, và hiện có ít nhất 6 chiếc khác đã được đặt hàng.
Los Angeles Class – bản nâng cấp (Mỹ)
Los Angeles Class là tàu ngầm tấn công hạt nhân chủ lực của hải quân Mỹ với hơn 40 chiếc đang hoạt động. Những con tàu đầu tiên được hoàn thành vào năm 1988 được trang bị 12 ống phóng thẳng đứng, bốn ống 533 mm phóng ngư lôi sử dụng cho tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk, tên lửa Harpoon, ngư lôi Mk.48, có độ lặn giới hạn là 450 m. Lớp tàu ngầm Los Angeles đã nâng cấp chạy êm hơn 7 lần so với bản tiền nhiệm. Loại tàu này có thể hoạt động dưới băng, nơi các tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Nga hay trú ngụ.
Ohio class (Mỹ)
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Ohio Class từng được thiết kế để mang tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (SSBN). Ohio Class có thể mang được 24 tên lửa đạn đạo Trident II với tầm phóng trên 12.000 km, mỗi tên lửa mang theo 12 đầu đạn. Lượng vũ khí này có sức công phá bằng với tất cả lượng bom đạn trong Thế chiến II, đủ sức tiêu diệt hoàn toàn một lục địa. Từ năm 2002, 4 chiếc trong số loại tàu này được chuyển đổi sang tàu mang tên lửa hành trình (SSGN). Mỗi chiếc SSGN có thể mang tới 154 tên lửa hành trình Tomahawk, thể hiện sức tấn công mạnh mẽ. Mỗi tàu Ohio chuyển đổi cũng có buồng khóa khí và có khả năng vận chuyển lực lượng đặc biệt như Navy SEAL.
Oscar II Class (Nga)
Oscar-II là lớp tàu ngầm tên lửa mang năng lượng hạt nhân của Nga (SSGN), đây là một trong những tàu ngầm được thiết kế hiện đại và thiện chiến nhất, cũng là tàu lớn thứ ba trên thế giới về chiều dài và trọng lượng nước rẽ, chỉ sau tàu Typhoon (Nga) và tàu Ohio (Mỹ). Oscar-II Class là biến thể nâng cấp từ Oscar-I và được đưa vào hoạt động trong Hải quân Nga từ cuối những năm 1990. Liên Xô đã đóng 11 trong tổng số 19 tàu theo dự kiến để đối phó với những tàu ngầm mà quân đội NATO đã sử dụng, hiện tại có 4 tàu còn hoạt động cho Hải quân Nga. Lớp tàu ngầm này được trang bị 24 tên lửa hành trình chống hạm P700-Granit (SS-N-19 Shipwreck) tầm bắn 550 km cùng hai ống ngư lôi 650 mm và bốn ống 533 mm, có độ lặn giới hạn 500 m.