Cuối năm, biển Cửa Tùng (Vĩnh Linh, Quảng Trị) trở nên rét lạnh, trời âm u, mọi hoạt động mưu sinh tại thị trấn dường như chậm lại. Tuy vậy, trong cái rét căm của xứ biển, nhiều ngư dân nơi đầu sóng ngọn gió vẫn tiếp tục vượt những con sóng lớn, hòa mình với những cơn mưa, hứng chịu những cơn gió lạnh thổi thẳng vào người, vững vàng tiến ra khơi xa để câu những mẻ cá lớn, để kết thúc những ngày cuối cùng của mùa câu.
Cuối năm, biển Cửa Tùng (Vĩnh Linh, Quảng Trị) trở nên rét lạnh, trời âm u, mọi hoạt động mưu sinh tại thị trấn dường như chậm lại. Tuy vậy, trong cái rét căm của xứ biển, nhiều ngư dân nơi đầu sóng ngọn gió vẫn tiếp tục vượt những con sóng lớn, hòa mình với những cơn mưa, hứng chịu những cơn gió lạnh thổi thẳng vào người, vững vàng tiến ra khơi xa để câu những mẻ cá lớn, để kết thúc những ngày cuối cùng của mùa câu.
Những ngày cuối của mùa câu cũng là khoảng thời gian câu cá khó nhọc nhất của các ngư dân. Vì thời gian này ra khơi rất lạnh, sóng to, cá ít hơn và thời gian câu cá trong ngày cũng được rút ngắn vì biển động. Dù nghề câu đòi hỏi tính kiên trì, kỹ thuật, chịu khó nhưng cũng là hình thức đánh bắt thú vị nhất, đầu tư ít tốn kém mà vẫn cho thu nhập khá cao.
Vào mỗi buổi chiều, khi các thuyền câu cập bến, cảng cá Cửa Tùng lại nhộn nhịp, náo nhiệt bởi hình ảnh người vợ đon đả đón chồng, các thùng cá đầy ắp được quy tụ về cân bán, rồi mọi người chia nhau những khoản thu nhập trong một ngày lao động, các ngư dân cười đùa với nhau, tiếng mua bán lao xao, mọi thứ tạo thành một tạp âm đặc biệt, làm nổi bật một góc nhỏ nơi vùng biển Cửa Tùng giữa mùa đông lạnh giá.
Các ngư dân vẫn miệt mài câu cá giữa mùa đông -Ảnh:TL
Theo lời kể của những ngư dân nơi vùng biển, để câu được cá, vào tháng 4 các ngư dân sẽ tụ họp lại với nhau chuẩn bị những vật liệu làm nhà cho cá về. Trước hết họ sẽ mua những cây tre to, dài khoảng 5 mét, đan thành những chiếc lồng tre hình tam giác, bao quanh những chiếc lồng tre là những lớp lưới, trên đỉnh lồng được cột chặt những đoạn dây thừng dài, đầu còn lại của dây thừng là những ống phao lớn nhằm giữ cho lồng tre đứng thẳng khi thả xuống đáy biển. Tiếp đến là công đoạn chặt lá cây phơi khô. Lá cây sẽ được kết thành bó, cột chặt vào dây thừng. Khi thả lồng tre xuống biển, họ sẽ thả vào trong lồng tre những tảng đá lớn nhằm giữ cho lồng tre không bị trôi đi.
Anh Lê Cảm, một ngư dân cho biết, mỗi chiếc lồng tre được thả khoảng 9 tấn đá; mỗi mùa câu bình quân 1 thuyền làm khoảng 10 nhà tre như vậy, riêng thuyền của anh Cảm làm 13 tổ cá trong một mùa câu. Các tổ cá đều được bấm tọa độ bằng thiết bị định vị khi thả xuống biển.
Tháng 5, 6, 7 là 3 tháng cao điểm của mùa câu. Thời gian này tuy nắng nóng, nhưng sản lượng cá câu được rất cao. Tháng 11 về, mùa câu bước vào những ngày cuối. Thường thời gian này, những ngày biển động mạnh thì các thuyền câu sẽ ngừng lại, đợi biển êm sẽ tiếp tục ra biển câu cá 2 giờ sáng của một ngày giữa tháng 11, trong cái rét căm của mùa đông, nhiều ngư dân Cửa Tùng đổ về cảng cá để chuẩn bị cho một ngày mưu sinh mới. Có khoảng 6 chiếc thuyền câu sẽ tiến ra khơi. Bình quân mỗi thuyền có 10 người tham gia câu cá. Họ chia nhau làm từng công việc chuẩn bị trước khi thuyền nhổ neo.
Khoảng 3 giờ sáng, các thuyền câu nối đuôi nhau tiến ra khơi xa. Ở mỗi thuyền câu đều rôm rả những câu chuyện vui, những tiếng cười đùa của các ngư dân hứa hẹn một ngày câu cá bội thu. 5 giờ sáng, các thuyền câu dừng lại. Mỗi thuyền đều có một vùng biển câu cá riêng khoảng cách chừng 3 hải lý.
Trong ánh sáng lờ mờ khi trời chưa sáng, các ngư dân trên thuyền câu của anh Lê Văn Dũng ở tại khu phố An Đức III, thị trấn Cửa Tùng tranh thủ ăn vội những vắt cơm lót dạ. Bữa sáng chỉ đơn giản và chỉ kéo dài trong vòng 10 phút. Sau đó mọi người chọn cho mình một chỗ ngồi, soạn những cần câu tre kèm theo các ống dây cước để chuẩn bị câu cá. Ống câu của các ngư dân rất đặc biệt. Đầu mỗi ống dây cước được cột chặt khoảng 20 lưỡi câu; khoảng cách giữa các lưỡi câu là 15 cm; để các lưỡi câu xuống tới các tổ cá họ buộc thêm một cục chì nặng khoảng 300g. Các ống câu được nối trực tiếp với cần câu tre qua một cái ròng rọc để kéo ở đầu cần câu. Một điều thú vị trong nghề câu của những ngư dân là họ câu cá mà không cần mồi câu. Thường thì họ thay thế mồi câu bằng những chùm lông màu sắc rực rỡ buộc chặt vào lưỡi câu.
Tiếng reo của mọi người vang lên khi cú giật câu đầu tiên của anh Dũng bén cá, có khoảng 10 con cá tròng trèng bén câu. Tiếp đó các ngư dân thi nhau cuộn ống câu lấy cá, chủ yếu là cá tròng trèng, cá cụm váy và một vài loại cá tạp khác. Cứ vậy những ngư dân miệt mài câu cá mà quên đi những con sóng mạnh đang đập vào mạn thuyền, quên đi cái lạnh run người đang bủa vây lấy họ. Dường như mùa đông không có ở trên thuyền câu của những ngư dân giữa biển trời.
Khoảng 12 giờ trưa, các ngư dân dừng câu ăn cơm. Bên cạnh nồi cá luộc nóng hổi các anh ăn vội những chén cơm. Bữa cơm trưa trên biển giữa thời tiết lạnh nhưng ấm cúng vô cùng. Các anh chia nhau từng con cá là “chiến lợi phẩm” do chính mình kiếm được, vừa ăn vừa cười đùa vui vẻ.
Đến 3 giờ chiều công việc câu cá được dừng lại, thuyền câu nhổ neo và nổ máy quay về với đất liền. Trên chặng đường về với cảng cá, họ lại hát vang những bài ca, kể cho nhau nghe những câu chuyện vui xua tan đi không khí giá lạnh mùa đông.
Về đến cảng cá, những người vợ lại giúp chồng chuyển những thùng cá xuống cảng cân bán. Các thuyền câu cứ thế nối đuôi nhau cập bến kết thúc một ngày lao động mệt nhọc. Kết quả một ngày câu nặng nhọc của thuyền câu anh Dũng là 4 tạ cá tròng trèng, vài chục cân cá tạp, thu về 5 triệu đồng chia đều cho mọi người. Các thuyền câu còn lại cũng thu được sản lượng tương tự.
Cuối năm biển Cửa Tùng trở nên lạnh giá, biển động nhiều hơn với những con sóng dữ, nhưng những ngư dân vẫn đội trời, đội mưa, vẫn miệt mài lao động trên mặt biển. Mùa câu đi qua, rồi sẽ có mùa đánh bắt khác tiếp tục, ngư dân vẫn bám lấy biển quanh năm. Họ can đảm trước những con sóng lớn, trước những nguy hiểm và khó khăn. Với họ mỗi lần tiến ra khơi không chỉ là những lần mưu sinh mà đó còn là niềm vui sống, lao động…