Khảo sát tại các đại lý phân bón trên địa bàn tỉnh cho thấy, giá các loại phân bón đang ở mức rất cao. Cụ thể như: phân DAP nhập khẩu có mức giá khoảng 23 – 25 nghìn đồng/ kg, DAP sản xuất trong nước cũng ở mức trên dưới 19 nghìn đồng/kg; phân Urea giao động ở mức 18 – 19 nghìn đồng/kg; phân Kali cũng khoảng 14 nghìn đồng/kg… Như vậy, nhiều loại phân bón đã có mức tăng hơn 100% so với thời điểm tháng 8/2021. Điều này đang gây ra áp lực lớn cho vụ Đông Xuân 2021 – 2022, không ít nông dân, HTX gặp khó khăn, thậm chí tỏ ra e ngại không dám đầu tư vì sợ thua lỗ.
Khách hàng mua phân bón tại cửa hàng trên địa bàn huyện Hoa Lư. Ảnh: Anh Tuấn
Bà Tống Thị Nhận, thôn Ngọc Lâm, xã Yên Lâm, huyện Yên Mô có 2 sào đất trồng cây màu và 5 sào ruộng cấy lúa. Vụ lạc đông vừa qua, do ảnh hưởng của mưa lớn đầu vụ nên năng suất kém. Hiện nay chuẩn bị vào vụ khoai tây và lúa Đông Xuân, nông dân cũng gặp nhiều khó khăn.
Bà Nhận chia sẻ: “Giá phân bón tăng quá cao trong khi giá lúa bán ra không tăng. Chưa kể những rủi ro về sâu bệnh, thiên tai. Rồi không biết có thu được đồng lãi nào không, nhưng nông dân chúng tôi không làm ruộng thì biết làm gì được? Tôi mong muốn các ngành chức năng có chính sách kìm giá phân bón để bà con yên tâm sản xuất”.
Còn ông Dương Đức Hồng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quang Trung, xã Yên Thái, huyện Yên Mô cho biết: HTX đang rất lo lắng cho vụ Đông Xuân sắp tới bởi hiện nay giá các vật tư đầu vào cho sản xuất đều tăng. Thuốc BVTV tăng khoảng 5 – 20% tùy loại (trong đó thuốc trừ bệnh tăng mạnh hơn thuốc trừ sâu), tiền công làm đất cũng tăng do giá xăng dầu tăng, đặc biệt là giá phân bón tăng “chóng mặt”, nhiều loại có giá cao gấp đôi so với thời điểm đầu quý III/2021. Nghi ngại thua lỗ, ngay ở vụ Đông vừa qua, một số nông dân đã bỏ không làm. Toàn HTX chỉ gieo trồng được 10 ha vụ đông thay vì 30 ha như mọi năm.
Do vậy, vụ Đông Xuân tới đây, để giải được bài toán về hiệu quả sản xuất cho người nông dân là một vấn đề nan giải và nằm ngoài khả năng của HTX. Cũng theo tính toán của Giám đốc HTX Nông nghiệp Quang Trung, với mức giá vật tư đầu vào như hiện tại, 1 sào lúa phải đạt năng suất ít nhất là 1,7 – 1,8 tạ/sào thì nông dân mới có lãi.
Vụ Đông Xuân 2021 – 2022, Ninh Bình có kế hoạch xuống giống khoảng 47 nghìn ha cây trồng các loại, trong đó chủ đạo là lúa với 40 nghìn ha. Nhằm đảm bảo thắng lợi cho vụ sản xuất quan trọng nhất trong năm, ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương đã lên phương án cụ thể.
Trong đó, bố trí cơ cấu trà, giống, thời vụ gieo cấy để lúa trỗ bông vào giai đoạn thời tiết thuận lợi; quản lý chặt chẽ nguồn nước tưới, đảm bảo cung cấp kịp thời, đủ nước theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng… Các giải pháp kỹ thuật nhằm giúp nông dân giảm chi phí sản xuất đã được ngành Nông nghiệp tích cực khuyến cáo, hướng dẫn như: “bón đúng, bón đủ và bón cân đối” theo yêu cầu của từng chân đất, chú trọng bón lót đủ lượng, không lãng phí phân bón.
Tăng cường sử dụng các sản phẩm phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh để từng bước giảm lượng phân hóa học, thay thế phân đơn Urea, bằng phân NPK… Nếu nông dân quan tâm, áp dụng các biện pháp kỹ thuật như trên, có thể giảm giá thành sản xuất xuống chút ít nhưng cũng chỉ như “muối bỏ bể”, nỗi lo canh cánh không biết đến khi thu hoạch, giá nông sản có bù lại được cho giá phân bón vẫn còn đó. Mà dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường…
Nguyễn Lựu
Nguồn: Báo Ninh Bình