Con tôm càng xanh được đưa vào nuôi trên vùng đất Nho Quan vài năm trở lại đây và đang dần chứng minh hiệu quả kinh tế, giúp nhiều hộ dân làm giàu, nhất là tại các vùng đất trũng vốn khó khăn trong sản xuất.
Từ cuối tháng 10 đến nay, nông dân vùng chuyển đổi 1 lúa-1 cá của huyện Nho Quan bước vào vụ thu hoạch tôm càng xanh. Năm nay bà con vui mừng vì tôm được mùa, được giá, tiêu thụ thuận lợi.
Có mặt tại xã Văn Phú, ngay từ sáng sớm, tại nhiều ao đầm, xe thu mua của thương lái đã đến để thu mua tôm. Dưới nước, hàng chục đàn ông trai tráng thả lưới bắt tôm, trên bờ chị em phụ nữ lọc, phân loại tôm theo kích cỡ rồi cân, đưa lên xe. Mọi thao tác đều diễn ra rất nhanh để đảm bảo con tôm giữ được chất lượng, sức sống tốt nhất khi đến tay người tiêu dùng.
Với diện tích canh tác lớn, người dân địa phương cùng hỗ trợ nhau thu hoạch tôm.
Tươi cười phấn khởi vì hôm nay 1 mẫu nuôi tôm của mình cất lên được hơn 1 tấn, anh Phùng Văn Hiệp (thôn Phượng Lâm, xã Văn Phú) chia sẻ: Năm nay, do đã có kinh nghiệm và thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật từ xử lý nguồn nước, chọn mua con giống, ương nuôi, bổ sung thức ăn công nghiệp… nên tôm của tôi sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ hao hụt thấp. Với 1 mẫu ao nuôi chuyên canh và 10 ha ruộng nuôi cá – tôm kết hợp, dự kiến gia đình sẽ thu được sản lượng lên đến 4 tấn. Hiện, giá bán buôn tại ruộng là 200 nghìn đồng/1kg, như vậy sau khi trừ hết chi phí, tôi còn thu lãi khoảng 300 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với nuôi cá truyền thống trước đây.
15 năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản, đã từng thử nghiệm nuôi nhiều loại cá khác nhau nhưng hiệu quả mang lại chưa cao, bởi vậy 6 năm trước, ông Bùi Văn Sáu cùng thôn cũng đã thử sức với con tôm càng xanh và gắn bó với con nuôi này từ đó. Ông Sáu cho biết: Nuôi con cá truyền thống, chi phí giống, thức ăn cao, rủi ro dịch bệnh nhiều, đầu ra khó khăn. Con tôm càng xanh thì khác, chúng có sức sống tốt, có khả năng tận dụng thức ăn tự nhiên nên vài vạn tôm cũng chỉ mất 2 – 3 triệu đồng tiền thức ăn/tháng, giá giống cũng khá rẻ. Quan trọng nhất là phải quản lý tốt đàn tôm trong giai đoạn 1 tháng đầu sau khi xuống giống để không bị hao hụt, thất thoát; còn lại các quy trình nuôi, chăm sóc sau này khá đơn giản. Về thị trường, mặc dù giá tôm có lúc lên, lúc xuống nhưng nông dân nuôi tôm như ông chưa bao giờ phải chịu lỗ. Như năm nay, nhà nào nuôi tôm cũng thắng, gia đình tôi có trên 1 ha ao nuôi thâm canh dự kiến cũng thu về khoảng 1,5 tấn tôm, sau khi trừ chi phí lãi gần 200 triệu đồng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nét đặc thù của vùng nuôi Văn Phú là tôm được nuôi bằng nguồn nước suối thiên nhiên, người nuôi tôm cũng ngày càng mạnh dạn đầu tư nuôi theo hướng chuyên nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, do vậy con tôm ở đây rất chắc thịt, thơm ngon.
Bà con cho biết, năm nay nhờ thời tiết thuận lợi, nguồn nước dồi dào nên con tôm có tỷ lệ sống cao, nhanh lớn, kích cỡ đồng đều, nhà nào cũng được mùa, được giá. Rút kinh nghiệm từ các năm trước, do con tôm càng xanh không chịu được nhiệt độ thấp nên năm nay bà con ương nuôi và thả giống tôm ngay từ tháng 3, tháng 4, do vậy cuối tháng 10 đã được thu hoạch thay vì đến tận tháng 12 như trước kia. Người nuôi tôm bắt dần những con lớn bán trước nên khó xảy ra tình trạng bị rớt giá vì thu hoạch ồ ạt. Nhiều năm nay, giá tôm bán ra khá ổn định nên người nuôi tôm yên tâm đầu tư. Ngoài bán cho các vựa, chợ đầu mối, tôm càng xanh ở đây thường cung cấp trực tiếp cho các nhà hàng, khách sạn ở nhiều đô thị lớn với giá cao. Nhờ đó, dù diện tích và năng suất tôm càng xanh tăng nhanh so với những năm trước đó nhưng người nuôi không lo thiếu thị trường tiêu thụ cho loại con nuôi này.
Xã Văn Phú là một trong những địa phương có vùng sản xuất lúa – cá lớn nhất của huyện Nho Quan với diện tích khoảng 420 ha. Trong đó, diện tích chuyên canh tôm càng xanh là 10 ha, diện tích xen canh cá, tôm càng xanh là 200 ha. Ông, Đỗ Văn Thoại, Chủ tịch UBND xã Văn Phú cho biết: Qua tổng kết, mô hình nuôi tôm càng xanh của xã bước đầu cho hiệu quả, nhiều hộ có thu nhập tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Thời gian tới, để duy trì và nhân rộng mô hình này, chúng tôi tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho người dân tận dụng mặt nước sẵn có, thành lập các tổ, nhóm cùng sở thích nuôi tôm để hỗ trợ nhau trong sản xuất.
Không chỉ có xã Văn Phú, theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nho Quan, với hơn 3.000 ha đất vùng trũng cấy 1 vụ lúa, cùng với nhiều ao đầm chuyên canh thủy sản, vài năm trở lại đây, bên cạnh con cá truyền thống, nhiều nông dân trong huyện phát triển thêm con tôm càng xanh. Mô hình này nằm trong tốp đầu cho thu nhập cao tại địa phương nên không ngừng được nhân rộng. Đến nay, tổng diện tích nuôi tôm càng xanh trên địa bàn huyện trên 400 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Văn Phú, Sơn Thành, Thanh Lạc, Lạng Phong…
Như vậy, việc nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa được xem là mô hình kinh tế hiệu quả, ổn định và bền vững, chưa kể đây cũng là một mô hình nuôi trồng thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay. Tuy nhiên, để con tôm càng xanh phát triển bền vững, thiết nghĩ, địa phương cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch nuôi tôm càng xanh phù hợp với thực tiễn sản xuất, không để nông dân phát triển tự phát, quan tâm đầu tư bài bản về cơ sở hạ tầng; thực hiện xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm đặc thù con tôm càng xanh Nho Quan sẽ tăng được độ nhận diện; quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định để người nuôi yên tâm đầu tư sản xuất.
Cùng với đó, ngành chuyên môn cần tăng cường công tác khuyến ngư, chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi; khuyến khích thu hút đầu tư của các đơn vị, cá nhân có đủ năng lực để đầu tư cơ sở sản xuất giống tôm càng xanh. Tăng cường công tác phối hợp, quản lý nhà nước về vật tư nuôi trồng, giống… thì mới mang lại hiệu quả ổn định.
Nguyễn Lựu
Nguồn: Báo Ninh Bình