Hiện nay, các hộ nuôi trồng thủy sản tại khu vực ven biển hết sức vui mừng, phấn khởi trước giá cả nhiều mặt hàng thủy sản tăng cao và có thị trường tiêu thụ ổn định.
Qua ghi nhận thực tế tại một số vùng nuôi thủy sản trọng điểm của tỉnh, từ đầu năm tới nay, nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, giống nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, các hộ nuôi đã thu hoạch gần hết diện tích, với sản lượng đạt cao. Sản phẩm sau thu hoạch có thị trường tiêu thụ mạnh, giá bán tăng cao nên hầu hết người nuôi đều có lãi. Anh Nguyễn Đức Nghĩa, ở khu phố Khánh Giang, thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải) cho biết: Vụ vừa qua, gia đình thả nuôi ốc hương trên diện tích 400 m2 trong bể xi măng. Qua gần 7 tháng thả nuôi cho năng suất đạt gần 2,5 tấn, với giá bán dao động 280.000 – 300.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu về lợi nhuận 200 triệu đồng/vụ. So với năm trước, năm nay giá bán cao hơn khoảng 25.000 đồng/kg; nhờ đó giảm bớt một phần chi phí đầu vào cho người nuôi trong giai đoạn giá thức ăn, vật tư, thuốc men tăng cao như hiện nay.
Tại khu vực Đầm Nại, hoạt động mua bán diễn ra hết sức nhộn nhịp với các loại hải sản như hàu, cua, ghẹ, cá bớp. Đặc biệt, đối với các loại đối tượng này do nuôi theo hình thức cắm cọc, nuôi lồng bè và tận dụng được nguồn giống chủ yếu thu gom từ tự nhiên nên có chi phí đầu tư thấp, năng suất đạt khá, quy mô diện tích ngày càng được người dân mở rộng. Ông Nguyễn Quang Hưng, ở thôn Khánh Hội, xã Tri Hải (Ninh Hải), chia sẻ: Với 5 lồng bè nuôi hàu thương phẩm ở Đầm Nại, tôi thả nuôi 40.000 con giống, sau khoảng 6 tháng nuôi, hàu đạt trọng lượng 15 con/kg, có giá 30.000 đồng/kg, gia đình thu lãi trên 65 triệu đồng/vụ, cao hơn vụ trước 15 triệu đồng. Hàu sau khi thu hoạch được thương lái đến tận nơi để thu mua.
Ngoài ra, nhiều mặt hàng thủy sản khác cũng đều có giá tăng đáng kể, dao động từ 20 – 25%. Cụ thể như: Tôm thẻ có giá bán từ 130.000 – 150.000 đồng/kg, cá bớp từ 170.000 – 190.000 đồng/kg, cá chim từ 90.000 – 120.000 đồng/kg, cá mú từ 250.000 – 270.000 đồng/kg; cua, ghẹ từ 240.000 – 280.000 đồng/kg; các loại cá nước ngọt có giá từ 45.000 – 65.000 đồng/kg; rong sụn, rong nho có giá 4.500 – 5.000 đồng/kg… Theo chị Lê Thị Mai, hộ kinh doanh chuyên thu mua hải sản ở khu vực Đầm Nại, sức hút từ các mặt hàng hải sản tăng nhanh khoảng 3 tháng trở lại đây, do nhu cầu tiêu thụ một lượng lớn từ các tỉnh, thành phía Nam, thúc đẩy giá bán tăng. Dịp tết Nguyên đán 2023 đang cận kề dự báo nhu cầu sẽ còn tăng mạnh hơn, trung bình mỗi ngày tôi thu mua từ 300 – 500 kg hải sản các loại, ngoài phân phối cho các chợ trên địa bàn tỉnh, tôi còn đóng thùng xuất bán cho tiểu thương ở các chợ đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh.
Theo dự báo của Chi cục Thủy sản tỉnh, năm 2023, tình hình nuôi trồng thủy sản sẽ gặp những khó khăn nhất định do vấn đề ô nhiễm tại các vùng nuôi tập trung chưa được cải thiện nhiều, chất lượng nguồn nước ngầm và nước biển ven bờ ngày càng suy giảm. Do đó, khuyến cáo người dân cần quan tâm xử lý tốt môi trường ao nuôi, cải tạo lồng bè; đồng thời, lựa chọn nơi cung cấp con giống uy tín, đảm bảo khỏe mạnh để thả nuôi, hạn chế thải nước thải ra môi trường xung quanh; góp phần nâng cao giá trị, thúc đẩy hoạt động nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững.
Hồng Lâm
Nguồn: Báo Ninh Thuận