Ninh Thuận có tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế biển (KTB). Những năm qua, sự phát triển toàn diện của các ngành KTB đã tạo diện mạo mới cho tỉnh, giải quyết việc làm và từng bước nâng cao đời sống Nhân dân vùng ven biển, góp phần phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH), bảo đảm quốc phòng – an ninh, giữ vững chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển.
Sau 30 năm đổi mới và phát triển, cùng với sự phát triển chung của tỉnh, KTB đã có những chuyển biến quan trọng, đạt tốc độ tăng trưởng khá, đặc biệt 5 năm gần đây đạt 18,6%/năm; tỷ trọng đóng góp KTB vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng từ 27% năm 2015 lên 38,8% năm 2020; kết cấu hạ tầng vùng biển và ven biển cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển; một số công trình, dự án quy mô lớn, mang tính động lực đang xúc tiến triển khai, nhất là đã hoàn thành đưa vào sử dụng tuyến đường ven biển dài 105,8 km, góp phần khai thác tốt hơn các tiềm năng lợi thế của biển và vùng ven biển.
Từ chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, tỉnh đã đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, tạo động lực thúc đẩy nhanh sự phát triển của tỉnh. Đến cuối năm 2021, trên địa bàn các huyện ven biển đã có 38 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất khoảng 2.585,6 MW, vận hành thương mại phát điện trên 5,6 tỷ kWh, đóng góp lớn cho tăng trưởng KTB. Năm 2020, tỉnh đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và các đường dây 220/500 kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, đồng thời phê duyệt bổ sung Trung tâm điện lực LNG Cà Ná vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, giai đoạn 1. Việc hình thành Trung tâm điện lực LNG Cà Ná góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và an toàn hệ thống điện, ổn định, cân bằng nguồn điện cho các dự án điện gió, điện mặt trời, thay thế nguồn điện hạt nhân đã dừng triển khai và tạo động lực phát triển KT-XH tỉnh.
Lĩnh vực khai thác hải sản chuyển dịch theo hướng phát triển đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; năng lực tàu thuyền đều được nâng lên về công suất, trang thiết bị hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác hải sản làm khả năng hoạt động dài ngày trên vùng biển khơi. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 2.235 tàu tham gia khai thác vùng biển xa, tăng hơn 1.213 chiếc so với 1992. Ngư trường đánh bắt được mở rộng, sản lượng hải sản tăng nhanh, từ 12,6 ngàn tấn năm 1992 tăng lên 124 ngàn tấn năm 2021, tăng gấp 9,8 lần, tăng trưởng bình quân 8,2%, cơ bản đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi trồng thuỷ sản cũng được quan tâm đầu tư, đến cuối năm 2021 tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 927 ha, tăng hơn 505 ha so với năm 1992 và đã xây dựng thành công Nhãn hiệu chứng nhận “Tôm giống Ninh Thuận”. Nếu như năm 1992, chỉ có một số cơ sở sản xuất giống nhỏ lẻ, sản lượng 100 triệu con giống/năm, thì đến năm 2021 đã có gần 500 cơ sở doanh nghiệp sản xuất giống thủy sản đang hoạt động với tổng công suất bể ương hơn 144.000 m3, sản lượng tôm giống đạt 39.371 triệu con, tốc độ tăng trưởng bình quân trong 30 năm qua đạt 22,9%.
Phát huy tiềm năng lợi thế về điều kiện tự nhiên, du lịch biển đã có bước phát triển rõ nét. Từ chỗ lượng khách du lịch đến tỉnh hằng năm chỉ vài chục ngàn người, đến nay lượng du khách đến tỉnh hằng năm trung bình khoảng 1,7 triệu đến 2,1 triệu lượt, đỉnh điểm năm 2019 thời điểm chưa có dịch COVID-19 số lượt khách đến tỉnh đạt 2,35 triệu lượt, tăng bình quân 20,6%/năm trong giai đoạn 1992 – 2021. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 183 cơ sở lưu trú kinh doanh phục vụ khách du lịch với 4.121 phòng, gấp 22,9 lần về số cơ sở lưu trú và gấp 32,7 lần về số phòng so với thời điểm năm 1992. Nhiều khu du lịch (KDL) chất lượng được du khách đánh giá cao như: KDL Sài Gòn-Ninh Chữ; KDL sinh thái Nam Núi Chúa, KDL Hoàn Mỹ; KDL Long Thuận, TTC Resort Premium- Ninh Thuận… Trong đó, điểm nhấn độc đáo là Amanoi resort Ninh Thuận. Đồng thời, một số dự án du lịch biển quy mô lớn đang tập trung đẩy nhanh tiến độ như: Dự án Tổ hợp nghỉ dưỡng – giải trí thể thao biển của Công ty Mũi Dinh Ecopark; Khu đô thị sinh thái Núi Chúa của Công ty cổ phần và Đầu tư đô thị TDH Ecoland, Dự án KDL Bình Tiên, Dự án Sunbay Park Hotel & Resort…, sẽ góp phần tạo động lực mới thúc đẩy phát triển nhanh ngành Du lịch tỉnh trong những năm tới.
Xác định công nghiệp ven biển là một trong những ưu tiên để phát triển KTB, tỉnh đã khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp chế biến hải sản, công nghiệp khai thác, chế biến muối và sản phẩm sau muối, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu thuyền phục vụ đánh bắt hải sản, phát triển các sản phẩm làng nghề chế biến cá hấp, nước mắm… Tính đến cuối năm 2021, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 55 dự án công nghiệp biển với tổng vốn đăng ký 8.218,3 tỷ đồng; đến nay, có 35 dự án hoàn thành đi vào hoạt động, góp phần tăng năng lực sản xuất cho ngành Công nghiệp như: Nhà máy chế biến tôm xuất khẩu công suất 8.000 tấn/năm; dự án sản xuất và xuất khẩu muối Quán Thẻ quy mô 2.510 ha, sản lượng 500 ngàn tấn/năm; Nhà máy chế biến nước mắm CaNa 3 triệu lít/năm… Giá trị sản xuất công nghiệp biển và ven biển tăng nhanh, tỷ trọng công nghiệp biển và ven biển trong tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp chiếm 73,1%. Đồng thời, phát triển kinh tế hàng hải gắn với cảng biển nước sâu Cà Ná luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai đầu tư, trong đó dự án Cảng tổng hợp Cà Ná có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển KTB, khai thác hiệu quả cảng biển nước sâu, phục vụ lưu thông hàng hóa qua cảng, thúc đẩy thu hút đầu tư vào khu, cụm công nghiệp của tỉnh, góp phần phát triển KT-XH.
Để thúc đẩy tăng trưởng KTB, tăng thu nhập cho người dân trong những năm tiếp theo, hiện nay tỉnh đang tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện KTB, với mục tiêu đến năm 2025 Ninh Thuận trở thành tỉnh mạnh về biển trong khu vực, là trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước, trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao, du lịch biển Ninh Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Hồng Nguyệt
Nguồn: Báo Ninh Thuận