(TSVN) – Trong Kế hoạch số 3656/KH-UBND do UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành mới đây, từ nay đến năm 2030, tỉnh sẽ thực hiện Đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 vùng sản xuất tôm giống ứng dụng công nghệ cao An Hải và vùng sản xuất tôm bố mẹ ứng dụng công nghệ cao Sơn Hải với tổng diện tích 205,7 ha.
Cụ thể, vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao An Hải, xã An Hải (Ninh Phước) có diện tích khoảng 168 ha và vùng sản xuất tôm bố mẹ ứng dụng công nghệ cao Sơn Hải, xã Phước Dinh (Thuận Nam) có diện tích khoảng 37,7 ha. Trên cơ sở nội dung của Đồ án đã được phê duyệt, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan triển khai xây dựng kế hoạch của từng đơn vị phù hợp với tính chất, mục tiêu và định hướng phát triển theo quy hoạch phân khu đã xác định.
Trong đó, tập trung đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hoàn chỉnh, gắn kết hiệu quả với mạng lưới hạ tầng kỹ thuật chung của khu du lịch ven biển phía Nam tỉnh Ninh Thuận. Đồng thời, triển khai phối hợp chặt chẽ công tác xúc tiến thu hút đầu tư và tạo điều kiện để các nhà đầu tư tiếp cận, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch.
Năm 2020, tôm giống Ninh Thuận đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu chứng nhận. Ảnh: TTKNQG
Các nhiệm vụ triển khai đầu tư xây dựng các dự án, công trình được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2024 – 2025; giai đoạn 2 từ năm 2026 – 2030. Về nguồn vốn đầu tư, thực hiện bằng vốn của chủ đầu tư hạ tầng, nguồn xã hội hóa và nguồn vốn đầu tư công ngân sách địa phương. Đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp điện, cấp nước, hệ thống thoát nước khu vực…) thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư ngân sách địa phương hoặc theo hình thức xã hội hóa. Đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu sản xuất và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện bằng vốn của chủ đầu tư hạ tầng và các nhà đầu tư thứ cấp.
Để hiện thực hóa Đồ án, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Tổng thể không gian quy hoạch của hai vùng sản xuất được phân thành các khu chức năng riêng biệt. Cụ thể, vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao An Hải nổi bật với trục chủ đạo là trục đường Tỉnh lộ 701, có trục cảnh quan kết nối từ đường Tỉnh lộ 701 với trục giao thông D6. Trong đó, phân khu đất sản xuất giống thủy sản chỉnh trang có tổng diện tích 45 ha nằm dọc phía Tây trục đường ven biển Tỉnh lộ 701; phân khu đất sản xuất giống thủy sản phân lô mới có diện tích trên 90 ha và phân khu đầu mối hạ tầng kỹ thuật gồm khu tập trung xử lý nước thải, khu cấp nước mặn, bãi xe, cây xanh cùng các khu vực phụ trợ khác.
Đối với vùng sản xuất tôm bố mẹ ứng dụng công nghệ cao Sơn Hải, nổi bật với trục chủ đạo là trục đường nhựa tiếp giáp với công viên ngay bờ biển tạo điểm nhấn cho khu vực quy hoạch. Phân khu đất sản xuất tôm bố mẹ có diện tích trên 32 ha, khu đất còn lại có diện tích trên 11 ha sẽ được tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất tôm bố mẹ ứng dụng công nghệ cao vào đầu tư.
Từ nay đến hết năm 2025, dự án tổ chức thực hiện song song và đồng thời các công việc, thủ tục chuẩn bị đầu tư: công tác đền bù giải phóng mặt bằng; chuẩn bị mặt bằng xây dựng; khảo sát xây dựng, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng, cấp giấy phép xây dựng đối với công trình theo quy định phải có giấy phép xây dựng. Đồng thời, tiến hành kêu gọi, thu hút đầu tư vào hai vùng sản xuất giống thuỷ sản nêu trên.
Giai đoạn 2026 – 2030, dự án sẽ triển khai xây dựng các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất: Xây dựng các trạm bơm nước ngọt; hệ thống dẫn thải và khu tập trung xử lý nước thải, cây xanh,… đồng thời cơ bản hoàn thành các công trình hạ tầng khung như hệ thống giao thông, điện, nước ngọt. Bên cạnh đó, tập trung di dời khoảng 100 cơ sở sản xuất giống thủy sản với diện tích khoảng 33 ha tại khu vực phía Đông từ trục Tỉnh lộ 701 có nhu cầu vào khu vực quy hoạch và định hướng phân lô cho 100 cơ sở với diện tích mỗi lô khoảng 4.000 m².
Được biết, tỉnh Ninh Thuận có tiềm năng về biển cùng nhiều lợi thế cho hoạt động sản xuất kinh doanh giống thủy sản. Trong đó, tôm giống được xem là đối tượng chủ lực, có ưu thế cạnh tranh, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Năm 2020, sản lượng tôm giống sản xuất của tỉnh là 42,6 tỷ con; đáp ứng khoảng 35% tôm giống của cả nước. Thương hiệu “Tôm giống Ninh Thuận” luôn được đánh giá cao về chất lượng.
Minh Khuê